Tiếng đàn ở ngã tư đau khổ

11/06/2018 - 13:40

PNO - Tiếng đàn ở cái khu “rầu quá rầu” này như một biểu tượng phù hoa bình dân lắm hỷ nộ ái ố, khi nó cứ khơi dậy cái máu văn nghệ trong những phận người lem luốc.

Ông thư thả ngồi đàn. Ki-ốt nhìn ra đường, dành chút mặt tiền cho cái bình bơm hơi kèm tấm biển bơm vá xe, còn phần bên trong dựng đầy những cây đàn organ đã qua sử dụng, đề tấm biển “Mua đàn organ Yamaha, Casio cũ”. Từ đó, giai điệu Tình xưa nghĩa cũ len khắp ngã tư Sư Vạn Hạnh - Lý Thái tổ (Q.10, TP.HCM) mắc cửi buổi tan tầm. Trên nền nhạc là hàng hàng xe cộ như đan vào nhau. Những người đàn bà mặc đồ bộ, tay xách cà mèn thậm thụt không dám bước qua đường. Chiếc xe cứu thương như đang tiến thoái lưỡng nan ở đâu gần đó, tuyệt vọng hú còi...

Tieng dan o nga tu dau kho

“Ở đây rầu quá rầu”

Cứ rời khỏi một bệnh viện nào đó ở khu tam giác Lý Thái Tổ - Sư Vạn Hạnh - Ba tháng Hai, đi sang khu ẩm thực bình dân cánh đường Bà Hạt, người ta lại nấn ná ngay góc ngã tư, ngoái nghe tiếng đàn. Người đàn ông ngoài 60 tuổi, tóc hoa râm, dáng cao ráo, rắn rỏi mới đó còn thấy bơm xe cho khách, hay phụ một người khách khác nữa vác đàn lên xe; thoắt quay sang đã thấy yên vị sau cây đàn organ màu xám, rải một giai điệu nào đó.

Tiếng đàn xuyên tháng năm, lúc vui réo rắt cả một dãy phố, khi dài dặc ảo não như những oán thán vu vơ vẫn được những kẻ lang thang hay những người nuôi bệnh gửi lại sau những chuyện trò chóng vánh ở hàng quán nào đó quanh “ngã tư đau khổ”.

Ở cái ngã tư “cửa ngõ của các bệnh viện” này, ông già nổi bật như một… “vơ-đét”. Người ta khổ đau vì bệnh tật, người ta nhàu nhĩ vì nuôi người thân nằm viện lâu ngày, người ta bàng hoàng sấp ngửa đưa người thân rời viện, hay tất tả đến sở làm sớm hôm rồi “mắc kẹt” ở cái ngã tư đông đúc này - cũng thấy ông ung dung ngồi đó, đánh đàn. 30 năm không một ngày nghỉ, ông vốn đã “oách” như một “thổ địa biết đờn ca”, lại còn nổi tiếng “chịu chơi” vì hay bất chợt bố thí cho người nghèo khổ.

Nói như cô Năm ve chai trọ ở khu Bà Hạt, nói chuyện về cái khu ngã tư gần chợ Chuồng Bò này là phải kể đến Ông Già Đờn! Ở đây cưng thấy đó, toàn bệnh viện, rầu quá rầu, mà hễ thấy ông đờn mà biết dừng lại nghe, thì cũng giải sầu nhiều lắm!

Tiếng đàn ở cái khu “rầu quá rầu” này như một biểu tượng phù hoa bình dân lắm hỷ nộ ái ố, khi nó cứ khơi dậy cái máu văn nghệ trong những phận người lem luốc. Nhiều người “coi bộ chẳng liên quan”, mà cứ thấy ông đờn, nghĩ dễ, nên một hai đòi học. Cũng có người thành nghề, nghỉ phụ hồ đi đờn đám cưới, rồi chuyển nhà đi đâu mất. Có chị kia ở Cà Mau, đưa con lên bệnh viện Nhi Đồng 1 mổ hở hàm ếch từ thiện. Mổ không mất tiền, nhưng người nhà cũng phải có chút đỉnh để chi phí, chăm nuôi.

Chị gái Cà Mau được bảo vệ bệnh viện dắt đi xin tiền dọc đường Lý Thái Tổ. Đến tiệm đàn, ông già rút túi cho 200.000 đồng. Chị gái mừng mừng tủi tủi, những bữa sau đó cứ ra nghe đàn rồi hứa “về cho thằng nhỏ học đàn”. Không biết “thằng nhỏ mổ hở hàm ếch” đã học tới đâu, chứ cũng có nhiều người chừng dăm bữa nửa tháng lại xách đàn đến… đòi bán lại cho ông vì không đủ kiên nhẫn học. “Bởi vậy, cái tiệm nhỏ xíu xiu chớ nhiều chuyện mắc cười” - chị Năm hồn nhiên đúc kết.

Có lần, thằng Tiến Tùng bán vé số bạo gan đến ngồi lại bên cửa, im nghe ông đàn. Thằng Tiến Tùng tên thật là “Tiến”, nhưng theo chị Năm ve chai, nó hay… túng tiền nên được đặt cho cái tên thiệt hay đó. Những lần trước, nó chỉ lảng vảng, rồi kiếm chuyện nấn ná nghe ông đàn xong một lượt, rồi đi. Lần này, nó “xông thẳng” đến ngồi nghe ông đàn hết một lượt rồi mạnh dạn hỏi: “Ông coi con có thể học đàn được không?”. 

Tieng dan o nga tu dau kho

Nghe Ông Già Đờn nói dễ ẹc, chỉ cần thích là sẽ học được, thằng Tiến mở cờ trong bụng, hỏi chi tiết về “điều kiện” học đàn. Ông nhiệt tình chỉ vẽ nơi dạy, học phí, rồi hứa sẽ “kiếm giúp một cây đàn rẻ” để nó luyện tập. Đứa trẻ hớn hở rời đi. Đến hôm sau, nó lại đến, xin... hỏi thiệt, lớp dạy đàn dễ xin không? Ông Già Đờn nheo mắt, gặng hỏi một hồi thì thằng nhỏ cúi đầu, nói: “Con không biết chữ, người ta có nhận con không?”. 

Ông già im re. Người đàn bà chứng kiến câu chuyện đó cũng chết lặng, chẳng biết nói gì. Sau, Ông Già Đờn dặn thằng nhỏ về học chữ, kèm câu nói chắc nịch: “Học chữ dễ ẹc! Biết chữ rồi, học đàn còn dễ hơn nữa”.

Thằng nhỏ từ dạo đó không còn đến chơi, cũng không lảng vảng để nghe ké tiếng đàn. Một thời gian dài sau đó, ông già vẫn để dành cho nó một cây organ ông thu được giá rẻ, nhưng rồi cũng đành để lại cho một vị khách khác, cũng “nghèo tả tơi”. Người nghèo may mắn đó là một cô sinh viên sau đó chừng một tháng đã tần ngần ghé tiệm, hỏi mua một bộ bàn phím cũ. Cuộc “mua phím đàn” không trót lọt, khi ông già một mực không chịu bán vì “làm sao mấy người tự thay phím đàn được?”.

Kiên quyết “chỉ mua phím đàn”, cô sinh viên lại bối rối khi ông còn kiên quyết hơn: “Về mang đàn ra đây tui thay cho, tui không lấy tiền công đâu mà sợ”. Đến lúc này, cô gái trẻ mới ngập ngừng tình thật, vì thích học đàn, lại không có tiền mua cả cây đàn nên xin mua một bộ bàn phím cũ thôi, đặng về tập gõ ngón. Lúc đó, ông mới lấy cây đàn để dành cho thằng Tiến, để lại cho cô sinh viên. 

“Ông Đờn cũng... lối lắm à”

Mà, nghe ké tiếng đàn chốc lát thì không sao, còn muốn “ngồi nghe thêm tí” cũng không dễ. Vì cái cửa tiệm nhỏ xíu, ngồi ghé chỗ nào cũng bị ông phát hiện. Người nghèo lang bạt thì ông say sưa đàn cho nghe, coi như “ngồi ghé vào nghỉ mệt”, còn “nghệ sĩ vườn nhà ưa chè chén hát hò” hay xách chai rượu ra chỗ tiệm đàn, mời “ông đàn tui hát, mình làm vài ly chơi”, ông già “không thèm tiếp”. 

Ông Hùng (61 tuổi) lớn lên trong một cô nhi viện ở Q.10. Năm ông 18 tuổi, Sài Gòn giải phóng. Ông đi thanh niên xung phong, đi kinh tế mới rồi nhảy tàu ra Khánh Hòa buôn khoai sắn, sau đó về lại Sài Gòn gánh củi ở một bến củi của Q.6. Không chịu được cảnh phải ngồi ở bến canh chừng ghe để ra gánh củi, ông quyết định sắm một cái rựa, chặt củi thuê khắp các bãi củi. Hai năm sau, ông được chủ nhiệm Hợp tác xã Q.10 tin tưởng, giao thầu một sân củi ở khu đất nay là nhà xe của Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Kinh doanh ở bãi củi thuộc hợp tác xã vài năm, ông vừa mua được nhà ở đường Sư Vạn Hạnh, cưới cô kế toán hợp tác xã làm vợ thì bệnh viện lấy lại đất, bãi củi giải thể. Mưu sinh bằng nghề sửa đàn tự học, ông cũng tự học để trở thành một tay đàn organ, nuôi hai người con trai ăn học. "Tự chủ", "làm chủ cuộc đời" là một từ khóa của người đàn ông vẫn thong dong ngồi đàn giữa thành phố này.

Chị bán nước ở phía bên kia ngã tư từng chứng kiến một “ông Tây” cứ sáng sáng lại ngồi bên quán nước, nhìn Ông Già Đờn hết bơm xe cho khách lại ngồi vô cây đàn, say sưa rải phím. Quan sát được ít hôm, ông Tây lân la lại làm quen, xin quay phim. Chị bán nước chạy theo, tưởng đâu sắp được nhìn Ông Già Đờn “lên phim của ông Tây”.

Hổng ngờ, vừa nghe mấy chữ Việt lơ lớ, Ông Già Đờn đã nói một tràng tiếng Tây, xua tay từ chối. Anh Tây kiên nhẫn cười cười, rồi ra dấu mời ông một ly cà phê. Ông già lắc đầu, cầm… bình nước lọc để sẵn bên chân lên khoe, ý nói “tui có nước rồi”.

Riết rồi, bà con lối xóm đều biết “Ông Đờn coi vậy chớ… lối lắm” (“lối” gần nghĩa với “cá tính”, “quái”). Hễ khách lạ đến xớ rớ, ông hỏi ngay: “Mấy người muốn mua đàn, bán đàn, hay sửa đàn?”. Lúc đó, những vị khách tìm đến vì điều gì… khác, sẽ tẽn tò lắc đầu, rồi cắp giỏ đi ngay.

Khách lạ ở tiệm đàn, thường chỉ có những người bán hàng rong hay những cụ bà bán vé số ghé lại nghỉ mệt. Ông sẵn sàng tìm học mấy bài xưa rích nhưng hễ ai đưa máy chụp hình, hay “rủ rê lên mạng”, là ông… đuổi thẳng. 

Tôi đến lần thứ ba, khi đã “quen đô” với câu hỏi cụt lủn: “Sao, mấy người muốn mua đàn, bán đàn, hay sửa đàn”, tôi ung dung đáp: “Dạ, con muốn hỏi chuyện về đàn”. Ông cười tơ hớ, dừng tay khỏi những phím đàn: “Hồi trẻ tui cũng như mấy người, cứ xách đồ nghề đi ba đồng bảy đỗi, không chịu ngồi một chỗ. Sau chuyển nghề sửa đàn thì không xách đi được nữa mà cứ ngồi đây ngóng sự đời". 

Cuộc trò chuyện của chúng tôi giữa chừng có thêm một vị khách. Người đàn ông đi xe cub đến lấy cây đàn gửi sửa vài hôm trước, rồi nấn ná lại đợi Ông Già Đờn dứt câu chuyện để… “yêu cầu ông đánh tui nghe một bài boléro”. Ông Già Đờn đánh bản Sầu tím thiệp hồng xong, vị khách mới cất giọng rầu rầu, nói như than: “Tui lấy đàn về đặng đánh cho đỡ buồn. Không nghĩ đời mình đến đây rồi còn buồn đến nước này.

Tiếng đàn nhiều hồi cũng khác gì tiếng khóc đâu, ha ông Hùng”. Giọng “ông Hùng” trầm trầm, mà nghe vẫn tỉnh rụi: “Ông buồn ra sao ông có nói đâu mà tui biết”. Vị khách im lặng, buồn xo. “Ông Hùng” lúc này mới đủng đỉnh bỏ cây đàn của khách vô túi da, rồi chậm rãi nói: “Thì bởi người ta nghe đàn giải sầu, nên cây đàn phải… nghe sầu suốt. Tui ngồi đây 30 năm, thiếu gì sự đời ông ơi! Hồi đầu tui bán đàn đồ chơi cho con nít thôi, đã thấy đủ cảnh rầu”.

Tieng dan o nga tu dau kho
 

Đang trưa. Con đường Lý Thái Tổ vẫn dập dìu người xe. Có mấy gánh hàng rong đi ngang, ngó vô thấy tiệm đàn có khách, cũng lẳng lặng bước đi. Vị khách cao tuổi tay đỡ cây đàn vừa được “ông Hùng” dựng vào, lặng im nghe câu chuyện của ông chủ tiệm nổi tiếng kiệm lời.

Hồi đó nhà nghèo, cái tiệm đàn bây giờ là tiệm vá xe. Biết con mê cây đàn điện tử nhỏ xíu của đứa trẻ hàng xóm mà không có tiền mua, ông lục khắp các gánh ve chai, tìm mua mấy cây đàn phế liệu, đặng… sửa cho con. Cây đàn phế liệu mua 3.000 đồng, mang về chùi rửa sáng bóng rồi bỏ công sửa sang, ông có một cây đàn như mới. Thấy con thích thú, hễ có ai bán đàn cũ, ông đều mua về sửa rồi đến khi căn nhà nghèo khó chất đầy đàn con nít, ông mới đem mớ đàn ra xếp trước quán vá xe, bày bán. 

Tiệm vá xe ngay hôm đó rộn ràng tiếng trẻ con. Mọi đứa trẻ từ bệnh viện Nhi Đồng 1 theo mẹ đi ngang ngã tư đều bị níu lại giữa hàng đàn đồ chơi. Cây đàn mới được bán với giá chừng 50.000 - 70.000 đồng, cây đàn cũ ông để giá 10.000 đồng. Phụ huynh nghèo khó cũng vui vẻ chi tiền để làm vui lòng đứa trẻ đau yếu. Rồi thì cũng ngay tại ngã tư này, ông có lần chết đứng khi thấy một vị khách quen cầm cây đàn vừa mua vài hôm trước ra, “xin bán lại”, rồi cầm số tiền bán cây đàn mà khóc òa chạy về bệnh viện.

Chuyện đã gần 30 năm, ông ngậm ngùi nhắc bằng một giọng buồn rầu hiếm thấy: “Tui đoán đứa nhỏ mất rồi, mẹ nó nghèo quá, phải bán cả cây đàn cũ đặng thêm tiền vô lo cho con. Hồi đó tui ân hận lắm, nhưng sau nghĩ lại, biết đâu cây đàn cũng làm đứa nhỏ vui được chút ít”.

Ông Hùng như sực nhớ, lấy giọng “trên cơ” quen thuộc, hỏi: “Đâu, ông kể chuyện ông tui nghe coi”. Vị khách lúc này mới rầu rầu kể chuyện buồn đời mình: “Vợ chồng tui có một đứa con gái hà. Nó cưới chồng thành phố, tui với bả dù sợ Sài Gòn đông đúc cũng bán nhà dưới quê lên đây, mua cái nhà lụp xụp đặng ở cho gần con. Giờ nó ly hôn, ôm con về với tui. Đứa nhỏ bị tự kỷ, chỉ la ré chứ không nói cười. Giờ nhà cửa lụp xụp với đứa con gái thôi chồng, đứa trẻ tự kỷ, với hai ông bà già thèm nhớ vườn tược mà mắc kẹt, túng quẫn cảnh con cháu ở Sài Gòn…”. 

Ông Hùng vẫn nói tỉnh rụi, nhưng cái giọng còn trầm buồn hơn lúc nãy: “Nói chớ, giờ con cái thành tài, vợ chồng quấn quýt vầy chớ chưa cái khổ nào tui chưa từng nếm trên đời. Mấy người giờ cực khổ mà còn được ở gần nhau, còn có quê, có vườn để mà muốn về. Mấy người có lớn lên ở cô nhi viện, có côi cút cả nửa đời người đâu. Gì rồi cũng qua ông ơi, thôi ôm cây đàn về đàn đi cho nó giải sầu chơi”.

Cuộc chuyện trò kết thúc khi một cụ bà gánh ve chai đi ngang, ông Hùng đứng lên, ngoắc tay rồi kín đáo rút ví đưa bà ít tiền. Rồi cũng cái điệu “làm thinh mà vỗ vỗ vai ra hiệu đi đi” tôi đã nghe kể nhiều lần, tôi thấy ông quay vào để bà cụ tự nhiên bước đi. Điệu đàn Tình xưa nghĩa cũ vang lên như để giải sầu cho cả cái ngã tư đã bao năm ở yên đó, nghe sầu... 

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI