Tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam: Chưa hình thành đã lo 'phổ cập' dễ dãi

23/08/2017 - 17:34

PNO - Nhiều doanh nghiệp lo ngại về tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam cũng như uy tín của chứng nhận mới. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đang “xài” các chứng nhận quốc tế.

Tieu chuan huu co Viet Nam: Chua hinh thanh da lo 'pho cap' de dai
 

Liệu có như  VietGAP, GlobalGAP?

Bộ NN-PTNT đang lấy ý kiến xây dựng nghị định về quản lý sản xuất nông nghiệp hữu cơ với mong muốn biến Việt Nam thành một trong những trung tâm nông nghiệp hữu cơ của khu vực. Bộ xác định, nông sản hữu cơ (NSHC) là mặt hàng mà Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận các chuỗi bán lẻ toàn cầu nhất.

Nhưng quy mô ngành này hiện vẫn nhỏ lẻ với nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn khác nhau: từ các tiêu chuẩn quốc tế đến các tiêu chuẩn tự kiểm soát, tự phong. Lãnh đạo Bộ kỳ vọng, một hành lang pháp lý sẽ hỗ trợ, thúc đẩy ngành sản xuất NSHC đi vào quy củ, tạo ra các sản phẩm hữu cơ chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Rất nhiều đơn vị đang hoạt động sản xuất sản phẩm hữu cơ chờ đợi nghị định này, kèm theo những băn khoăn.

Một doanh nghiệp liên doanh với Pháp hiện đang sở hữu 50ha trang trại hữu cơ tại Gia Lai cho biết, trang trại của công ty đã có chứng nhận hữu cơ của các tổ chức quốc tế. Trước thông tin Việt Nam sẽ có nghị định về quản lý sản xuất nông nghiệp hữu cơ, doanh nghiệp của bà băn khoăn liệu có xảy ra tình trạng “chồng lấn” tiêu chuẩn, “va chạm” chứng nhận giữa ta và quốc tế.

Đây là lo ngại chung của nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ. Một mặt, họ mong chờ có một hành lang pháp lý để ngăn chặn tình trạng lập lờ trong sản xuất, kinh doanh NSHC. Mặt khác lại lo ngại các tiêu chuẩn ấy bị mất giá trị như câu chuyện VietGAP, GlobalGAP trước đây - lấy ý kiến các doanh nghiệp, hợp tác xã…, ra nghị định với một bộ quy chuẩn.

Quy chuẩn được đưa về Sở NN-PTNT các tỉnh, rồi mỗi nơi một cách làm; giấy chứng nhận thì có thể mua bán được. Quan trọng hơn hết: hầu như chẳng có thị trường nhập khẩu nào dùng VietGAP  làm tiêu chuẩn chất lượng khi nhập hàng. Ngay cả người tiêu dùng trong nước cũng chẳng còn tin vào chứng nhận VietGAP.

Để minh họa cho độ vênh trong tiêu chuẩn nội địa và quốc tế, đại diện một đơn vị sản xuất hồ tiêu tại Bình Phước cho biết, đơn vị của ông tập hợp được hơn 600 hộ trồng hồ tiêu (sản lượng trên 1.000 tấn/năm), trồng theo tiêu chuẩn Rainforrest Alliance, vốn chỉ là một chứng nhận nông nghiệp bền vững chứ chưa đạt các tiêu chuẩn hữu cơ, nhưng  toàn bộ sản phẩm sản xuất đến đâu đều được nhập toàn bộ với mức giá cao hơn những sản phẩm hồ tiêu canh tác thông thường ít nhất là năm giá.

Tuy nhiên, khoảng 400 tấn sản phẩm mang chứng nhận VietGAP thì chào bán khắp nơi cũng rất kén người mua. Các siêu thị lớn chỉ nhận bao tiêu bốn tấn mỗi tháng. Ông kiến nghị, bộ tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam cần có sự tương đồng với các tiêu chuẩn toàn cầu; nếu không, sẽ rất khó để các thị trường nhập khẩu chấp nhận.

Nhiều doanh nghiệp, nhà nghiên cứu cũng đồng quan điểm. Ông Đặng Tấn Huynh - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận - cảnh báo nguy cơ “lạm phát” hữu cơ nếu việc tổ chức cấp chứng nhận và quản lý, giám sát các tiêu chuẩn không được thực hiện nghiêm túc.

Nên bám tiêu chuẩn quốc tế

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm hữu cơ cho biết, họ sẽ vẫn chọn một tiêu chuẩn quốc tế như USDA (Mỹ) hay châu Âu, Nhật Bản… ngay cả khi Việt Nam có tiêu chuẩn riêng; bởi các nhà nhập khẩu nước ngoài đều yêu cầu có chứng nhận quốc tế. TS. Nguyễn Công Thành, thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, người từng có nhiều năm sản xuất lúa hữu cơ tại Trà Vinh cho rằng, dựa vào tiêu chuẩn quốc tế sẽ giảm bớt được sự tranh cãi không cần thiết khi tổ chức sản xuất hay phân phối sản phẩm ra thị trường.

Ông Lê Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Organic Life - đặt vấn đề, tại sao một đơn vị như Control Union lại có thể cấp chứng nhận hữu cơ khắp thế giới. Các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm này hàng năm phải chi một khoản tiền không nhỏ để trả cho những tổ chức như Control Union. Đó là vì họ xây dựng được những bộ tiêu chuẩn mang tính toàn cầu, được nhiều quốc gia công nhận. 

Bà Phạm Phương Thảo - Giám đốc Công ty CP TM-DV Mùa - đơn vị sở hữu trang trại và chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ Organica cho biết, doanh nghiệp của bà là một trong những đơn vị hiếm hoi tại Việt Nam có hệ thống canh tác, sơ chế, vận chuyển, thương mại… khép kín từ trang trại đến tay người tiêu dùng nên bà khá kinh nghiệm về việc các tổ chức hữu cơ quốc tế giám sát các đơn vị sau khi được cấp chứng nhận.

Theo đó, các tổ chức cấp chứng nhận sẽ tái đánh giá hàng năm dựa trên báo cáo doanh số của đơn vị rồi đối chiếu với những hóa đơn, chứng từ về nguồn hạt giống… Mỗi lần tái đánh giá là một lần “hồi hộp như đi thi”. Cách giám sát này hạn chế tối đa những mập mờ, thiếu minh bạch của các đơn vị được chứng nhận.

Một mã hàng bán sai đối với một nhân viên tại cửa hàng Organica là bình thường, nhưng sẽ tiêu tốn nhiều thời gian giải trình của công ty đối với đơn vị cấp chứng nhận. “Thực phẩm hữu cơ sở dĩ được đánh giá cao vì tính minh bạch. Khi soạn thảo quy chuẩn, cần đặc biệt chú trọng yếu tố truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Đây là một trong những biện pháp tối thiểu để các đơn vị cấp chứng nhận giám sát đơn vị được cấp” - bà Thảo nói.

Ông Hoàng Bá Nghị, đến từ tổ chức chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế (NHO) như Organic, Bio… đưa ra lời khuyên: “Tiêu chuẩn hữu cơ của các quốc gia, tổ chức phi chính phủ trên thế giới giống nhau đến hơn 90%. Việt Nam nên tham khảo tiêu chuẩn của Mỹ hay EU để áp dụng”.

Trao đổi với báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT - cho biết, trước khi có dự thảo nghị định này, Bộ NN-PTNT đã có những chuyến đi tìm hiểu thực tế tại Bộ Nông nghiệp Mỹ, Pháp và những quốc gia mà có tỉ lệ nông nghiệp hữu cơ lớn trong cơ cấu nền nông nghiệp. Hiện Bộ đang nghiêng về phương án xã hội hóa - khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân… tham gia quá trình giám sát, cấp chứng nhận hữu cơ. Sau khi nghị định ban hành, phải giải quyết được những vấn đề cơ bản như: thế nào là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, ai là người chứng nhận...

“Nghị định nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam sẽ tiệm cận tiêu chuẩn hữu cơ của các tổ chức hữu cơ quốc tế mà vẫn phù hợp với điều kiện sản xuất ở Việt Nam” - ông Nam khẳng định.

Kỳ thực, chuyện xây dựng một bộ tiêu chuẩn cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam không hề khó khăn. Điều quan trọng là cách thức tổ chức và vận hành các tiêu chuẩn ấy cũng như quy chuẩn đánh giá, tái đánh giá chất lượng. Ngoài chuyện gầy dựng niềm tin nơi người tiêu dùng, từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Bộ NN-PTNT cũng cần có kể hoạch để các tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam được thế giới thừa nhận.

Nếu sản phẩm được Việt Nam chứng nhận hữu cơ mà các nhà nhập khẩu thế giới vẫn đòi giấy của các tổ chức quốc tế thì chứng nhận của chúng ta sẽ chẳng có giá trị gì - chỉ tiêu tốn tiền của doanh nghiệp, lãng phí các nguồn lực lẽ ra có thể được sử dụng tốt hơn vào nhiều việc khác. Một điều khác, cũng không kém phần quan trọng là hiện chi phí để được các tổ chức quốc tế chứng nhận sản phẩm hữu cơ khá đắt. Liệu chúng ta có thể hỗ trợ được doanh nghiệp trong việc giảm chi phí này? Cuối cùng, phương án xã hội hóa như ông Nam nói có tránh được nguy cơ “phổ cập” chứng nhận mà doanh nghiệp đang lo lắng? 

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI