Ngổn ngang cải lương xã hội hóa

16/06/2018 - 11:20

PNO - Thị trường đang có nhiều công ty, nhóm cải lương xã hội hoá, thường xuyên tổ chức các đêm diễn cải lương nguyên tuồng hoặc trích đoạn. Rất tiếc, hoạt động này hiện khá ngổn ngang.

Sân khấu cải lương vừa đón thêm một “nhà đầu tư” mới: Công ty tổ chức biểu diễn Song Việt. Chỉ sau hai tháng, đơn vị này đã thực hiện được hai suất diễn là vở Đường gươm Nguyên Bá và chương trình của nhóm cải lương thiếu nhi Bầu Trời Xanh.

Ngon ngang  cai luong xa hoi hoa
Sân khấu cải lương hiện đại, hoành tráng là ước mơ của cả khán giả lẫn người làm nghề

Khá lâu rồi sân khấu cải lương mới lại có nhiều nhóm cải lương xã hội hóa (XHH) hoạt động như hiện nay. Trước Song Việt, từng có Công ty giải trí Kim Tử Long, sân khấu Lê Hoàng, nhóm XHH của NSƯT Vũ Linh, Chí Linh - Vân Hà, Bình Tinh…

Hầu hết các đơn vị đều tổ chức biểu diễn định kỳ từ 1-2 suất/tháng, với quy mô nhỏ, gọn. Những vở đầu tư lớn như Xử án Phi Giao, Thái hậu Dương Vân Nga… thường phải nhân những dịp đặc biệt và bầu show phải được các Mạnh Thường Quân hỗ trợ.

Dù làm chương trình lớn hay nhỏ, các bầu show cải lương đều chỉ mong hòa vốn. Ngay khi vừa lên kế hoạch dựng vở Xử án Phi Giao, NSƯT Kim Tử Long đã phải nhờ các Mạnh Thường Quân, vì có bán hết vé vẫn lỗ. Vở Thái hậu Dương Vân Nga, dù hai suất diễn đều bán vé khá tốt, NSƯT Hoa Hạ cho biết: “Lợi nhuận về kinh tế sau suất diễn chỉ là cảnh trí và phục trang”.

Nhưng ngay cả với những vở dựng gọn nhẹ thì kinh phí vẫn là vấn đề nam giải. Giá thuê rạp phổ biến hiện nay khoảng 15 triệu đồng. Tiền thuê màn hình LED từ 5-10 triệu đồng, thuê địa điểm tập từ 500.000 - 1 triệu đồng/ngày. Ngoài ra còn nhiều chi phí khác, như: tiền ăn, tập của nghệ sĩ, tác quyền, dàn nhạc, quảng cáo…

Cảnh trí là vấn đề của hầu hết các nhóm cải lương XHH. Không thể đầu tư cảnh trí đẹp để sau 1-2 suất diễn lại phải tốn tiền thuê kho lưu giữ, đa phần các bầu show chọn dùng màn hình LED. Nghệ sĩ Chí Linh thừa nhận: “Dùng màn hình LED tốn kém mà hiệu quả lại thấp, thậm chí nhiều khi màn hình còn làm hỏng hiệu quả của ánh sáng. Nhưng không có kho cất cảnh trí thì đâu còn giải pháp khác”.

Kinh phí hạn hẹp cũng khó đầu tư trang phục. Giải pháp tiết kiệm là các diễn viên chính tự lo phần phục trang của mình, chỉ thuê trang phục cho một số nhân vật phụ. Kết quả: tuyến nhân vật chính, phục trang mỗi người một kiểu, do được may theo nhu cầu và sở thích của từng người. Sân khấu thành ra đủ màu sắc, đôi khi màu sắc cãi cọ lẫn nhau. Chất liệu, kiểu cách cũng mỗi người một vẻ. Có khi cùng một vở, phục trang của nhân vật công chúa lại may trên chất liệu thường, kết cườm, kim sa đủ sắc, còn phục trang của tiểu thơ thì bằng vải tốt, đính đá sang trọng.

Khó có thể đếm số lượng vở diễn trong thời gian gần đây để đánh giá đời sống của sân khấu cải lương. Thực tế rất đáng buồn: mỗi vở chỉ tổ chức một suất diễn, nhưng nhiều vở chỉ bán được trên dưới 100 vé, có vở chỉ vài chục vé và đa phần khán giả là fan ruột của vài nghệ sĩ, mua vé để ủng hộ thần tượng.

Đa số nghệ sĩ của các nhóm XHH hiện nay đều rất mê nghề. Họ sẵn sàng dành thời gian tập luyện, chấp nhận biểu diễn với thù lao ít ỏi để được sống trọn vẹn với cảm xúc, số phận của nhân vật. Tiếc rằng, chỉ đam mê của nghệ sĩ thôi chưa đủ để giữ chân khán giả.

Điều đang khiến những người làm cải lương tranh luận là liệu có nên tiếp tục bươn chải để sân khấu cải lương sáng đèn. Bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ với lý do để khán giả đừng quên cải lương thì cũng có ý kiến cho rằng, dựng cải lương trong điều kiện “giật gấu vá vai” dễ khiến khán giả, nhất là lớp khán giả trẻ vốn chưa hiểu nhiều về cải lương, càng không muốn đến rạp.

NSƯT Hoa Hạ nói: “Cải lương XHH, dù có những vở được đầu tư hoành tráng hay những vở kinh phí hạn hẹp vẫn chưa phải là diện mạo của sân khấu cải lương TP.HCM hiện nay. Tất cả đều là những hoạt động tự phát và đa phần là để thỏa khát khao làm nghề của nghệ sĩ. Bao giờ những người tâm huyết với cải lương vẫn phải loay hoay tự bươn chải, tự tìm lối đi thì diện mạo của sân khấu cải lương vẫn chỉ là những nét vẽ nguệch ngoạc. Những sàn diễn cải lương nhỏ bé, thiếu thốn thiết bị, sân khấu đơn điệu… e chừng sẽ càng đẩy thế hệ khán giả tương lai của cải lương ra xa loại hình nghệ thuật truyền thống vốn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam”.

Bao giờ cải lương mới tìm lại được chính mình? Câu hỏi đến nay vẫn chưa có lời đáp. 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI