Số lượng trẻ mắc bệnh LÕM NGỰC gia tăng bất thường

30/07/2016 - 13:04

PNO - Trẻ bị lõm lồng ngực ảnh hưởng đến hô hấp và có thể dẫn đến các bệnh lý về tim, gây dị tật ở tim nếu không được can thiệp sớm.

Chiều 28/7, bác sĩ Đào Trung Hiếu - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - cho biết, số trường hợp trẻ bị bệnh lõm ngực nhập viện điều trị tăng bất thường.

Nếu trung bình hàng năm, tại bệnh viện ghi nhận và phẫu thuật cho khoảng 50 ca thì chỉ mới từ đầu năm đến nay, con số này đã lên đến 80 ca trẻ bị lõm ngực. Hiện bệnh viện đang theo dõi điều trị cho hai anh em ruột (anh trai 15 tuổi, em gái 9 tuổi, ngụ Bến Tre) đều bị lõm ngực và vừa được phẫu thuật thành công.

Theo bác sĩ Hiếu, mùa hè cũng là thời điểm ghi nhận nhiều trẻ bị lõm ngực nhập viện. Đây là một căn bệnh bẩm sinh, ít người biết đến. Việc nhận biết các dấu hiệu ở trẻ sơ sinh cũng rất khó. Chỉ khi trẻ lên 1 đến 2 tuổi thì hiện tượng lõm ngực mới rõ ràng.

So luong tre mac benh LOM NGUC gia tang bat thuong
Bác sỹ Bệnh viện Nhi Đồng 1 thăm khám bệnh nhi sau khi phẫu thuật. Ảnh:TTXVN

Cũng theo đó, một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy cứ khoảng 300-400 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ bị tình trạng lõm ngực. Trong đó, cứ 3 trẻ nam thì có 1 trẻ gái bị lõm ngực. Tuy nhiên, việc nhận biết các dấu hiệu ở trẻ sơ sinh là rất khó. Chỉ khi trẻ ở độ tuổi từ 1 – 2 tuổi trở lên thì hiện tượng lõm ngực mới được nhận biết rõ ràng.

Căn bệnh này phát triển theo các giai đoạn phát triển của xương. Các xương sườn phát triển một cách bất thường đã đẩy xương ức lõm ra phía sau dẫn đến tình trạng trẻ bị khó thở do phổi bị chèn ép. Những trường hợp nặng thì dẫn đến các bệnh lí về tim. Do tim phổi bị chèn ép nên trẻ hô hấp khó khăn, vận động yếu, hay khó thở. Đây chính là các dấu hiệu mà các bậc phụ huynh lên lưu ý.

Hơn nữa, lõm ngực còn gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý trẻ, trẻ có thể bị mất tự tin, không dám cởi trần, không hòa đồng trong các hoạt động thể dục thể thao…

So luong tre mac benh LOM NGUC gia tang bat thuong
Tình trạng lõm ngực cải thiện rõ rệt sau khi trẻ được mổ đặt thanh nâng. Ảnh TTXVN

Về phương pháp điều trị, bác sỹ Đào Trung Hiếu cho biết, hiện nay việc phẫu thuật là cách duy nhất để giải quyết bệnh lõm ngực. Tuy nhiên, phẫu thuật chỉ có thể được chỉ định đối với trẻ từ 7 đến 15 tuổi vì lúc này cơ thể đã tương đối phát triển, việc đưa thanh kim loại vào lồng ngực để nâng xương ức lên sẽ có hiệu quả.

Đồng thời, các bác sĩ cũng khuyến cáo, trẻ lõm ngực nên được khám chuyên khoa để xác định hướng can thiệp. Nếu không cần phải phẫu thuật gấp, bác sĩ giúp trẻ cách tập luyện, hỗ trợ tâm lý trong thời gian chờ đến tuổi mổ tốt nhất. Nên cho trẻ đi bơi để giúp giãn nỡ lồng ngực, hô hấp tốt hơn.

Minh Dương (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI