Ôm người - ôm mình

20/05/2018 - 22:30

PNO - Tôi vẫn nghĩ: tại sao một điều tưởng đơn giản và tự nhiên như cái ôm mà chúng ta cũng phải học?

Điều gì ngăn cản ta thể hiện tình yêu thương bằng một cái ôm? Điều gì khiến ta ngại ngùng bày tỏ tình yêu, lời xin lỗi hay cảm ơn khi cần thiết? 

Om nguoi - om minh
 

Xã hội càng hiện đại dường như khoảng cách giữa người với người ngày càng giãn xa hơn. Phải chăng để “cứu vãn” điều này, các lớp học cười, học ôm xuất hiện với rất nhiều người tham gia. Cái ôm tác động cực kỳ hiệu quả đến việc chữa lành bệnh tật, cảm giác cô đơn, trầm cảm, lo lắng và stress. Nhưng với nhiều người, ôm mẹ cũng là điều khó khăn, ngại ngùng, gượng gạo. Bởi lẽ, từ khi còn là một đứa trẻ thích quấn chân mẹ, thích được ẵm bồng, vì một lý do nào đó, ta đã bị chối từ, được dạy rằng không được đòi mẹ ôm, lớn rồi đòi ôm, đòi hôn là điều đáng xấu hổ.

Chúng ta lớn lên, mất dần thói quen cũng như ký ức về một vòng tay ấm áp của mẹ chở che, vuốt ve, âu yếm cùng lời thương yêu ngọt ngào như mật. Bên cạnh đó, cũng có người cảm thấy không thoải mái trong việc tiếp xúc cơ thể do những trải nghiệm xấu trong việc va chạm với người khác (phần lớn là với người khác giới). Từ đó, họ mang tâm lý nghi ngại, e dè, phòng thủ trước bất kỳ sự đụng chạm nào, nói gì đến một cái ôm trọn vẹn.

Dù nguyên nhân là gì đi nữa, những người mất khả năng ôm và chấp nhận một cái ôm sẽ luôn thiệt thòi. Tôi từng đọc nhiều tài liệu tâm lý và trị liệu mà trong đó đều khẳng định, một đứa trẻ thường xuyên được ôm ấp, vuốt ve sẽ có nhiều cơ hội trở thành con người hạnh phúc. 

Om nguoi - om minh
Ảnh minh họa

“Cho ôm với!”

Khi cảm xúc yêu thương tràn ngập trong lòng, tôi muốn ôm ai đó. Khi cõi lòng trĩu nặng hay cảm thấy chênh vênh, tôi muốn được ôm. Cái ôm, với tôi, là thông điệp của yêu thương, là liều thuốc chữa lành những vết xước trong tim. Nhu cầu ôm và được ôm của tôi cũng thiết yếu và tự nhiên như ăn cơm, uống nước hằng ngày. Tôi có thể ôm và nói lời yêu thương dễ dàng với những người mà mình yêu quý, bởi mẹ đã cho tôi điều đó. Tôi lớn lên cùng lời ru ngọt ngào và những cái ôm ấp, vuốt ve, âu yếm, những yêu thương của mẹ. Nhờ thế tôi có thể ôm cha mẹ, ôm bà, ôm anh chị, ôm bạn bè, đồng nghiệp… Dĩ nhiên, với người khác giới, tôi không ôm tùy tiện. Nhưng có những người bạn, người anh mà khi hạnh phúc, chúng tôi có thể trao nhau một cái ôm - không mảy may cộm lên vấn đề giới tính, những cái ôm mà tôi cảm thấy hết sức an toàn, tin tưởng. Tôi luôn thấy may mắn và biết ơn vì những cái ôm như vậy. 

Tôi từng làm việc ở một tập thể mà nơi đó, chị em đồng nghiệp nữ chúng tôi luôn chào đón nhau bằng những cái ôm. Sáng sáng đến cơ quan, chúng tôi vui mừng gặp lại nhau và cái ôm là cách mọi người thể hiện lòng thương quý của mình với chị em đồng nghiệp. Khi cảm thấy chênh vênh, cõi lòng trĩu nặng, chúng tôi cũng không ngại tiến đến bên đồng nghiệp mà mình cảm thấy có sự kết nối và đề nghị “cho ôm cái đi”. Bất cứ ai được đề nghị đều vui vẻ đứng dậy, mở rộng vòng tay. Lắm lúc, lời đề nghị vừa thốt ra, lập tức có thêm một, hai người “cho ôm với”. Chúng tôi, những nữ đồng nghiệp, cứ thế ôm nhau trong im lặng, vỗ vào vai nhau, nhè nhẹ, nhè nhẹ… Chỉ 2-3 phút thôi, nhưng chúng tôi thấy mình được vỗ về, yêu thương, được chia sẻ rất nhiều. Vì thế, nỗi chơi vơi hay trĩu nặng cũng rơi rụng nhiều.

Những cái ôm, sự sẻ chia qua bàn tay vỗ nhẹ lên vai khiến chúng tôi yêu nơi mình làm việc, yêu đồng nghiệp và công việc mình đang làm hơn. 

Om nguoi - om minh
Ảnh minh họa

Hãy tự ôm mình

Đôi khi cõi lòng chênh vênh, tôi cần được ôm, nhưng không có ai bên cạnh, thế là tôi… tự ôm mình. Tôi ôm tôi từ trong ý nghĩ, tự vỗ về những nỗi đau, tổn thương của mình. Tôi nhận phần lỗi của mình, không phải để dằn vặt mà là để chấp nhận giới hạn của bản thân. Tôi học cách thấu hiểu, chấp nhận, bao dung hơn với chính mình. Tôi cho tôi những lời yêu thương ngọt ngào, ôm ấp nỗi niềm của mình như cách mẹ đã cho tôi thời thơ ấu. Tôi tha thứ cho tôi, và sau nữa, tha thứ cho người.

Thông thường, tôi chỉ mất dăm ba ngày để tự chữa lành cho mình. Nhưng cũng có việc, tôi phải dành hàng tháng trời thực hành đều đặn để có thể chuyển từ cảm xúc oán giận đến chỗ hiểu và thương cho người đã gây ra tổn thương trong tôi. Ngày tôi cảm thấy mình không còn oán trách đối phương, là ngày tôi được hồi sinh. Đó cũng là ngày tôi có thể nhìn đối phương với cái nhìn không thiên kiến.

Cái ôm, nụ cười… với tôi, luôn là gia vị ngọt ngào của đời sống gia đình; là phương thức trị liệu êm đềm mà hiệu quả. Tôi tin điều đó cũng đúng với mọi người. Hãy ôm thật nhiều khi còn có thể. Nhất là những người mẹ, bạn hạnh phúc bao nhiêu khi ôm con mình thì cục cưng của bạn cũng thế. Tôi chắc rằng, con bạn lớn lên sẽ là một đứa trẻ hạnh phúc mà chẳng cần tới một khóa học ôm. 

Bùi Kim Toàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI