Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thật lòng, tôi vẫn chưa hài lòng về kết quả điều hành

18/11/2017 - 14:06

PNO - “Chúng tôi nhận thức rằng kết quả trên mới chỉ là bước đầu. Nói về việc có hài lòng trong công tác điều hành không thì phải nói tôi chưa hài lòng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của ĐBQH.

Có tình trạng đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vất vả

Thủ tướng chia sẻ, quý I các thủ thủ tục rắc rối, người dân vẫn quan niệm đầu năm đủng đỉnh, "tháng Giêng là tháng ăn chơi" dẫn đến GDP thấp. Đến quý II, III, các cơ quan chức năng bắt đầu tăng cường kiểm tra xử lý nên GDP tăng. Chúng tôi đã có nhiều cuộc họp để xử lý thúc đẩy nên hàng năm, quý II, III, IV, kinh tế đã sôi động hẳn lên.

“Việc kinh tế quý I thấp, quý II, III, IV tăng là bình thường trong nhiều năm nhưng cũng cần phải khắc phục đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vất vả", Thủ tướng phát biểu.

Về tình trạng phân quyền, giao quyền, Thủ tướng nhận định đang có thực trạng sợ mất chức, mất quyền nên không giải quyết công việc được giao. Giải pháp chính là xử lý nghiêm các cá nhân đứng đầu trong việc giải quyết công việc và sẽ trình Quốc hội về việc phân cấp, trao quyền theo luật pháp.

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) về việc Thủ tướng có hài lòng về kết quả điều hành của Chính phủ trong kinh tế - xã hội đầu năm đến nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định đây là “câu hỏi rất hóc búa”.

Theo người đứng đầu Chính phủ, năm 2017 Việt Nam hoàn thành 13 chỉ tiêu kinh tế, quốc phòng, an ninh mà Trung ương đề ra, đó là kết quả đáng phấn khởi. Cũng trong năm, Việt Nam đối mặt thiên tai lũ lụt gây nhiều thiệt hại nên những điều đạt được là rất hoan nghênh.

“Chúng tôi nhận thức rằng kết quả trên mới chỉ là bước đầu. Nói về việc có hài lòng trong công tác điều hành không thì phải nói tôi chưa hài lòng. Nếu tất cả các đồng chí cán bộ chúng ta đồng lòng hơn nữa thì kết quả tốt hơn. Đồng chí có nói Thủ tướng lo lắng là gì? Tôi cho rằng đó chính là diễn biến hòa bình, tham nhũng, tụt hậu và tự diễn biến, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, xa dân, quan liêu…

Về tham nhũng, tôi khẳng định rằng Đảng, Nhà nước không cho phép chìm xuồng các vụ án tham nhũng. Không có vùng cấm trong việc xử lý tham nhũng, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng và sẽ công khai trước Quốc hội các kết quả xử lý”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

Trả lời về băn khoăn của ĐBQH về BOT, Thủ tướng cho biết nguồn lực xã hội hóa là nguồn lực quan trọng để phát triển hạ tầng. Chúng ta có sự phát triển hạ tầng vượt bật nhờ vào xã hội hóa với hơn 200 nghìn tỷ đồng.

Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng hiện nay triển khai BPT còn nhiều bất cập, thiếu quy hoạch hoàn chỉnh, chồng chéo. Thời gian vừa qua có nhiều tuyến đường BOT khiến dư luận bức xúc như số trạm, số km khoảng cách, giá vé. Bên cạnh đó, chúng ta thiếu kiểm tra giám sát nên có nhiều vi phạm. Hiện đang kiểm tra quyết liệt vấn đề này

Người đứng đầu Chính phủ nhận định, BOT có hai lĩnh vực quan trọng là điện và giao thông, sắp tới chúng ta tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về BOT, giám sát tốt hơn. Kiểm soát được tổng mức đầu tư, giá phí và phải đấu thầu công khai, giảm chi phí cho xã hội chứ không phải chỉ định. Hiện nay chúng ta đang triển khai một số công trình về BOT.

Về cao tốc Lạng Sơn – Bắc Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết vừa qua làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Trần Sỹ Thanh cùng Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể anh Thể, thống nhất làm trên hình thức BOT. Giao Bộ GTVT và tỉnh Lạng Sơn chọn nhà thầu và phương án thi công tốt nhất để đến 2020 có tuyến cao tốc hoàn chỉnh.

Bắt đầu phiên chất vấn, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nhận định hiện nay sự chênh lệch giàu nghèo, phân hóa xã hội đang diễn ra và đề nghị Thủ tướng nêu quan điểm và biện pháp khắc phục vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) quan tâm đến việc hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau đánh giá về các dự án BOT và đề nghị Thủ tướng cho biết đánh giá về các dự án BOT hiện nay; quan điểm của Chính phủ đối với vấn đề BOT sắp tới.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc: “Xin thủ tướng cho biết rõ quan điểm về Chính phủ kiến tạo? Chính phủ kiến tạo là tuyên ngôn về tinh thần làm việc hay mô hình của Chính phủ? Chính phủ kiến tạo khác gì với mô hình Chính phủ quản lý?”

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu tháng 10 đạt 20,29 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch 10 tháng đạt 174,5 tỷ USD, tăng 21,3%; xuất siêu 2,56 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 14,2 tỷ USD, tăng 11,8%; có trên 105 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 43,8% về vốn đăng ký và gần 23 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. Ngân hàng Thế giới vừa công bố xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Về phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu, từ đầu năm đến nay Việt Nam đã chịu ảnh hưởng 13 cơn bão, nhiều áp thấp nhiệt đới, trong đó các cơn bão số 10, 12 đổ bộ mạnh, tàn phá khắp nơi. Trong năm, thiên tai đã làm 363 người chết và mất tích; hàng trăm nghìn ngôi nhà bị sập, hư hỏng; hàng trăm nghìn hec-ta lúa, hoa màu và hàng chục nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; hàng nghìn tàu thuyền bị chìm và hư hỏng; ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.

Công tác phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu vẫn còn nhiều hạn chế. Khả năng dự báo, năng lực ứng phó chưa đáp ứng yêu cầu; việc điều hành liên hồ chứa còn bất cập.

Về đối ngoại, Thủ tướng nói Việt Nam đã đảm nhận thành công vai trò nước chủ nhà Năm APEC 2017, tổ chức chu đáo các hoạt động theo chương trình đề ra và đón nguyên thủ một số quốc gia thăm cấp Nhà nước, đạt nhiều kết quả hợp tác chiến lược quan trọng. 

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI