Sáp nhập huyện, xã: công chức lo mất việc, xuất hiện tình trạng 'chạy'

10/08/2018 - 06:27

PNO - Từ nay đến năm 2021, sẽ sắp xếp những huyện, xã chưa đạt 50% về diện tích tự nhiên và dân số (16 huyện, 637 xã).

Sáng 9/8, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã đến năm 2021. Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình lưu ý, khi sáp nhập huyện, xã, phải trân trọng những đóng góp trước đó và có chế độ, chính sách rõ ràng, không phải kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”, hoặc trả trọn gói rồi coi như xong.

Sap nhap huyen, xa: cong chuc lo mat viec, xuat hien tinh trang 'chay'
 

Đánh giá về thực trạng tổ chức đơn vị hành chính các cấp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, quá trình sáp nhập, chia, tách đơn vị hành chính trong từng giai đoạn của đất nước ở một mức độ nhất định đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng cũng dẫn đến một số bất cập và hạn chế. Việc tăng số lượng đơn vị hành chính các cấp khiến bộ máy các cơ quan nhà nước ngày càng cồng kềnh, tăng biên chế, tăng chi ngân sách, gây ra nhiều khó khăn trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, làm cho không gian phát triển bị chia cắt… Nhưng ông đề nghị, việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải bảo đảm công khai, dân chủ, lấy ý kiến cử tri của địa phương, thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định.

Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Trương Văn Lắm cho biết, đối chiếu tiêu chí đặt ra, TP.HCM có 11/24 quận, huyện và 225 xã, tức khoảng 50% cấp huyện và 70% cấp xã phải sắp xếp lại theo đề án. Theo ông Lắm, không phải càng gọn, càng giảm thì càng tốt, mà phải phù hợp điều kiện địa lý, kinh tế để phát triển. Do vậy, việc sắp xếp nên giao địa phương xem xét, có cả kiến nghị nhập và kiến nghị tách cho phù hợp.

Ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh - cho rằng, sắp xếp cán bộ là vấn đề nan giải trong quá trình sáp nhập. Tại Hà Tĩnh, có trường hợp 3 xã nhập làm 1, tức là 3 bí thư sẽ còn lại 1 bí thư, 3 chủ tịch còn 1 chủ tịch thì rất khó giải quyết. Hiện rất nhiều cán bộ, công chức băn khoăn, khi sáp nhập huyện, xã, họ còn được làm việc hay không.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh thông tin: “Bây giờ, mới đang làm đề án thôi mà ở dưới đã có hiện tượng chạy rồi, người ta cũng trao đổi, làm hết chuyện nọ chuyện kia, rồi người này người kia điện thoại, đủ hết cả”. Ông đề nghị, cần tính toán thời gian để giải quyết thấu đáo.

Ủng hộ việc sáp nhập, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai Trần Văn Tư cho rằng, việc chia tách không phù hợp thời gian qua làm cho không gian phát triển bị chậm. Tuy nhiên, khi sáp nhập, sẽ có tác động đến người dân và doanh nghiệp, do đó cần tính toán để bớt phiền hà cho dân và doanh nghiệp, đồng thời nên ban hành quy định chung về chế độ cho cán bộ dôi dư, đừng để mỗi nơi làm một kiểu. 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho rằng, cần có nghị định riêng của Chính phủ về chế độ chính sách đối với cán bộ dôi dư khi sáp nhập đơn vị hành chính.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng tình với việc phải lấy ý kiến nhân dân về việc sáp nhập này. Nhân dân đồng thuận mới làm, còn không đồng thuận thì không nên. Về chính sách giải quyết cán bộ dôi dư khi sắp xếp, ông Lưu nhấn mạnh, phải có quy định chế độ lương bổng phù hợp để cán bộ yên tâm.

Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chốt lại, từ nay đến năm 2021, sẽ sắp xếp những huyện, xã chưa đạt 50% về diện tích tự nhiên và dân số (16 huyện, 637 xã). Ông lưu ý, khi sắp xếp, cần xem xét các yếu tố đặc thù để tránh ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, trật tự an ninh và đại đoàn kết. Ông nhất trí đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Khi sắp xếp, phải trân trọng những cán bộ, công chức, viên chức, người tham gia không chuyên trách trong thời gian qua vì họ đã đóng góp rất lớn cho việc củng cố hệ thống chính quyền cơ sở, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.

Đan Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI