Khi đại gia thò tay vào nghệ thuật

18/04/2018 - 18:00

PNO - Các đại gia rót tiền cho các dự án văn hóa nghệ thuật hẳn là điều tốt. Nhưng cánh tay của họ sẽ 'thò' đến đâu, và 'thò' như thế nào để không 'phá nát' nghệ thuật?

Khi đại gia chi tiền?

Khái niệm “đại gia” thường gắn với chân dài, người đẹp. Thậm chí, có bài báo còn thống kê những vị đại gia “ngốn” nhiều chân dài nhất chốn showbiz. Đi cùng với đó là những câu chuyện tiền - tình không hồi kết. Có không ít vụ, đại gia - chân dài kéo nhau ra tòa, trở thành trò cười trong mắt thiên hạ. Còn với các dự án văn hóa nghệ thuật thì hình bóng đại gia lại hầu như chẳng thấy.

Khi dai gia tho tay vao nghe thuat

Monsoon Festival có thể dừng vì đại gia rút vốn?

Ở các nước tiên tiến, giới thượng lưu là một trong những nhân tố thúc đẩy văn hóa nghệ thuật phát triển. Có nhiều lý do để họ chi tiền vào nghệ thuật. Bỏ qua một vài câu chuyện “trưởng giả học làm sang”, khi dư giả tiền bạc, giới đại gia thường mong muốn làm một điều gì đó để lại dấu ấn tích cực của mình đối với cộng đồng. Chi tiền cho sáng tạo nghệ thuật cũng là một cách. Ngoài ra, khi đóng góp cho nghệ thuật, họ còn được nhận lại những quyền lợi như giảm thuế, mở rộng mối quan hệ phục vụ cho việc làm ăn, đầu tư, danh tiếng…

Ở Việt Nam, mấy năm trở lại đây, dù không nhiều, đã có những “ông lớn” bắt đầu quan tâm tới văn hóa, nghệ thuật bằng cách tài trợ cho một số dự án lớn, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ thăng hoa. Đứng sau chuỗi hòa nhạc Luala - chương trình cộng đồng tôn vinh âm nhạc cổ điển ngay trên đường phố Hà Nội, diễn ra suốt sáu mùa, chính là ông chủ thương hiệu thời trang Luala - Đỗ Ngọc Minh. Chuỗi chương trình RockStorm trước đây hay chuỗi Monsoon Festival sau này cũng nhờ các “ông lớn” có lòng với âm nhạc.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chia sẻ, Khúc giao hòa ngày xuân - chương trình lớn nhất, công phu nhất và cũng đồ sộ nhất mà anh từng viết hay dự án âm nhạc mới trong năm 2018 có thể thực hiện được cũng nhờ công ty Ossso. Trong lĩnh vực sân khấu là cái bắt tay của “ông lớn” Minh Long và sân khấu Hồng Hạc. Nhiều dự án mỹ thuật, xuất bản, phim độc lập, sân khấu… cũng sự giúp đỡ về vật chất từ các đại gia. Đổi lại, giới đại gia, các tập đoàn lớn cũng có thể xây dựng hình ảnh và quảng bá thương hiệu của mình.

Bỏ tiền là xong?

Trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, nguồn vốn có hạn, lại bị chia năm xẻ bảy vào các hoạt động khác, sự ủng hộ của đại gia đối với nghệ thuật là rất quan trọng. Tuy nhiên, nghệ thuật không phải cứ bỏ tiền vào là xong. Có những đại gia đã “bóp nát” văn hóa nghệ thuật bằng tiền, khi bàn tay họ “thò” quá sâu, khi nghệ sĩ không bảo vệ được “đứa con tinh thần”, những sản phẩm nghệ thuật trở thành một thứ dị hợm trong mắt công chúng.

Khi dai gia tho tay vao nghe thuat
RockStorm cũng không còn khi doanh nghiệp từ bỏ "cuộc chơi"

Một người bạn Quảng Nam vừa kể cho tôi nghe câu chuyện, nhờ một “ông lớn” nào đó mà một ngôi làng du lịch mang phong cách châu Âu nửa mùa đã mọc lên xa lạ giữa làng quê giản dị của bạn. MC Trấn Thành với sê-ri Tui là Tư Hậu, nhạt nhẽo về nội dung, nhưng lại “mặn hơn muối” vì quảng cáo chi chít, khiến khán giả hoang mang không hiểu đây là tác phẩm nghệ thuật hay là phim quảng cáo. Chúng ta cũng có đầy những dự án nghệ thuật, MV ca nhạc mà sau khi phát sóng, đã bị khán giả than phiền vì quảng cáo dày đặc. Ranh giới giữa làm nghệ thuật và làm tiền thật quá mong manh.

Tất nhiên, khi hợp tác, đôi bên cùng có lợi thì quan hệ mới bền vững. Thế nhưng, nếu vì những cái lợi trước mắt mà bất chấp tính nghệ thuật, yếu tố văn hóa thì thà không “thò” vào còn hơn. Công chúng cũng không muốn bị những sản phẩm “rác” làm phiền. Văn hóa nghệ thuật cũng chẳng thể phát triển nhờ các sản phẩm như vậy.

Tại Mỹ, sau giáo dục và những nhu cầu cơ bản, nghệ thuật là lĩnh vực thứ ba mà giới nhà giàu chi tiền hiến tặng nhiều nhất. Nếu trước đây, đại gia gắn với các nhãn hiệu thì giờ đây, bên cạnh việc làm ăn, một số đại gia cũng đồng thời là nghệ sĩ. Hấp lực của nghệ thuật khiến những người có tiền biết cách “chơi” hơn.

Bảo tồn và phát triển văn hóa là câu chuyện của tư duy, của tâm và tài. Sử dụng đồng tiền thế nào cho đúng, cho đáng. Văn hóa nghệ thuật không phải là chốn để những người lắm tiền mà đầu óc trống rỗng thể hiện sự “bá chủ” cũng như “tham vọng” của bản thân.

Nhiều dự án hiện phải đấu tranh giữa tiền bạc và chất lượng vì tham vọng của đại gia. Nhiều chương trình, sau khi đại gia rút vốn, đã phải dừng hoặc rơi vào cảnh lao đao. Monsoon Festival - một thương hiệu nghệ thuật của thủ đô trong nhiều năm qua, có lẽ, đã thổi lần cuối cùng vào năm ngoái. Lý do thì nhiều, và một trong số đó đã được “tổng quản” Quốc Trung tiết lộ: chương trình không có nhiều nhà tài trợ như người ta vẫn nghĩ và ngày một ít đi.

Văn hóa nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù, cần phải đi đường dài mới biết “ngựa hay”. Ngoài tiền bạc và tư duy xây dựng thương hiệu, giới “quý tộc” Việt Nam cũng cần tâm và tầm để có thể đồng hành, vì một sự phát triển của chính mình lẫn nền nghệ thuật nước nhà. Có câu nói rằng, khi giới đại gia có đủ sức mạnh về kinh tế, họ sẽ thực hiện mơ ước của mình. Mơ ước đó là cái gì, bộ mặt đó ô trọc hay là gì, hãy nhìn vào những việc họ đã làm. 

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng

Trong câu chuyện đại gia tài trợ hoặc đầu tư cho văn hóa nghệ thuật, tất nhiên không thể bỏ qua vấn đề lợi ích. Nếu nhìn xa, để tạo uy tín lớn cho thương hiệu của mình, cần đầu tư vào những tác phẩm, chương trình có chất lượng cao.

Khi dai gia tho tay vao nghe thuat

Bà Ngô Phương Thảo, CEO Anbooks: “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”

Tôi nghĩ, nhiều đại gia Việt Nam mình không phải không đủ tiền, cũng chẳng phải họ không có tâm đâu. Tuy nhiên, tư duy về bản sắc, về phát triển bền vững ở họ chưa rõ nét, nếu không nói là thiếu chú trọng. Nếu họ không giỏi trong lĩnh vực này, họ có thể bỏ tiền thuê người giỏi để làm. Chúng ta hay nói, Việt Nam đi sau các nước tiên tiến vài chục năm. Tôi cho rằng, nếu chúng ta làm tốt mảng văn hóa, nghệ thuật, giải quyết tốt câu chuyện bản sắc, chúng ta có thể đi ngang hàng với thế giới.

Khi dai gia tho tay vao nghe thuat

Nếu hỏi các đại gia Việt Nam thiếu gì, tôi nghĩ phần lớn họ thiếu ý thức về bản sắc dân tộc cũng như tư duy dài hạn. Điều đó có thể không nguy hiểm vào thời điểm 15 hay 20 năm trước - khi mà internet chưa phát triển. Nhưng khi chúng ta phát triển, ta có tiền mà không định danh được chính mình thì ta không “bán” được, không phát triển được. Một đất nước không có, không nhớ gì về bản sắc sẽ không có gì để kể với con cháu chúng ta, với bên ngoài cả. Bây giờ có thể ta chưa thấy rõ, nhưng “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI