Khi hai người phụ nữ của ba tôi gặp nhau!

09/08/2017 - 15:00

PNO - Trái với nhiều cuộc đánh ghen sục sôi đầy máu, nước mắt, sự sỉ nhục, mẹ tôi và dì ôm nhau khóc khi hiểu hoàn cảnh của nhau. Mặc dù trước đó, mẹ rất hận.

Tôi chưa từng gặp người phụ nữ ấy, mẹ tôi cũng vậy... Nhưng mỗi lần nhắc đến người thứ ba ấy, mẹ tôi không tiếc ngôn từ xấu xa như muốn ăn tươi nuốt sống “con mụ dân tộc”, “bỏ bùa mê thuốc lú bao nhiêu ông rồi không biết”, “5 đứa con rồi còn theo trai, đúng là không biết sĩ diện”, “con đĩ mồi chài đàn ông, không biết nhục”...

Bao nhiêu khổ đau, cay đắng của 18 năm nuôi con một mình, ba bỏ đi khi 5 đứa con còn nhỏ, con đầu mới 8 tuổi, con út mới sinh được ba ngày... mẹ trút lên người đàn bà ấy – người mà chúng tôi vẫn gọi là “dì ghẻ”.

Khi hai nguoi phu nu cua ba toi gap nhau!
Cuộc đời của dì và mẹ như lời ru buồn thấm đẫm nước mắt. Ảnh minh họa

Thế nhưng giờ đây, sau khi ba mất, mẹ tôi và người phụ nữ ấy đã ngồi bên nhau hàng giờ để nói về cuộc đời mình, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt hao gầy, cả hai ôm nhau khóc nức nở, bàn tay gầy gầy, xương xương, nhăn nheo, những ngón chân bành ra xiêu vẹo vì quá vất vả... 

Nhìn cảnh đó, tôi chợt thấy hận ba mình vô cùng, hận chồng trước của người phụ nữ ấy, hận những kẻ đàn ông vô trách nhiệm, ích kỉ, tệ bạc để cuộc đời của họ trở thành lời ru buồn, lời ru trong nước mắt.

Dì kể, dì vốn là giáo viên tiểu học, chồng là bộ đội về theo chế độ... Nhà vốn khá giả, nhưng ông lại dính vào đủ thứ thói hư tật xấu, rượu chè đập đánh vợ con, bài bạc, theo gái... “Cứ mỗi lần đi lãnh lương trợ cấp hàng tháng là ông biến mất tích mấy ngày, tiêu hết số tiền ấy mới về”.

Chịu không nổi cảnh đó, dì làm đơn ra tòa rồi từ Hòa Bình dì dắt díu 4 đứa con vào Tây Nguyên làm ăn, còn đứa lớn để ở nhà với ba để ba bớt cô đơn. Nhưng sau này, mỗi lần dì về thăm con thấy cha bỏ mặc con đói khát, con phải đi xin ăn khắp nơi mong lót dạ vài ba miếng sắn, miếng khoai, nên dì quyết định đưa nốt đứa lớn đi theo mình. 4 đứa nuôi được thêm một đứa cũng chẳng sao, mẹ con đi làm thuê rồi cũng qua hết. 

Khi hai nguoi phu nu cua ba toi gap nhau!
Họ đã xích lại gần nhau khi cùng nỗi đau. Ảnh minh họa

Lúc dì muốn đứa lớn đi, ông hăm dọa, ông đón đường “Trong người ông luôn luôn có cây dao găm, ông lăm le sẽ giết chết tôi nếu tôi đưa con đi, trừ khi đưa cho ông 5 triệu đổi con. Trong người không có tiền, tôi rình rập, canh chừng lúc nào ông ra khỏi nhà lén mang con lên xe vào Nam”.

Dì vào Tây Nguyên, một mình khai hoang, làm thuê nuôi con thì gặp ba tôi, ba vì làm ăn thua lỗ, rồi vay mượn tiền bài bạc, rượu chè, con lại nheo nhóc... ông trốn nợ, trốn cảnh tay bồng tay dắt thảm hại ấy. Dì gặp ba tôi trong một lần ba bị sốt rét, ba như người rừng, râu tóc mọc dài, không giấy tờ tùy thân, không nơi nương tựa. Vì vậy, đi đâu họ cũng xua đuổi vì sợ kẻ xấu, ba cứ phải lẩn tránh trong rừng. 

Dì đưa về chăm sóc, cưu mang, làm giấy bảo lãnh, khi dì hỏi về quê hương, vợ con, mắt ba đượm buồn, không nói. Cứ thế người phụ nữ vất vả với 5 đứa con như có chỗ bám víu, người đàn ông cô đơn như ấm áp trong căn nhà nhỏ ấy, hai năm sau họ đi chính thức đến với nhau và có một đứa con trai chung.

Và cuộc đời giữa dì và mẹ vẫn là hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau, nếu không có một lần ba gặp người quen và nhờ nhắn với vợ con, anh em ở quê là “tôi ở Kontum và tôi vẫn sống chứ chưa chết”. Ba tìm về quê... Dì lại gọi điện, vì giữa họ còn có một sợi giây là đứa con chung... 

Khi hai nguoi phu nu cua ba toi gap nhau!
 

Mẹ tôi lại ghen tuông và bóng gió ba tôi không được chân trong chân ngoài, nếu không cứ đi như 18 năm nay vẫn vậy. Tất nhiên mẹ và dì vẫn không đủ can đảm đối mặt, dù một lần qua điện thoại, nghegiọng mẹ là dì xin lỗi vì gọi nhầm máy, mẹ nghe chuông điện thoại lại thở ngắn, thở dài.

Lẽ ra cuộc đời mẹ và dì vẫn là hai đường thẳng song song nếu không có ngày ấy -ngày ba mất. Dì tất tả ôm con ra quê nhìn mặt ba lần cuối. Sau đám tang hôm ấy, mẹ và dì đã khóc rất nhiều. 

Dì khóc vì câu chuyện một mình mẹ chống chèo 5 đứa con như thế nào trước cái đói, ốm đau bệnh tật, ức hiếp đàn bà quá của xóm giềng, khóc vì những đứa con không cha. Mẹ khóc vì câu chuyện chạy trốn trước lưỡi dao găm từ người chồng của dì, khóc khi cuối cũng vẫn làm mẹ đơn thân.

Lỗi lầm vẫn thuộc về những người đàn ông, mẹ tôi và dì đã đi qua sóng gió, ngẫm lại cuộc đời họ, tự nhiên chợt rùng mình. Chỉ mong rằng con mình đừng bao giờ vướng vào cảnh chồng ta, chồng người như mình. Nhìn cảnh mẹ và dì, tôi cứ nghĩ mãi, nếu có kiếp sau, chắc họ sẽ không đủ can đảm lấy chồng. 

                                                                                   Thanh Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI