Gặp phải mẹ chồng 'ác khẩu', tôi may mắn được bù đắp bằng người dì hết lòng thương cháu dâu

24/12/2017 - 06:00

PNO - Ngày đầu về làm dâu, tôi được mẹ chồng gọi ra một góc nói nhỏ: 'Cố mà đẻ lấy thằng con trai nhé, chứ không có con trai là chồng con phải ra ngoài kiếm đấy'. Tôi choáng váng không nói nên lời.

Mẹ chồng tôi là chị cả, lớn hơn dì Lan bảy tuổi. Dì sống một mình ở quê vì chồng đã mất từ lâu, con gái đi lấy chồng xa. Chúng tôi sống ở thành phố trong ngôi nhà của bố mẹ chồng, nay thuộc về mẹ chồng sau khi ông bà ly hôn. Ngày đầu về làm dâu, bà gọi tôi ra một góc nói nhỏ: “Cố mà đẻ lấy thằng con trai nhé, chứ không có con trai là chồng con phải ra ngoài kiếm đấy”. Tôi choáng váng không nói nên lời. 

Sinh nhật đầu tiên của bà kể từ khi tôi về làm dâu, tôi nấu một bữa thật ngon, mua cả hoa và bánh kem, cùng món quà là một chiếc áo lụa tơ tằm cao cấp. Bà tươi cười nhận và khen đẹp, nên tôi cứ tưởng mình đã làm bà vui. Một thời gian sau, tình cờ gặp người bạn cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ dưỡng sinh của bà, nghe bác ấy hỏi “Bữa mày mua cái áo cho mẹ ở shop nào rẻ tiền hay sao mà bà ấy kêu là nhăn quá, màu sắc thì chán, chắc hàng rẻ tiền. Lần sau có tặng quà mẹ chồng phải chọn kỹ nha cháu”. Tôi nghe mà muốn ứa nước mắt. 

Cả thai kỳ đêm nào tôi cũng bị khó ngủ. Chồng thức khuya xem bóng đá dưới nhà. Có hôm tôi gần chín tháng, hơn một giờ sáng, nằm mãi mới thiu thiu được một tí, bà đẩy cửa phòng vào gọi: “Dậy nấu gì cho chồng ăn đi, thức khuya nhịn đói dễ đau bao tử. Là vợ thì biết quan tâm đến chồng chứ!”.

Mang thai bảy tháng, bụng bầu ì ạch, tôi vẫn phải khệ nệ bê chậu đồ lên tầng hai phơi phóng vì mẹ chồng bảo những việc ấy đừng có để chồng phải đụng tay vào. Bầu được năm tháng, tôi nhiễm siêu vi sốt cao gần 40 độ. Chồng tôi lo lắng đòi đưa tôi đi viện khám, bà quát lên: “Mày thích thì đưa nó đi đi!”. 

Gap phai me chong 'ac khau', toi may man duoc bu dap bang nguoi di het long thuong chau dau
Tôi nhiều lần khóc thầm vì tính ác khẩu của mẹ chồng (ảnh minh họa).

Tôi có cảm giác mẹ chồng không bao giờ vừa lòng với mình. Tôi nấu gì bà cũng chê, dù chồng tôi ăn ngon lành hết sạch cả đĩa. Tôi cố chu toàn việc nhà để bà không phải động tay, chỉ việc ngồi xem ti vi hay qua hàng xóm tán gẫu, bà vẫn nói với người quen: “Làm cái gì cũng nửa ngày mới xong, chả đâu vào đâu”. Tôi đi làm mặc váy, bà nửa đùa nửa thật hỏi: “Có ai nhìn không mà mặc đẹp quá vậy?”. Có gì ngon, bà chỉ gắp cho con trai, chưa một lần nhắc con dâu ăn bằng giọng ân cần. Tôi chưa gắp thì bà lại mát mẻ: “Có tự ăn được không hay phải đợi mời?”. 

Cứ thế, vô số chuyện nhỏ nhặt tích tụ khiến tôi ngột ngạt vô cùng, bởi lẽ tôi tự thấy mình nào phải loại vô ý, đua đòi ham chơi hay lười biếng cho cam. Thỉnh thoảng không thể chịu nổi, tôi tâm sự với chồng. Anh cười khổ, bảo anh cũng biết mẹ hơi khó tính với em, thôi em cố chịu đựng vì anh vậy, vì mẹ chỉ có mình anh nên muốn ra riêng là chuyện không thể. 

Gap phai me chong 'ac khau', toi may man duoc bu dap bang nguoi di het long thuong chau dau
Bù lại, dì Lan lại rất thương tôi, dù dì là em gái của mẹ chồng (ảnh minh họa).

Rồi tôi sinh con, mẹ chồng không cho tôi về mẹ đẻ ở cữ nhưng tuyên bố chỉ nấu cơm, việc khác tôi tự xoay sở. Chồng tôi xót vợ nên quyết định thuê người giúp việc. Bàn đi tính lại, cuối cùng anh gọi dì Lan lên phụ giúp. Ban đầu, tôi hơi e dè với dì vì dì là em ruột của mẹ chồng, nên tôi chắc mẩm thể nào dì cũng bị bà tiêm nhiễm những điều chẳng tốt lành lắm về tôi. Nhưng tôi đã nhầm.

Mẹ chồng chỉ cho tôi ăn mỗi canh rau ngót và thịt kho suốt hai tuần ròng rã, đến nỗi cứ thấy mâm cơm là tôi sợ. Thấy vậy, dì bảo để dì đi chợ nấu cơm. Rồi dì mua thịt gà ta về kho gừng, nấu canh sườn bí đỏ, kho cá sông cho tôi ăn. Mẹ chồng tôi tỏ vẻ không hài lòng sợ cháu bú sữa bị đau bụng, dì bảo “Xưa em cho con bú cũng ăn đủ thứ mà có làm sao bao giờ đâu”. 

Gap phai me chong 'ac khau', toi may man duoc bu dap bang nguoi di het long thuong chau dau
Bận bịu việc nhà nhưng dì luôn giành trông con hộ để tôi có thời gian chợp mắt (ảnh minh họa).

Ngoài tháng, con tôi bị ngạt mũi nên hễ nằm ngủ là quấy khóc đòi bế. Tôi rã rời tay chân vì phải bế con đi lại dỗ dành cả đêm. Gần sáng con tôi mới ngủ say, tôi đặt mình xuống ngủ quên đến hơn 7 giờ mới dậy. Xuống nhà, mẹ chồng thấy tôi liền nói vu vơ: “Con không biết chăm để khóc èo ẽo cả đêm, sáng còn muốn ai bưng cơm tận miệng”. Dì ở gần đó nói đỡ: “Có con mọn ai mà không vất vả, mình mất ngủ một đêm đã mệt đây nó còn phải bế con suốt đêm”.

Tối đó, tới giờ đi ngủ dì lên phòng tôi giành bế cháu, bắt tôi nằm ngủ lấy sức, chỉ khi nào con đòi bú dì mới gọi tôi dậy. Suốt một tuần con tôi ốm, dì đều lên trông con phụ tôi ban đêm như thế. Quần áo của hai mẹ con, dì cũng không cho tôi động tay vào. Dù bận đủ việc, dì vẫn ngâm và giặt giũ cẩn thận, rồi còn giúp tôi là ủi, gấp gọn.

Cuối tháng, chồng tôi gửi tiền lương cho dì. Dì gạt đi, bảo dì có lương hưu, rảnh tay thì lên phụ hai đứa, để tiền đó mua bỉm sữa cho con. Dì còn dặn riêng chồng tôi, hỏi vợ thèm ăn gì thì đi mua về cho vợ, buổi tối thỉnh thoảng bóp tay, bóp chân cho vợ đỡ mỏi. Nhiều lúc thấy tôi khóc thầm khi mẹ chồng nói lời ác ý, dì lại ghé tai động viên: “Cố lên con, vì chồng, vì con mình mà sống”. Sự ân cần mà dì dành cho tôi trong khoảng thời gian ở cữ, dù giờ con tôi đã lớn, tôi cũng chẳng bao giờ quên được. Nếu không có dì, chẳng biết những ngày tháng khó khăn, mệt mỏi ấy của tôi sẽ ra sao.

Thủy Nguyên
(Hải Phòng)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI