Lấy gì để tin vào tình yêu đích thực?

18/04/2017 - 06:30

PNO - Là nữ sinh chuyên toán hiếm hoi của lớp A0 -Bộ GD&ĐT đầu những năm 1980, Đinh Hoàng Anh (tác giả cuốn Đôi cánh Chức Nữ) bảo vệ tiến sĩ toán ở Liên xô cũ, rồi về dạy ĐH Bách khoa Hà Nội.

Thế nhưng, chị lại… bỏ nghề, trở thành nhà thơ, nhà văn, viết sách, kinh doanh, rồi nổi tiếng thêm lần nữa khi đã trở thành “một Hoàng Anh khác” với một cuộc tình và đời sống gia đình đẹp như thơ. Những dời đổi của chị không phải là một hành trình nghề nghiệp, mà là con đường chuyển biến bên trong, là câu trả lời cho khát khao về một tình yêu, một cuộc sống đích thực của chị.

Lay gi de tin vao tinh yeu dich thuc?
Hoàng Anh và con trai ở “Ngôi nhà bên bờ nước” nổi tiếng của vợ chồng chị

 Phóng viên: Từ bao giờ chị tin là mỗi người đều có một tình yêu đích thực?

Nhà thơ Đinh Hoàng Anh: Niềm tin đó đã có từ khi tôi bắt đầu biết đọc sách, tức là lúc còn rất nhỏ. Trong những cuốn sách tôi được đọc từ nhỏ luôn có niềm khát khao về tình yêu. Còn ngay trước mắt thì thấy bố mẹ tôi rất yêu thương và chung thủy với nhau, đến tận giờ vẫn vậy. Tôi tin vào tình yêu như tin vào những gì rất thật mình từng chứng kiến, đã chung sống và rung động.

Nhưng, cuộc sống với bao biến thiên, dời đổi đã bao giờ khiến chị hoài nghi điều đó?

Chưa từng. Có thể có lúc tôi đã bỏ lỡ đâu đó, hoặc chưa đến lúc được gặp. Còn niềm tin thì luôn tồn tại. 

Hình như ai cũng đôi lần chọn sai mới tìm thấy cái đích thực mình mong muốn?

Cũng không hẳn.

Mà theo chị, có lựa chọn nào là sai không?

Không có lựa chọn nào là sai hay đúng. Mình đang ở thời điểm nào trên bước đường trưởng thành (của tâm hồn) thì sẽ hành động theo cách của thời điểm ấy. Với sự trưởng thành này thì cảm giác là của lúc này; mình sẽ chọn người này. Vậy nên không có đúng sai.

Vậy những lần ta đau khổ, tan vỡ là đến từ đâu, nếu không phải từ những sai lầm, dại dột của mình?

Tôi tin đó không phải là lúc ta dại dột. Mỗi lần đau khổ đến là mỗi lần cuộc sống đang đối thoại, đang cho ta một bài học để trưởng thành. Vấn đề là ta có học được hay không mà thôi. Tôi hay chia sẻ, mọi nỗi buồn đều dạy ta một điều gì đó.

Có điều, có người gặp chuyện buồn thì chỉ... buồn mà thôi, không học được gì cả. Khi ta không chịu “học”, nó sẽ lại đến. Cuộc đời cứ thể quẩn quanh những nỗi buồn mà lẽ ra ta đã có thể rời xa được nó, nếu đã học đủ ngay từ lần đầu gặp gỡ. 

Lay gi de tin vao tinh yeu dich thuc?
Nhà thơ Đinh Hoàng Anh

Những tình yêu mang lại đau khổ ấy không phải là tình yêu đích thực, như vậy ta đã chọn sai rồi còn gì, thưa chị?

Cũng phải xem ta đã đau khổ thế nào, phải đi sâu vào nỗi đau ấy để hiểu nó, chứ không phải chỉ đau đớn, vật vã rồi phủ định hết thảy. Tôi thấy, nỗi đau của tình yêu thường đến khi giấc mộng mình xây lên giữa hai người đã tan vỡ.

Và, bản ngã mình vật vã. Nhưng đó chỉ là giấc mộng của chính mình thôi. Còn nếu đã thực là yêu, thì những điều không hoàn hảo cũng chỉ có thể khiến ta đau, nhưng không khiến ta bất hạnh được.

Chị có từng trải nỗi đau của tình yêu chưa?

Rất nhiều. Nhưng từng câu chuyện cụ thể đã không còn quan trọng nữa. Cách đối diện với câu chuyện đó mới quan trọng. Khi chia tay một người, ta không thể không buồn. Nhưng trước tiên, ta phải hiểu một cách dứt khoát là cuộc chia tay đã diễn ra. Mối quan hệ đã dứt.

Vì thế, cần một “nhát chém” dứt khoát, rõ ràng, không ngoái lại. Ta cần đối diện, thậm chí đối thoại với bản thân, rằng: “Tại sao ta lại buồn đau?”. Cuộc đối thoại này là rất khó, khó ngay từ lúc bắt đầu, vì người đang đau thường không đủ động lực để tự suy ngẫm. Đã vậy, khi đi vào bên trong bản thân, ta lại bắt gặp nhiều thứ không mấy dễ chịu. Nhưng, chỉ khi làm được điều đó, ta mới tìm lại được sự bình an cho tâm trí.

Theo chị, “quên đi” có phải là một hành động, hay chỉ là một trạng thái tự nhiên của con người? 

Tôi không ngoái lại quá khứ, nhưng cũng không ngăn mình nghĩ ngợi, đắm chìm trong nó. Tôi biết quy luật của cảm xúc. Cứ đi hết cảm xúc của mình, không sợ đau đớn, khi đi hết tự nó sẽ lặng. Nỗi buồn cũng biết “mỏi”, biết “no”, nếu để nó đói nó sẽ hành mình mãi.

Cứ cho nó no nê, nó sẽ lăn ra ngủ và mình được yên. Trong lúc được yên, ta phải lấy lại năng lượng bằng các hoạt động khác. Và khi nỗi buồn lại đến, ta không nên lẩn tránh. Phải tiếp đón nó đàng hoàng và đối thoại với nó. Khi mình học hỏi xong nó sẽ tự tiêu tán. Đau buồn là người thầy vô cùng thông thái đấy, bạn ạ!

Thế còn những người một đời buồn vì tình yêu, hết lần này đến lần khác đau khổ, bị phụ tình, lừa tình… họ lấy gì để tin vào tình yêu đích thực, thưa chị?

Như vậy là họ đã chẳng học hỏi được gì cả. Học chưa xong thì còn phải “thi lại”. Những người sống nhẹ nhàng, hạnh phúc không hẳn là nhờ “trời cho”. Tôi tin mỗi người đều có thể sống nhẹ nhàng bằng chính hiểu biết và sự học hỏi của mình. Nếu thật sự muốn học thì trước tiên là không được đổ lỗi cho hoàn cảnh, không được tìm cái sai nơi người khác.

Lay gi de tin vao tinh yeu dich thuc?
Nhà thơ Đinh Hoàng Anh và ông xã

Những việc đó đều vô ích. Cái ta có thể làm chỉ là làm với chính mình mà thôi. Đó cũng là quyền của riêng ta, vì không ai có thể làm gì được với tâm hồn ta. Một người chồng say xỉn quanh năm và một người vợ cam chịu trong đau khổ vì điều đó - là do những chi phối trong chính bản thân họ.

Mỗi lần trục trặc đến, người ta phải học để hành xử khác đi. Riêng trường hợp này, ngay trong tình huống xấu nhất, người vợ vẫn có chân để chạy. Vì thế, nếu ta tổn thương là do chính ta đã cho phép điều đó.

Như thế thì mọi “cẩm nang” về cách ứng xử với chồng, với mẹ chồng, với người thứ ba, với… cả thế giới - đều vô ích, phải không chị?

Nếu đọc kỹ cuốn Đôi cánh Chức Nữ của tôi, bạn sẽ thấy tôi  không nói về xã hội bên ngoài mà chỉ nói về cách người phụ nữ đi tìm sức mạnh nội tâm và vẻ đẹp bên trong. Chính điều đó mới có thể dẫn lối cho những chân tình.

Đó là “cánh” của Chức Nữ đấy! Người phụ nữ cần được tự do trong tư tưởng, trong bầu trời tâm thức của mình, không lệ thuộc vào các thành kiến, nô lệ về tư tưởng. Họ cần hiểu họ để làm mọi thứ vì ý muốn và tình yêu chân thành của họ. Chính điều đó, chứ không phải... hút thuốc, nhậu nhẹt, cặp bồ, chưng diện... mới là tự do. (Cười)

Chị có nghĩ, khi tin và hiểu chính mình, người phụ nữ sẽ trở nên hấp dẫn, thu hút?

Tất nhiên. Tuy nhiên, nếu ta cố tình tạo ra điều đó thì cũng không có ý nghĩa gì. Hoa nở vào thời khắc của nó, không do kế hoạch của con người. 

Người ta vẫn hay diễn đạt, mỗi người phụ nữ là duy nhất, là đẹp nhất theo logic của riêng họ?

Mỗi con người là một bài ca duy nhất của tạo hóa, không có nhất nhì. Việc đánh số chỉ thể hiện sự hạn chế của con người. Chúng ta cứ thử ngắm vườn hoa mà xem, mỗi loài hoa là một thế giới khác, dù cùng loài vẫn không hoa nào giống hoa nào cả.

Trong tiểu thuyết Hoàng tử bé cũng có một chi tiết tương tự. Khi phát hiện trần thế có hàng ngàn bông hoa giống hoa hồng của mình, cậu đã buồn bã, thất vọng vì vẫn tưởng hoa hồng của mình là duy nhất. Khi đó, Cáo đã an ủi Hoàng tử bé, dù có hàng ngàn bông hoa ở đây, nhưng không có bông hoa nào là hoa hồng của cậu cả. Hàng ngàn bông hoa này không thay thế được hoa hồng của cậu, vì hoa hồng của cậu là duy nhất…

Nhưng Hoàng tử bé lại hiểu, vì sự yêu quý, chăm sóc của cậu mà đóa hoa thành duy nhất. Trong khi thật ra, tự thân mỗi đóa hoa đã là duy nhất. Chính vì ý nghĩ đó mà nhiều người cố gắng gìn giữ tình yêu chỉ vì họ đã “bỏ bao công sức” cho nó. Mình hay đùa, Hoàng tử bé chưa biết yêu.

Cậu ấy chỉ yêu ước vọng của bản thân, yêu kỷ niệm với bông hoa, yêu “vì đó là bông hoa của tôi”. Phần đông người ta đều vướng vào một “tình yêu” như thế. “Tình yêu” như cái ly đựng giấc mộng, cảm xúc, hình tượng của mình; từ đó người ta “sở hữu”, rồi bất hạnh.

Theo tôi, tình yêu trước tiên là sự hiểu biết và trân trọng sâu sắc con người - chính con người mình yêu, chứ không phải theo đuổi hình ảnh mà mình thích. Người miền Nam có chữ “thương” rất hay. “Thương” là đã có sự từ bi và sự trân trọng con người trong đó. Tình yêu là sự nở hoa bên trong, là ý nguyện trao dâng chứ không phải chiếm hữu.

Tôi yêu gia đình của tôi. Chồng tôi cũng vậy. Chúng tôi làm việc, sáng tác, rong ruổi cùng nhau và cùng con; dành hầu hết thời gian cho nhau, cho gia đình. Có điều, chúng tôi đều đã tước bỏ những rườm rà của hôn nhân. Tôi không có khái niệm “người chồng tốt”, cũng không đòi hỏi gì ở anh ấy.

Chúng tôi là tri kỷ, nhưng lúc ở với nhau cũng giống như đang ở một mình. Hôn nhân giống như một bản hòa tấu. Tôi nghĩ, người ta cần ý thức về sự chung sống như một cuộc hòa nhạc, chứ không phải vì nghĩa vụ, trách nhiệm. Dĩ nhiên, trong cuộc hòa tấu ấy người ta phải so dây đàn, phải điều chỉnh cho không lạc điệu.

Và để có một cuộc hôn nhân đích thực, mình phải có người bạn đời đích thực. Hầu hết người ta chấp nhận một cuộc hôn nhân đầy ràng buộc và mệt mỏi vì “chờ tri kỷ thì biết đến bao giờ”. Chúng ta đừng để mất niềm tin.

Tôi nghiệm ra rằng, khi ta tha thiết mong mỏi điều gì, điều đó sẽ đến. Ta chỉ cần chân thật với bản thân và luôn nhớ rằng mỗi con người là một cá thể đơn độc. “Hai người là một” là một trạng thái nhàm chán và… vô bổ nhất trên đời.

Xin cám ơn chị.

Minh Trâm
(thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI