Đệ nhất nguyệt cầm Ba Tu qua đời

21/07/2018 - 23:00

PNO - Cả NSƯT Ba Tu và tiếng đờn của ông dường như không có tuổi. Gần 80 tuổi, ông vẫn miệt mài hòa đờn cùng các thế hệ nhạc sĩ và truyền dạy ngón đờn độc nhất vô nhị của mình cho học trò.

NSƯT -  Nghệ nhân dân gian (NNDG) Ba Tu tên thật là Trương Văn Tự, sinh năm 1936 tại Cần Đước (Long An) - nơi được xem là cái nôi của nhạc lễ và nhạc tài tử Nam bộ.

Từ nhỏ ông đã có niềm đam mê kỳ lạ với âm nhạc tài tử. Cha ông cũng là người biết đờn ca tài tử, thấy con trai quá mê đờn nên bắt phải chuyên tâm học chữ rồi mới cho học đờn.

Nghe lời cha, buổi sáng ông theo học văn hóa, buổi tối ông được gởi học đờn ở những thầy nhạc nổi tiếng: Hai Đạm (học bộ gõ), Bảy Huế (tranh và cò), Chín Phàn (kìm)… Sau khoảng ba năm học đờn, ông được các thầy dẫn đi hành nghề nhạc lễ.

Thập niên 1960, ông lên Sài Gòn, gia nhập Ban ca kịch Vân Hạt (Đài Phát thanh Sài Gòn) rồi lần lượt qua các gánh cải lương Phước Thành, Minh Tơ, Tiếng Vang, Thủ Đô…

De nhat nguyet cam Ba Tu qua doi
Đệ nhất nguyệt cầm - NSƯT Ba Tu

Thời gian ở Sài Gòn, NSƯT Ba Tu vừa hoạt động ở sân khấu cải lương, vừa hành nghề nhạc lễ và tham gia Hội Danh cầm Sài Gòn. Ở đây, ông vẫn thường xuyên gặp gỡ, hòa đờn với những danh cầm tài tử - cải lương nổi tiếng như Chín Trích, Sáu Tửng, Hai Lòng, Hai Thơm, Năm Cơ, Văn Vĩ, Bảy Bá… nên có rất nhiều kinh nghiệm và sự am hiểu cả về đờn ca tài tử và cải lương.

Có một điều rất đặc biệt ở NSƯT Ba Tu. Thường thì các thầy đờn có thể hiểu cả ba dòng nhạc đờn ca tài tử, cải lương hoặc nhạc lễ, nhưng sẽ chuyên sâu ở một thể loại. Riêng NSƯT Ba Tu điêu luyện cả 3 trường phái.

Không chỉ được mệnh danh là “Đệ nhất nguyệt cầm” và nổi tiếng với ngón đờn kìm, NSƯT Ba Tu còn giỏi các các loại nhạc cụ cò, tranh, sến và guitar phím lõm.

NSƯT Ba Tu được công chúng và người làm nghề hết mực yêu thương bởi cả tài năng và đức độ. Họ trân quý ông như “báu vật nhân văn sống” của đờn ca tài tử - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trên vùng đất phương Nam.

Sinh thời, soạn giả - NSND Viễn Châu đã từng nói về tiếng đờn của nghệ sĩ Ba Tu: “Ba Tu nhấn chữ xang nức nở như người có tâm sự đang kể lể lòng mình. Còn khi Ba Tu đờn vọng cổ, nét nhấn nhá có nhiều chữ mới, luyến láy duyên dáng, điệu bắc thì hùng tráng, các bài nam - oán thì cực kỳ mùi mẫn”.

Trước khi đi xa, Đệ nhất nguyệt cầm Ba Tu đã kịp hoàn thành bộ đĩa CD độc tấu đờn kìm 20 bài bản Tổ của đờn ca tài tử, với mong muốn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá độc đáo của vùng đất phương Nam mà các thế hệ cha ông đã dày công vun đắp. 

NSƯT - NNDG Ba Tu đã từ trần trưa 21/7. Linh cữu quàn tại nhà riêng, số 791/26 Trần Xuân Soạn, P.Tân Hưng, Q.7. Lễ truy điệu lúc 7g, ngày 23/7, sau đó đưa đi an táng tại huyện Cần Đước, Long An.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI