Tài xế Grab liên tục bị hành hung: Khi bạo lực dần trở thành… điều bình thường

31/05/2017 - 17:29

PNO - Xã hội sẽ ra sao khi những tài xế xe ôm công nghệ phải chấp nhận việc “đã làm nghề này thì phải chấp nhận việc bị đánh bất cứ lúc nào?”.

Tối 29/5/2017, hình ảnh tài xế GrabBike cúi đầu với bàn tay loang máu đỏ do bị đuổi chém khiến nhiều không khỏi đặt câu hỏi tại sao tài xế GrabBike - vốn cư xử nhã nhặn lại liên tục bị hành hung? Tại sao bạo lực diễn ra ngang nhiên và chưa có dấu hiệu dừng lại?

Cách đây 3 năm, xe ôm công nghệ GrabBike ra đời, tiếp đó là Uber. Với lợi thế giá rẻ cùng chất lượng phục vụ tốt, xe ôm công nghệ nhanh chóng kéo phần lớn lượng khách về mình. Nhiều bác tài xe ôm truyền thống hành nghề nhiều năm với lượng khách ổn định, nay hụt hẫng khi mất khách; lại phải đối diện với gánh nặng cơm áo nên tâm lý bị đè nặng, thậm chí căm giận những tài xế xe ôm “kiểu mới” đã hớt mất khách của mình.

Tai xe Grab lien tuc bi hanh hung: Khi bao luc dan tro thanh… dieu binh thuong
Tài xế GrabBike bị hành hung đến cấp cứu tối 29/5.

Dù biết, theo quy luật, cái mới tiến bộ hơn sẽ thay thế cái cũ. Nhưng không dễ để các tài xế xe ôm truyền thống chấp nhận sự thật đó. Dẫu vậy, trong quá trình đón nhận trong “đau đớn”, không thể chấp nhận việc phản ứng bằng bạo lực giữa xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ- cũng đều là xe ôm với nhau cả.

Trung tuần tháng 11/2016, cả nước thực sự rúng động khi trên mạng xuất hiện clip một tài xế xe ôm truyền thống cao to, hung hãn giữ xe một tài xế GrabBike, chửi mắng và dọa chém. Khi người này đang chạy đến cốp xe để lấy dao, tài xế GrabBike co rúm sợ hãi trong bộ dạng gầy gò của một sinh viên.  Sự việc xảy ra ở chân cầu Sài Gòn (Q.2, TP.HCM).

Cùng lúc đó, ở bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây, bến xe An Sương, hay các bến xe nhỏ khác như bến xe khách Phương Trang, Thành Bưởi đều diễn ra tình trạng xe ôm truyền thống hành hung xe ôm công nghệ.

Tại sao một tài xế xe ôm truyền thống chân chất lại có thể hành hung người khác? Tôi đã đặt câu hỏi như vậy, và quyết định sắm vai tài xế GrabBike để làm loạt bài phóng sự điều tra về sự việc này, đăng ở báo Phụ Nữ TP.HCM. Khoác đồng phục GrabBike, tôi tìm đến bến xe bus ở chân cầu Sài Gòn- nơi xảy ra vụ tài xế xe ôm truyền thống dọa chém xe ôm công nghệ.

Tai xe Grab lien tuc bi hanh hung: Khi bao luc dan tro thanh… dieu binh thuong
Tài xế GrabBike bị chém đứt tay vào tối 29/5 tại bến xe Miền Tây.

Sau ba ngày clip “nóng” đó được tung ra, cảm nhận được sức ép dư luận trên mạng, anh tài xế xe ôm truyền thống dường như biết sợ dư luận, buồn bã: “Tại nhà túng thiếu quá mà tôi không có khách, trong khi mấy người chạy GrabBike cứ đón khách ào ào qua trước mắt nên tôi không kiềm chế được”.

Nhưng ở các điểm khác, bạo lực vẫn tiếp tục xảy ra. Nhác thấy tôi trong bộ đồng phục GrabBike, một nhóm xe ôm ở bến xe Miền Tây đằng đằng sát khí lao ra xua đuổi. Một người nhảy xổ vào đẩy xe, to tiếng dọa đánh. Buổi tối, tôi tìm đến bến xe khách Phương Trang ở đường Lê Hồng Phong (Q.5), một tài xế xe ôm vốn “cát cứ” ở đó vung nón bảo hiểm lên xua đuổi. Dạt qua bến xe Thành Bưởi cách đó 200m, tôi liền bị nhóm xe ôm bước đến, một người lớn tiếng hỏi: “Mày không biết mới hôm qua có người mới bị đánh ở đây à”.

Nhưng đỉnh điểm của hung hãn nhất, phải kể đến điểm nóng bến xe An Sương. Khi tôi vừa trờ xe đến trong đồng phục GrabBike, nhóm 5 người lao ra, một người đàn ông trong đồng phục xe ôm của bến xe vung tay táng vào đầu tôi, một người khác đạp đổ xe tôi.

Tai xe Grab lien tuc bi hanh hung: Khi bao luc dan tro thanh… dieu binh thuong
Tác giả bài viết (giữa) bị xe ôm truyền thống ở bến xe An Sương mắng chửi, hành hung.

Khi bị hành hung ở bến xe An Sương, tôi đã vào trình báo với công an xã Bà Điểm. Dù trụ sở công an xã Bà Điểm chỉ cách bến xe 1 km, nhưng vị phó trưởng công an xã cho rằng, chưa hề nghe đến việc xe ôm truyền thống hành hung xe ôm công nghệ (?). Để vị công an đó được mục sở thị, tôi đã trở lại bến xe An Sương, yêu cầu vị công an theo xa xa phía sau. Vừa vào cổng bến xe, tôi liền bị nhóm xe ôm lao ra, vây quanh, giật nón bảo hiểm. Chỉ khi thấy bóng dáng công an, họ mới thôi.

Đến bây giờ, sau nửa năm, từ ngày tôi dẫn công an vào làm việc với xe ôm truyền thống, xe ôm công nghệ vẫn thường xuyên bị đánh ở “điểm nóng” này. Nhiều tài xế xe ôm công nghệ không dám trả và đón khách ở bến xe An Sương vì biết “xe ôm truyền thống ở đó không cần nói chuyện, thấy xe ôm công nghệ là đánh ngay”.

Khoảng 1 năm nay, trung bình vài tuần là có một vụ tài xế GrabBike bị đánh, thậm chí bị hành hung với mức độ thương tích gia tăng. Vụ nghiêm trọng nhất là anh Thiện (Q.Tân Bình), tài xế GrabBike bị đâm trọng thương vào lưng bằng tuốc- nơ - vít bởi một tài xế xe ôm truyền thống.

Không chỉ là xô xát, ẩu đã, bạo lực leo thang với những nguy hiểm tính bằng mạng sống nhưng phải đến gần 3 tháng sau, kể từ ngày vụ án xảy ra, nạn nhân mới chính thức được công an lấy lời khai, cho đi giám định thương tật, dù bản thân anh đã mang vết thương đến trụ sở công an Q.10 hai lần để “xin được cung cấp lời khai”. Một vụ án mang tính chất hình sự nghiêm trọng, nhưng phải mất 3 tháng  để... lấy lời khai và kẻ thủ ác vẫn tự do sau khi gây án. Và câu hỏi đặt ra là, sau gần 3 tháng bị thương tích, nạn nhân mới được chỉ định đi giám định thương tật thì kết quả liệu có còn chính xác?

Sự chuyển động chậm chạp và thiếu quyết liệt của công an đối với các vụ xe ôm truyền thống hành hung xe ôm công nghệ khiến tình trạng bạo lực này ngày càng “leo thang”. Những tài xế xe ôm công nghệ hay khách hàng của họ có quyền đòi hỏi được pháp luật bảo vệ tốt hơn; có quyền đòi hỏi những tài xế xe ôm truyền thống thủ ác cần bị trừng trị nghiêm hơn để răn đe.

Và trên hết, điều đáng quan ngại nhất đang diễn ra: càng ngày, việc tài xế xe ôm công nghệ bị hành hung- vốn là điều bất thường- đã dần trở nên bình thường bởi “mọi người đã quen với hình ảnh đó”.

Xã hội sẽ ra sao khi những tài xế xe ôm công nghệ phải chấp nhận việc “đã làm nghề này thì phải chấp nhận việc bị đánh bất cứ lúc nào?”.

Trần Triều

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI