Sao vợ không ầm ĩ lên, hàng ngày vợ chi li đo đếm thế mà

05/07/2017 - 16:15

PNO - Vợ chỉ có một đôi giày. Đôi giày màu đen. Vợ bảo thích đôi giày này vì nó tiện lợi, mặc với quần áo nào cũng hợp, đi chơi đi ăn cưới đi làm cũng được. Hai năm nay vợ chỉ đi đôi giày đó.

Chồng là nhân viên sửa chữa đồ điện tử, lương tháng năm triệu. Nhận lương về đưa cả cho vợ. Vợ đếm ngược đếm xuôi, bớt ra cho chồng tám trăm để ăn sáng, đổ xăng, cà phê với bạn bè.

Vợ làm lễ tân khách sạn, lương thấp hơn chồng. Thu nhập hai vợ chồng chưa tới 10 triệu đồng mỗi tháng. Gửi con đi nhà trẻ triệu rưỡi, tiền thuê nhà triệu hai, vậy mà mỗi tháng vợ vẫn dành ra được một phần cho vào quỹ tiết kiệm. Vợ bảo, kiến tha lâu đầy tổ, biết đâu gặp cơ hội rồi vay mượn thêm sẽ mua được căn hộ nho nhỏ.

Sao vo khong am i len, hang ngay vo chi li do dem the ma
Ảnh: Internet

Căn hộ nho nhỏ mới trong giấc mơ thôi, nhưng vợ luôn tô vẽ, trang trí. Nhìn thấy mẫu thiết kế nào đẹp, hiện đại, tiện ích cho những căn hộ mini, vợ ngắm nghía say mê từng đường nét, chi tiết, sắc màu như thể ngày mai dọn về ngôi nhà đó vậy.

Hai vợ chồng từ quê lên thành phố học đại học rồi ở lại làm việc, không có ai dựa dẫm, làm việc tại những công ty nhỏ. Vợ sắm quần áo vào những đợt giảm giá. Sáng vợ dậy sớm nấu cơm rồi hai vợ chồng hai cặp lồng mang đến cơ quan. Hoa trái cũng chỉ ăn những loại rẻ tiền, điện thoại nạp vào những đợt có chương trình khuyến mãi.  

Chồng hết giờ làm là chạy xe thẳng về nhà. Bạn bè gọi đi tụ tập chồng đều chuẩn bị sẵn lời từ chối “phải về đón con” rất nhẹ nhàng. Thuê nhà trọ xa thành phố, lâu lâu bạn mới đến chơi một lần. Vợ nấu cơm đãi khách. Mâm cơm tươm tất, lịch sự, khách và chủ ngồi bên nhau chuyện trò không dứt.

Một hôm chồng thật thà kể cho người anh mức sống gia đình mình. Anh nhìn chồng thương hại, bảo rằng tằn tiện vậy đến bao giờ mới khá nổi. Phải thay đổi. Nghĩ giàu mới giàu được.

Nhưng thay đổi như thế nào? Bao năm nay chỉ biết sáng đến công ty, tối về nhà với vợ con.

Người anh giải thích vòng vo và chốt lại là phải “quan hệ xã hội”. Anh em giao lưu nhậu nhẹt “thì việc nó mới ra”. Rồi anh lấy ví dụ từ bản thân từng cù lần như chồng, nhưng nhờ biết cách tạo dựng những mối quan hệ phù hợp nên giờ chân trong chân ngoài ngon lành, vương giả hẳn lên.

Chồng đưa chuyện ra bàn với vợ. Vợ thần mặt ra rồi nói mình có bấy nhiêu tiền tiết kiệm, dùng hết vào làm ăn rồi lỡ không thuận lợi thì tính sao. Tính vợ lo xa, chỉ sợ ốm đau bất ngờ không biết kiếm tiền đâu mà xoay xở. Bắt đầu có những lời khó nghe. Vợ chán nản không bàn lùi nữa: “Thôi anh muốn làm gì tùy”.

Sao vo khong am i len, hang ngay vo chi li do dem the ma
Ảnh: Internet

Gọi là “quan hệ xã hội”, nhưng thực ra là mời mọi người đi ăn nhậu và sau đó mình là người chủ động thanh toán. Mỗi bữa nhậu sơ sơ cũng ngốn hết cả một tháng tiết kiệm của hai vợ chồng. Xót xa một chút khi gửi tiền, nhưng chồng cũng thấy vui vì quen biết nhiều anh em hơn, tầm nhìn mở rộng.  

“Một người anh em” thuyết phục chồng cùng chung vốn mở xưởng may quần áo. Anh em lập thành công ty, đăng ký bản quyền thương hiệu. Xong xuôi chồng lặng lẽ rút toàn bộ số tiền tiết kiệm góp cổ phần. Chồng không dám bàn với vợ, vì biết vợ sẽ cản.

Tiền đã góp rồi mà xưởng may vẫn chưa hoạt động gì. Mỗi lần thắc mắc, trưởng nhóm đều đưa ra lý do hợp lý giải thích sự chậm trễ. Cảm thấy không ổn, chồng tìm cách nói với người anh em xin rút vốn, nhưng cũng từ đó điện thoại không liên lạc được, đến nhà trọ thì anh ta chuyển đi rồi.

Xót tiền đã mất, thương vợ bao năm tằn tiện vì gia đình, vợ nằm bên cạnh nghe tiếng thở dài của chồng đã linh tính được phần nào. “Thôi anh, tiền mất rồi thì thôi, mình làm lại từ đầu”, vợ trấn an chồng xong quay mặt đi, nước mắt thấm ướt gối. Sao vợ không ầm ĩ lên, hàng ngày vợ phải chi li đo đếm thế mà, sự im lặng đầy bao dung của vợ khiến chồng không cầm lòng nổi. Chồng quay sang ôm vợ thật chặt. Khó khăn rồi sẽ qua, chúng mình sẽ nhớ mãi những tháng ngày này. 

Thúy Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI