Mua sắm... đồng bóng

03/02/2018 - 09:00

PNO - 'Lối sống tối giản đã làm thay đổi cuộc sống của tôi'. Những câu nói như thế có lẽ chỉ xuất hiện trong các chương trình kiểu như 'chuyện lạ đó đây'.

Cứ vào dịp cuối năm là các siêu thị, trung tâm thương mại lại tung chiêu móc túi chị em bằng vô vàn chiêu thức khuyến mãi, tặng quà, giảm giá. Nơi công sở, trong xóm, trên các diễn đàn mạng, chị em í ới kéo nhau đi mua hàng hạ giá, sắm tết...

Mua sam... dong bong
 

“Lối sống tối giản đã làm thay đổi cuộc sống của tôi”. Những câu nói như thế có lẽ chỉ xuất hiện trong các chương trình kiểu như “chuyện lạ đó đây”. Cảnh những chàng thanh niên Nhật sống trong căn phòng chỉ vài mét vuông, trống trơn, có mỗi cái máy tính và vài bộ quần áo, thường sẽ nhận được những bình luận như: “điên”, “chơi nổi”, “làm màu”… Chỉ những người như thế mới chịu ở trong căn phòng bé tí, không đồ đạc.

Làm sao để học lối sống tối giản của người Nhật đây? Các tỷ phú nhiều người cũng thế - sống đơn giản, không phô trương. Họ gọi ikigai là giá trị sống. Ikigai là lý do để thức giấc mỗi ngày. Họ có bốn loại hành vi: việc gì làm mình thích, việc gì mình làm tốt, việc gì mình được trả tiền để làm và việc gì cần cho thế giới. Mà nghe nói, ikigai của người Nhật lại ít liên quan đến thu nhập. Chỉ có 31% coi công việc kiếm sống là ikigai.  

Bằng chứng sống động đây. Hãng thời trang H&M - đồ hiệu giá rẻ, thời trang nhanh - xuất hiện, lập tức các bạn nam thanh nữ tú xếp hàng thâu đêm để ráng tậu cho mình những bộ cánh mới. Mà cam đoan, các cô cậu ấy không hề thiếu quần áo. Tủ đồ của họ rất có thể đang chật cứng và trong số đó có cả những bộ “áo em chưa mặc một lần”. Các bậc cha mẹ cũng xin thôi lắc đầu ngao ngán, “nhìn cái kệ giày của chúng nó thôi là đủ… lên tăng xông”. Đặc biệt, đừng có kêu câu này: “Lãng phí quá, đồ còn tốt nguyên chúng nó cũng vứt”.

Lý lẽ đây: thời thế nó vậy. Không thấy sao, khoa học đã kết luận sau bao nhiêu nghiên cứu, đặt ra thế hệ X, thế hệ Y - thế hệ thiên niên kỷ có đặc tính là “không để dành tiền, nhảy việc, trì hoãn kết hôn”. Thời thế đã định ra họ như thế chứ đâu phải do tuổi. Những con người rất trẻ ấy vẫn đang phấn đấu để thành công trong nghề nghiệp, kiếm tiền trả nợ là ưu tiên (ở các nước thì vay tiền đi học, ra đi làm trả nợ; xứ ta thì lo tiền thuê nhà, tiền học, tiền mua các thiết bị công nghệ như điện thoại xịn, máy tính, mua xe máy). Sau đó là lo các mối quan hệ, cà phê cà pháo, du lịch, giày dép... làm gì còn tiền để dành. Từ “để dành” chỉ đến khi họ kết hôn, có con, cố gắng cho con đi học trường tốt, tiến đến mua được căn hộ nhỏ. Nhưng bây giờ họ vẫn còn trẻ. Nhiều người vẫn nhận được sự hỗ trợ của cha mẹ nữa, thế là phải tiêu tiền thôi.

Hơn nữa, thế nào là thời trang? Đâu phải kiểu ăn chắc mặc bền như các cụ xưa. Thời trang hôm nay phải theo thời. Đâu phải tự nhiên người ta sản xuất ra thứ “thời trang nhanh” theo mùa, mau thay đổi. Hết đông là đi mua đồ xuân - hè. Hết những ngày nóng lại mua đồ thu - đông. Rồi đồ mặc lễ tết, đồ đi chơi, đồ đi học… Đâu thể cứ hai bộ thay đổi, sẽ “quê” lắm. 

Ngày nay, người trẻ có thể chịu được nhiều thứ, trừ chuyện “bị quê”. Mà, thế nào là khuyến mãi? Sao thiên hạ lại phải nghĩ ra Black Friday - ngày “đen” nhưng hết sức vui vẻ, mua sắm tưng bừng. Không mua sắm, sao kinh tế phát triển được. Thế mới rắc rối.

Cứ như thế, làm sao tránh được… sai lầm. Mua đôi giày, bộ áo quần về, chưa bao lâu đã nhìn thấy không phù hợp (thậm chí chưa kịp mặc đã lỗi mốt), treo mãi trong tủ mở ra thấy ngứa mắt, phải cho đi thôi. Nhiều bộ còn mới toanh, chưa dùng đến cũng đành cho lên đường, để còn… mang bộ khác về.

Người bình thường ngày nay, ai chẳng mơ biệt thự, nhà phố, chí ít cũng là căn hộ cao cấp view sông, nội thất tiện nghi, những căn bếp đẹp đẽ, phòng tắm thênh thang… có ai muốn sống kiểu nghèo khổ.

Vậy nên, bị gọi là mua sắm “đồng bóng” cũng không oan, dù thật khó tránh chuyện đó. Chả thế mà ở Mỹ, trong một nghiên cứu, có tới 96% người trả lời trên phiếu điều tra là việc mua sắm khiến họ cảm thấy… dễ chịu. Năng lực kiểm soát bản thân bị triệt tiêu khiến họ dễ đưa ra những quyết định sai lầm. Mà kết luận thì khó quá: chìa khóa là phải biết tự kiểm soát bản thân. Đừng mua sắm đồng bóng như cách để cải thiện cơn buồn chán, bởi mua sắm cũng có thể gây nghiện. Sau cơn say mua sắm thường sẽ là cảm giác “tội lỗi” vì đã lãng phí, trong khi nỗi buồn chán vẫn còn nguyên.

Chỉ mỗi việc đi mua đồ theo ý thích thôi mà liên quan tùm lum, không chỉ đến tiền mà còn lối sống này nọ. Thật phức tạp, khó khăn ghê vậy đó! 

Quảng Yên 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI