Lễ hội và quản lý, rượt đuổi nhau đến bao giờ?

24/02/2018 - 07:28

PNO - Chỉ trong 3 ngày đầu tiên của năm, mới Bộ VH-TT-DL và các cơ quan thuộc Bộ đã ban hành 4 công văn chỉ đạo về lễ hội.

“Ở một số lễ hội, di tích vẫn còn xảy ra hiện tượng đổi tiền lẻ, rải tiền lẻ, đặt tiền lễ không đúng nơi quy định, đốt nhiều đồ mã, vàng mã, hương, nến gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ mất an toàn trong di tích và lễ hội…” là nội dung thuộc công văn 91/VHCS- QLHĐLH do cục Văn hoá cơ sở (Bộ VH-TT-DL) gửi Sở VHTTDL, Sở VH&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào mùng 6 tết.

Riêng đối với 2 lễ hội chọi trâu xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) và xã Hải Lựu (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc), vào mùng 5 và 6 tết, Cục đã gửi 2 công văn đến tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc đề nghị không bán vé, thu tiền tham dự lễ hội và không giao cho các doanh nghiệp, cá nhân tổ chức chọi trâu, tuyên truyền chủ trâu không giết mổ trâu chọi để bán …

Le hoi va quan ly, ruot duoi nhau den bao gio?
Đổi tiền lẻ vẫn nhan nhản trước đền thờ

Tiếp theo, ngày mùng 7 tết,  Bộ VH-TT-DL gửi công văn đến Sở VH-TT Hà Nội đề nghị đảm bảo việc mặc áo phao đầy đủ cho du khách đi thuyền trên suối Yến, không để xảy ra tình trạng chặt chém, đổi tiền lẻ, mua bán thịt động vật hoang dã… gây phản cảm…  

Đây là những công văn chỉ đạo hết sức cần thiết để đảm bảo công tác tổ chức lễ hội được diễn ra đúng với tinh thần lễ hội, tránh tình trạng tiêu cực như nhiều năm qua. Tuy nhiên, tại sao các công văn này xuất hiện vội vã và gấp gáp, trong khi lý ra chúng phải xuất hiện từ trước vì công tác tổ chức lễ hội đã được chuẩn bị từ rất sớm?

Công văn chỉ đạo dành cho lễ hội chùa Hương chỉ xuất hiện sau khi lễ hội này đã diễn ra (mùng 6 tết), trong khi các diễn biến như đổi tiền lẻ, mua bán thịt động vật hoang dã năm nào cũng xuất hiện, không phải diễn biến phát sinh. Đó là chưa kể, năm 2017, việc du khách đi thuyền trên suối Yến nhưng không hề có phương tiện bảo hộ (áo phao) đã được dư luận phản ánh, Cục đường sông lên tiếng và ra văn bản đề nghị cơ quan quản lý liên quan giám sát chặt chẽ, tuân thủ các yêu cầu về phương tiện giao thông thuỷ.

Le hoi va quan ly, ruot duoi nhau den bao gio?
Việc du khách đi thuyền trên suối Yến nhưng không mặc áo phao đã diễn ra từ các năm trước, không phải là diễn biến phát sinh của mùa lễ hội năm nay

Nói cách khác, việc giám sát và chỉ đạo công tác tổ chức lễ hội này phải được Bộ VH-TT-DL cùng các cơ quan chức năng thuộc Bộ thực hiện một cách chủ động, nắm bắt sát sao, có sự đồng hành từ các cơ quan quản lý địa phương… Nhưng thực tế việc này lại diễn ra vội vã và bị động hơn bao giờ hết, như một cuộc rượt đuổi theo lễ hội.

Tình trạng du khách không mặc áo phao vẫn còn, tình trạng đổi tiền lẻ trước cổng chùa vẫn diễn ra, hình ảnh tiền lẻ được nhét khắp nơi ở chùa Hương gây phản cảm vẫn xuất hiện đều đặn… ở mùa lễ hội năm nay, dù mùa lễ hội của cả nước chỉ mới bắt đầu, còn rất nhiều lễ hội lớn sắp diễn ra vài ngày tới. Ý thức của người dân tham gia lễ hội là vấn đề không nhỏ, nhưng công tác tổ chức, chỉ đạo từ cơ quan chức năng cũng là vấn đề lớn.

Việc đảm bảo các lễ hội diễn ra đúng với tinh thần lễ hội không thể diễn ra trên giấy tờ, huống chi các giấy tờ (công văn chỉ đạo của Bộ và cơ quan thuộc Bộ) chỉ xuất hiện như có lệ, giữ vai trò theo đuôi thực tế hơn là chỉ đạo thật sự.

V.H

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI