Trung Quốc giúp Campuchia xây kho dự trữ lúa: Nguy cơ hiện hữu ngay trước mắt

26/09/2016 - 11:30

PNO - ''Nó giống như một mũi tên bắn trúng hai đích, vừa nhằm mục đích khẳng định thêm mối quan hệ son sắt giữa Campuchia và Trung Quốc nhưng cũng giống một con bài nhằm gây khó khăn hơn cho thị trường lúa gạo của Việt Nam''

Ý đồ lớn

Liên quan đến việc Chính phủ Campuchia dự định sẽ vay từ phía Trung Quốc 300 triệu USD để xây dựng các kho lúa gạo và sẽ có các lò sấy lúa đi kèm, với dự kiến công suất dự trữ đạt khoảng 1,2 triệu tấn/ngày, GS.TS Bùi Chí Bửu, Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học - kỹ thuật nông nghiệp miền Nam nhận định:

Trung Quốc tham gia vào chiến lược gạo của Campuchia không phải vì tiềm năng phát triển lúa gạo nước này càng không vì mục đích xây dựng Campuchia thành thủ phủ cung cấp lúa gạo cho Trung Quốc. Nếu đi sâu tìm hiểu từng bước đi của Trung Quốc sẽ thấy rõ ý đồ ẩn sau danh nghĩa là "giúp đỡ" thực sự như thế nào.

Trung Quoc giup Campuchia xay kho du tru lua: Nguy co hien huu ngay truoc mat
Một cửa hàng bán gạo Campuchia tại Việt Nam

"Cứ nhìn từ những hoạt động giao thương  giữa Việt Nam với Trung Quốc thời gian qua sẽ hiểu, với các hợp đồng mua bán gạo lớn thì Trung Quốc liên tục thay đổi, mua giá rẻ hơn, nông dân trồng lúa thiệt hơn.

Với thị trường mua bán trong nước thì thương lái Trung Quốc không ngừng làm loạn, từ việc thu mua những sản phẩm phi thương mại như lá điều khô, đỉa, hoa thanh long... gây hoang mang, gây rối loạn các hoạt động giao thương.

Mặt khác, thương lái Trung Quốc lại tung người đến tận nơi mua hàng, trả giá ảo rồi lại đánh tháo khiến nông dân không kịp trở tay... Vì vậy, việc Trung Quốc nhúng tay vào chiến lược gạo của Campuchia không đơn giản vì lợi ích của nước này hay vì lòng tốt đơn thuần mà ở đây còn có cả ý đồ.

Nó giống như một mũi tên bắn trúng hai đích, vừa nhằm mục đích khẳng định thêm mối quan hệ son sắt giữa Campuchia và Trung Quốc nhưng cũng giống một con bài nhằm gây khó khăn hơn cho thị trường lúa gạo của Việt Nam", ông Bửu phân tích.

Trước thực trạng của thị trường lúa gạo Việt Nam hiện nay, GS. Bửu băn khoăn rằng, Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp, hiện đang đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo nhưng thị trường chính vẫn là Trung Quốc. Nếu gây khó khăn cho xuất khẩu lúa gạo cũng là gây khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam.

Theo ông, khi so sánh cả về số lượng  và chất lượng thì gạo Campuchia vẫn không thể cạnh tranh được với gạo Việt. Một năm, Campuchia xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn, thì Việt Nam đang xuất khẩu khoảng 300-400 triệu tấn/năm. Nếu gạo thơm của Campuchia đang bán với giá khoảng 700 USD/tấn, thì mỗi năm Việt Nam cũng xuất khoảng 3 - 4 triệu tấn/năm gạo thơm với mức giá không hề thua kém gạo Campuchia.

Xét trong tương lai gần Campuchia vẫn chưa phải là đối thủ của Việt Nam trong xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, về lâu dài gạo Việt chưa thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Vị chuyên gia giải thích, thị trường gạo cấp thấp Việt Nam không thể vượt qua được Ấn Độ, trong khi thị trường gạo cao cấp thì Thái Lan đang làm "bá vương", gạo của Việt Nam không có cách nào khác phải xuất vào Trung Quốc. Như vậy, nếu Trung Quốc hỗ trợ Campuchia phát triển lúa gạo, nguy cơ gạo Việt tiếp tục bị ép giá, phải bán đổ, bán tháo là có thể xảy ra.

"Gạo Việt Nam chưa bao giờ xuất sang Trung Quốc mà có lãi nhưng Việt Nam vẫn phải chấp nhận lỗ để xuất vào thị trường nước này vì những chính sách, mục tiêu không rõ ràng. Như vậy, nếu những chính sách trên không được thay đổi cùng với sự có mặt của Trung Quốc trong chiến lược phát triển gạo của Campuchia chắc chắn gạo Việt sẽ thêm nhiều khó khăn, người nông dân còn chịu khổ", GS Bùi Chí Bửu nói.

Việt Nam cần thay đổi

Ông cho rằng, mục tiêu sản xuất gạo của Việt Nam hiện không rõ ràng, đang có sự nhầm lẫn giữa mục tiêu xuất khẩu với mục tiêu an ninh lương thực. Đây là bất cập mà nhất định phải được phân tách rõ ràng để tránh thiệt thòi cho người dân.

"Nếu sản xuất lúa gạo chỉ vì mục tiêu an ninh lương thực thì rất đơn giản, Việt Nam chỉ cần tận dụng tốt tiềm năng của thị trường trong nước, đưa gạo vào các hệ thống siêu thị.

Giá gạo bán tại các siêu thị hiện đang có mức giao động từ 10.000 - 20.000 đồng/kg (tùy loại gạo), cao hơn mức giá xuất sang Trung Quốc (khoảng hơn 8.000 đồng/kg chưa bao gồm chi phí vận chuyển...). Như vậy, xuất khẩu gạo cho Trung Quốc chúng ta còn đang bị lỗ, tội gì phải xuất", Viện trưởng Viện Khoa học - kỹ thuật nông nghiệp miền Nam nhấn mạnh.

Vị chuyên gia cũng lưu ý rằng, vấn đề trên đã được ông đề cập từ năm 2007, khi Việt Nam mới tham gia vào WTO, khi đó, ông đã nói thẳng gạo Việt xuất khẩu là không có lợi. Theo ông, xuất khẩu phải như cái van có nhiệm vụ điều tiết giá gạo, giúp người dân khỏi bị thiệt nhưng việc này không làm được. 

"Tức là, khi giá gạo xuống, Chính phủ đứng ra mua lúa của nông dân tồn đọng thường xuyên, cất vào kho, đợi giá thích hợp mới bán thì sẽ không ai ép giá được. Nông dân luôn đảm bảo được lợi nhuận tối thiểu. Tuy nhiên, lâu nay, xuất khẩu gạo chủ yếu là xuất sang Trung Quốc, xuất với giá rẻ, phần thiệt thuộc về dân", ông Bửu nói.

GS Bửu phân tích, nếu xác định mục tiêu sản xuất gạo là để xuất khẩu thì cần phải đi vào hoạt động thực chất. Tức là phải xây dựng quy hoạch rõ ràng, phải có chiến lược, mục tiêu cụ thể, phải đầu tư công nghệ, khoa học kỹ thuật không thể để tình trạng xuất bừa, xuất ẩu, xuất gạo xấu.

Nói thêm về những bất cập trong ngành lúa gạo, ông Bửu cho rằng, việc trao quá nhiều quyền lực cho Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), cũng như vai trò của các Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Tổng công ty Lương thực Miền Nam trong thị trường kinh doanh lúa gạo cũng là vấn đề lớn.

"Tôi thừa nhận, khi mới ra đời VFA đã làm khá tốt trong vai trò của một tổ chức xã hội, tuy nhiên càng về sau, do được trao cho càng nhiều quyền lực thì hiệp hội này cũng bộc lộ nhiều tiêu cực.

Là một tổ chức xã hội nhưng VFA lại hoạt động như một cơ quan quản lý nhà nước. Nó giống như một cơ quan đứng ra thay mặt Bộ Công thương đưa ra những quy định, điều kiện kinh doanh và xuất khẩu gạo là hoàn toàn không đúng", GS Bửu thẳng thắn.

Tiếp đó, vị chuyên gia đề cập tới việc, những chính sách, luật lệ của Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo cũng không rõ ràng khiến cả người dân và doanh nghiệp đều gặp khó khăn.  Đó là những vấn đề theo ông Bửu cần phải được thay đổi nếu gạo Việt muốn tự cứu mình.

Nguy cơ bị ép giá

Đồng quan điểm về vấn đề, gạo Việt sẽ tiếp tục phải đối diện với những khó khăn trong tương lai, TS Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cảnh báo, nhiều khả năng gạo Việt tiếp tục bị ép giá rất thẳng tay.

"Trung Quốc không thiếu những chiêu trò gây khó dễ cho thị trường lúa gạo Việt Nam. Những chiêu trò của Trung Quốc sẽ khiến doanh nghiệp Việt dù có chạy theo cũng không trở tay kịp. Ví dụ, trước đó, Trung Quốc thường đặt hàng gạo thơm, to, hạt dài 9 ly, nhưng sau đó lại thay đổi đột ngột bằng gạo tám, hạt nhỏ, dài 2 ly.

Do thay đổi đột ngột yêu cầu nên gạo Việt dù không muốn bán cho Trung Quốc cũng không thể bán được cho ai. Ngược lại, nếu bán cho Trung Quốc thì phải chấp nhận bán tháo với giá rẻ mạt", ông Bảnh lưu ý.

Vì vậy, theo TS. Bảnh, nếu không muốn bị chèn ép, làm khó doanh nghiệp Việt chỉ còn một con đường là phải đổi mới, tự nâng cao năng lực sản xuất của mình.

"Thái Lan đang thay đổi công nghệ, đầu tư mạnh vào nông nghiệp, nếu Việt Nam không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng gạo Thái sẽ tràn vào, bao chiếm toàn bộ thị trường Việt Nam đang có. Về phía Myanma, sau khi đổi mới công nghệ, cải tạo đất đai, nước này cũng được đánh giá là đối thủ rất đáng ngại của Việt Nam", ông Bảnh cảnh báo

Nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL thẳng thắn rằng, chúng ta không sợ người ta mở quán mình sẽ không bán được hàng, vấn đề là mình phải thật tốt, phải trang bị cho mình những tư trang sẵn sàng đứng chung một võ đài. Từ mẫu mã, chất lượng, thị trường... tất cả đều phải có được cải thiện, thay đổi mới trụ được.

Dương Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI