'Nghỉ đi anh nuôi' - chuyện nhỏ

11/04/2018 - 10:31

PNO - Có thể xem đây là một cụm từ rất "soái ca" khi chàng nghe nàng than stress, chán việc... Tuy nhiên không phải anh khao khát "nuôi" là chị em sung sướng chấp nhận.

"Nghỉ đi đừng sợ" thật sự rất hấp dẫn với bất kỳ ai, nhất là khi môi trường công việc ngày càng khắc nghiệt, cạnh tranh, đòi hỏi nhiều nỗ lực. Dẫu thế, với chị em đã lập gia đình, có con cái, cụm từ này không dễ, dù mức độ stress nặng gấp đôi. Và dẫu các anh chồng có tình nguyện "Nghỉ đi anh nuôi" cũng không hề hấp dẫn. Bởi điều đó dường như đồng nghĩa với "ở nhà nội trợ".

Cụm từ đó thật sự ám ảnh với những người phụ nữ đã lập gia đình. Hàng trăm thứ việc không tên, không có thu nhập riêng, không có cơ hội "chưng diện" hay gặp gỡ mọi người như khi đi làm, những điều này khiến hầu hết chị em ngày nay thích ra ngoài kiếm tiền hơn là lo toan tất cả việc nhà.

Còn về phía các ông chồng, quan điểm của họ ra sao? Phụ Nữ Online mới đây đã có cuộc trò chuyện ngắn với 3 đại diện của phái mạnh về chủ đề này.

'Nghi di anh nuoi' - chuyen nho
Vợ chồng anh Xuân Tùng chụp ảnh trong ngày cưới cùng bạn bè (ảnh nhân vật cung cấp).

Theo anh Xuân Tùng (Hà Nội), "nghỉ đi anh nuôi" là chuyện nhỏ, vì anh có thu nhập cũng không quá tệ mà nhu cầu vật chất của bản thân và gia đình không quá cao, do đó anh không đòi hỏi vợ phải kiếm được thật nhiều tiền. Tuy nhiên theo anh, phụ nữ sau khi kết hôn nếu chỉ ở nhà sẽ bị gò bó, buồn chán. Phụ nữ đi làm tâm lý sẽ tốt hơn, có dịp gặp gỡ, chuyện trò với bạn bè, đồng nghiệp bởi thế anh ủng hộ vợ đi làm. 

"Ngoài ra, theo mình thấy việc người phụ nữ có thể đi làm hay không không chỉ phụ thuộc vào quyết định, mong muốn của mỗi người mà còn do hoàn cảnh của từng gia đình. Chẳng hạn, vợ chồng mình có ông bà nội giúp đỡ việc trông cháu nhỏ nên mới có thể đi làm cả hai người. Nhiều gia đình chỉ có hai vợ chồng, không có ai giúp đỡ thì bắt buộc ai có thu nhập kém hơn sẽ phải ở nhà trông con khi con còn nhỏ, chừng đó thì đúng là "nghỉ đi anh nuôi" rồi.

'Nghi di anh nuoi' - chuyen nho
Anh Bá Sơn có tư tưởng ủng hộ vợ đi làm để được thoải mái về tinh thần (ảnh nhân vật cung cấp).

Anh Bá Sơn (Hà Nội) cho rằng việc người phụ nữ ra ngoài làm việc sẽ giúp họ giảm bớt áp lực từ việc nhà cửa, con cái. Tuy nhiên, nếu công việc của người vợ không đem tới sự thoải mái mà lại gánh thêm stress thì anh sẽ ủng hộ quan điểm "Nghỉ đi đừng sợ", nếu cô ấy muốn thế. 

Anh cũng khẳng định, người vợ ở nhà không nhất thiết phải "cắm đầu" vào con cái nhà cửa mà có thể học thêm những thứ mình ưa thích như đàn, hát, nấu ăn... để cuộc sống không bị tẻ nhạt. Anh chứng kiến nhiều người stress ở nơi làm việc xong về nhà thấy nhà cửa bừa bộn, con cái nheo nhóc lại đâm ra căng thẳng, cáu gắt làm ảnh hưởng rất nhiều đến không khí gia đình. 

Có thể nói, mong muốn vợ "Nghỉ đi anh nuôi" là "khao khát" của anh Thanh Tùng (TP. HCM). Do đặc thù công việc của ngành xây dựng, thường xuyên phải vắng nhà và không dành được nhiều thời gian cho gia đình như các công việc hành chính, nên anh rất mong vợ chịu "hi sinh" ở nhà chăm sóc con cái, quán xuyến nhà cửa. 

'Nghi di anh nuoi' - chuyen nho
Anh Thanh Tùng cùng con trai lớn (ảnh nhân vật cung cấp).

Anh cho rằng việc thuê người giúp việc chăm con, đưa đón con cái đi học hay nấu nướng không khó, nhưng không ai có thể chăm con tốt hơn mẹ. Nếu người vợ chịu "hi sinh" ở nhà thì "anh nuôi" là chuyện nhỏ và anh sẽ yên tâm làm việc, kiếm tiền hơn.

Tuy có mong muốn như vậy, tuy có "năn nỉ" đôi lần nhưng anh vẫn rất tôn trọng ý muốn của vợ và không ngăn cản nếu vợ quyết định đi làm. Ngoài ra, anh chia sẻ mình rất hiểu áp lực của người phụ nữ khi chấp nhận ở nhà làm hậu cần. Chính vì thế, anh không bao giờ tỏ ra độc đoán, giành quyền quyết định mọi chuyện chỉ vì mình làm ra tiền, càng không có chuyện coi thường vì vợ chỉ ở nhà lo "bỉm sữa".

Thạch Thảo 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI