Quốc hội không chấp nhận duyệt dự toán kiểu tiền trảm hậu tấu

28/07/2016 - 22:09

PNO - Ngày 28/7, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Cùng ngày, Quốc hội thảo luận về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2014.

● Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm vụ cá chết hàng loạt

Phải chắt chiu từng đồng thuế của dân

Không có nhiều thay đổi so với cơ cấu Chính phủ đã được Quốc hội khóa XIII phê chuẩn vào đầu tháng 4/2016, Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 gồm năm Phó thủ tướng; trong đó, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Chính phủ gồm 21 bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Thay đổi duy nhất so với lần kiện toàn đầu tháng 4/2016 là ở vị trí Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Ông Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT được phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng thay thế ông Cao Đức Phát. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục giữ vị trí hiện nay, là thành viên Chính phủ duy nhất không phải Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, cũng là nữ bộ trưởng duy nhất.

Chiều 28/7, Quốc hội đã thảo luận về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2014. Đặt vấn đề “Tại sao năm nào cũng có tình trạng vượt dự toán”, đại biểu Ngô Văn Minh nhấn mạnh, Quốc hội phải xem xét một cách nghiêm túc, không thể để kéo dài mãi việc không thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội về kiểm toán ngân sách hàng năm.

“Nợ thuế tăng trong khi chúng ta liên tục nói chống thất thu, thu đủ, thu đúng. Chi luôn không sát thực tế, dự án thường phải điều chỉnh nhiều lần. Cụ thể như dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) điều chỉnh đội vốn rất ghê, ai sẽ chịu trách nhiệm? Làm việc kiểu này là tiền trảm hậu tấu. Bội chi ngân sách khá lớn chứng tỏ việc chấp hành pháp luật không nghiêm. Phải làm rõ vấn đề này, Chính phủ cần có giải trình đầy đủ chứ không chỉ báo cáo Quốc hội cho qua, quyết toán cho xong. Chúng ta phải tiết kiệm, chắt chiu và sử dụng có hiệu quả từng đồng thuế của dân như phát biểu nhậm chức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc” - ông Ngô Văn Minh nói.

Quoc hoi khong chap nhan duyet du toan kieu tien tram hau tau
Các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các đại biểu chúc mừng các Thành viên Chính phủ ra mắt Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Vụ cá chết: Bồi thường cho dân trong tháng 8/2016

Cũng trong khuôn khổ kỳ họp Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp khắc phục sự cố môi trường khiến cá chết bất thường tại bốn tỉnh miền Trung. Chính phủ nhấn mạnh, đây là bài học để nhìn nhận, xem xét đầy đủ, toàn diện hơn về hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trong thời gian qua, nhất là với các dự án có nguồn xả thải lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây sự cố.

Chính phủ cam kết sẽ tăng cường giám sát các dự án FDI dưới góc độ bảo vệ môi trường, tránh tái diễn tình trạng thu được lợi nhuận nhưng lại tàn phá môi trường, để lại hậu quả nặng nề cho người dân như sự cố vừa qua. Chính phủ cũng đánh giá, sự cố này cho thấy có kẽ hở trong hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, môi trường; thiếu quy chuẩn cho việc triển khai các hạng mục công trình xử lý chất thải.

Về phần kiểm điểm trách nhiệm, Chính phủ cho biết, qua sự cố lần này, cần nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về những thách thức và vấn đề môi trường đặt ra trong chính sách phát triển hiện nay. Đặc biệt, Chính phủ xin nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế xã hội. Nhìn nhận sự cố trên đã gây tâm lý bức xúc, bất an trong dân, làm giảm lòng tin của người dân, đại diện Chính phủ cho biết, những thiệt hại môi trường sẽ được điều tra, đánh giá toàn diện và công bố vào đầu tháng 8/2016.

Các hoạt động bồi thường cho người dân sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Trước hết, sẽ xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân; nỗ lực để trong tháng 8/2016 việc bồi thường trực tiếp đến được với người dân.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Đảm bảo an toàn nợ công

"Được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ mới, tôi nhận thức rõ các nhiệm vụ quan trọng gắn với an ninh, an toàn tài chính quốc gia như vấn đề tái cơ cấu ngân sách Nhà nước, tái cơ cấu chính sách thu chi để đảm bảo cơ cấu chi hợp lý của dự toán ngân sách Nhà nước; nhất là phải đảm bảo an toàn nợ công. Để triển khai các nội dung này, chúng ta phải tổ chức rà soát toàn bộ chính sách thu từ trước đến nay, phải cắt giảm lộ trình thuế quan theo các hiệp định đã cam kết, điều chỉnh chính sách thu để vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Chúng ta cũng phải rà soát tổng thể các chính sách chi để tiến tới đảm bảo yêu cầu dành thích đáng nguồn lực cho chi đầu tư phát triển và tiết kiệm chi thường xuyên; đảm bảo nguồn vốn để trả nợ những khoản chúng ta đã vay. Đặc biệt, phải siết chặt đầu tư công”.

Tân Bộ trưởng Bộ NN-PTNN Nguyễn Xuân Cường: An toàn thực phẩm là mối quan tâm số một

Ngày 28/7, ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn chức danh Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Xuân Cường đã có cuộc trao đổi ngắn với báo chí, nhấn mạnh quyết tâm “phải bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP)”. Theo ông Cường, ATTP là vấn đề đầu tiên ông phải tập trung giải quyết trong nhiệm kỳ bộ trưởng của mình. Vấn đề thứ hai là việc tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng từng bước khắc phục được ba thách thức: tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; biến đổi khí hậu và câu chuyện hội nhập. Vấn đề thứ ba là tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất chuỗi bền vững hiệu quả và thứ tư là xây dựng nông thôn mới.

Phương Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI