Siết tăng chuyến bay để hành khách đi tàu hỏa: Chuyên gia bất ngờ

06/12/2016 - 15:53

PNO - Nếu chi phí giá vé, dịch vụ hàng không còn rẻ được thì nên để người dân lựa chọn ngành hàng không đi lại nhằm giảm tải cho đường sắt và đường bộ, tạo nên hiệu quả xã hội cao hơn.

Mới đây trong một cuộc họp của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, một lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, tại các sân bay ở nước ngoài, hãng hàng không muốn xin một chỗ đỗ, chuyến bay là vô cùng khó khăn. 

Trong khi ở nước ta, các hãng lại cứ đề nghị tăng chuyến và đang vét hết khách của ngành đường sắt. Bởi vậy, theo vị lãnh đạo, Cục hàng không phải siết lại tăng chuyến bay trong dịp Tết.

Ý kiến của vị lãnh đạo GTVT được đưa ra khiến PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Nguyên Chủ nhiệm khoa Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TPHCM rất bất ngờ.

PGS.TS Tống nhận định, ở Việt Nam hiện nay với những tiện lợi về giá cả vận chuyển cũng như thời gian của mình ngành đường không đang nhận được nhiều sự quan tâm của hành khách. So với chi phí đi lại bằng đường sắt thì hiện nay hàng không đang chiếm được nhiều lợi thế hơn.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia không nên nói ngành hàng không lấy hết khách của ngành đường sắt mà phải tìm hiểu xem tại sao lại xảy ra tình trạng như vậy.

"Thực tế hiện nay ngành đường sắt chi phí đắt quá. Người ta lựa chọn giữa đi đường bộ, đường không và đường sắt thì di chuyển đường sắt quá đắt.

Hơn nữa người dân hiện nay đang đi theo nhu cầu của mình. Đi đường hàng không nhanh nên người ta sẵn sàng trả chi phí cao. Mặt khác, so với các phương tiện khác thì những dịp cao điểm như lễ, tết giao thông hàng không có thuận lợi nhất vì không bị kẹt đường. Xét trên cả nước, chúng ta chỉ có sân bay Tân Sân Nhất hơi quá tải một chút, nhưng vẫn giải quyết được”, PGS.TS Tống đánh giá.

Siet tang chuyen bay de hanh khach di tau hoa: Chuyen gia bat ngo
Vị chuyên gia cho rằng đi đường hàng không nhanh nên hành khách sẵn sàng trả chi phí cao.

Với sự tìm hiểu, sinh sống, làm việc tại Mỹ và Úc, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhận thấy, các nước châu Âu luôn đặt ra vấn đề phát triển đồng bộ hệ thống giao thông từ xe buýt, xe lửa, hàng không hay tàu điện ngầm.

Họ không ưu tiên phương tiện nào hay cũng không tìm cách hạn chế người dân đi lại bằng những chính sách, chủ trương.

Theo vị chuyên gia, lãnh đạo Bộ GTVT cần phải khuyến khích và thúc đẩy ngành hàng không phát triển hơn nữa. Nếu chi phí giá vé, dịch vụ còn rẻ được thì nên để người dân lựa chọn ngành hàng không đi lại nhằm giảm tải cho đường sắt và đường bộ, tạo nên hiệu quả xã hội cao hơn.

PGS.TS Tống đi sâu vào phân tích: “Giao thông ở các nước trên phát triển đồng đều, theo nhu cầu của hành khách. Khi phát triển một sân bay họ phải cân nhắc sự cạnh tranh đối với những đường bộ và đường sắt. Nghĩa là họ đặt ra giả thiết nếu mở sân bay vậy thì có khách không? Nếu phát triển đường bộ, đường sắt thu hút việc đi lại nhiều rồi thì họ sẽ hạn chế việc mở rộng. Họ tính theo nhu cầu của dân chúng và phân loại ra. Họ có sự cạnh tranh với nhau.

Các phương tiện công cộng như xe lửa, xe buýt cũng được tổ chức rất tốt. Mỗi nơi có một trạm ngừng và rất tiện nghi để người dân lựa chọn. Người dân tùy vào thời gian và nhu cầu sử dụng dịch vụ để lựa chọn”.

Ông Tống nhận mạnh quan điểm của mình trước thực tế hiện nay: “Đường sắt hiện nay đi lại vẫn chậm, chưa có sự đầu tư đúng mức. Đường bộ hệ thống giao thông cũng chưa thuận lợi. Vì vậy yêu cầu hạn chế, siết chặt việc tăng chuyến của ngành hàng không là chưa thật sự phù hợp.

Chúng ta nên để giao thông phát triển theo quy luật của thị trường và nhà nước nắm vai trò điều tiết. Hơn nữa việc để người dân chủ động lựa chọn phương tiện đi lại cũng là cách để đường sắt tự cải tiến, cải thiện hơn nữa chất lượng dịch vụ và vận chuyển để cạnh tranh với các phương tiện khác”.

Đánh giá thực tế tại Việt Nam, vị chuyên gia cho rằng, thời gian qua chúng ta phát triển giao thông chưa thật sự khoa học, việc sắp xếp, tổ chức còn bộc lộ nhiều hạn chế.

"Thời gian vừa qua, chúng ta có nhiều dự án đầu tư cho sân bay nhưng không hiệu quả về kinh tế bởi nhu cầu đi lại của hành khách không cao. Vì vậy thay vì ồ ạt phát triển các dự án sân bay mới, nhà nước nên siết chặt việc này và tập trung nguồn vốn phát triển giao thông đường sắt nhằm nâng cao khả năng phục vụ người dân.

Chúng ta phải ưu tiên đầu tư cho đường sắt để nhiều chuyến hơn, thuận lợi hơn và giá rẻ hơn”, PGS.TS Tống nhấn mạnh.

Đông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI