Nhà trường không nên im lặng, bao che thầy giáo nghi xâm hại nữ sinh

20/06/2018 - 09:00

PNO - Vụ việc thầy giáo nghi xâm hại hàng loạt nữ sinh tiểu học được tố giác vào ngày 18/4, ngay cái ngày người dân cả nước đang cực kỳ phẫn nộ trước một vụ việc tương tự xảy ra ở H.Hoài Đức, TP.Hà Nội.

Hai vụ việc được các cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc khá nhanh chóng, những kẻ bệnh hoạn đội lốt người thầy đều bị tạm giam để điều tra. Không chỉ một hay hai cháu bé bị xâm hại, trong vụ việc ở TP.Hà Nội, có 9 nạn nhân, còn vụ việc tại TP.HCM có 12 nạn nhân và có khả năng một số đứa trẻ khác cũng là nạn nhân nhưng chưa phát hiện.

Nha truong khong nen im lang, bao che thay giao nghi xam hai nu sinh

Vì đâu lại có hiện tượng “thầy không ra thầy” càng nhiều trong môi trường giáo dục/ngành giáo dục? Theo tôi, đó là do chuẩn đầu vào của việc tuyển chọn người thầy hãy còn quá chung chung, qua việc thi tuyển các môn khoa học như chuẩn đầu vào những ngành nghề khác.

Ở đây, tôi không bàn về điểm số tuyển sinh. Điều tôi băn khoăn nhất là khâu sàng lọc, chọn người thích hợp với nghề sư phạm. Đó không phải là người chỉ biết làm toán  hay, viết văn giỏi, có khả năng truyền đạt tốt, ngoại hình dễ nhìn mà cái cần là phải biết giao tiếp, độ lượng khi làm việc với trẻ, không có một tì vết nào về đạo đức để có thể đảm đương nghề nghiệp cao quý này. 

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, một người sẽ bị từ chối làm các công việc có liên quan đến trẻ em (chứ đừng nói làm thầy cô giáo) khi lý lịch bị ghi chú “từng đánh đập, xâm hại, ngược đãi trẻ em”.

Khi có “phốt” này, những người này không được phép tham gia các hoạt động liên quan đến trẻ em như: tham gia các buổi cắm trại qua đêm của trẻ em, cung cấp các dịch vụ chăm sóc trẻ tại gia đình, giám hộ trẻ em dưới 15 tuổi, làm huấn luyện viên, giám hộ các câu lạc bộ bơi lội, võ thuật cho trẻ em. Ở Việt Nam, vẫn còn quan điểm coi những vụ việc có hại cho trẻ em là “chuyện nhỏ” hoặc còn nể nang với đối tượng gây hại cho trẻ. 

Với sự quản lý kiểu này, chúng ta đã không tạo được sự an toàn cho trẻ trong môi trường học đường. Bộ lọc nhân sự cho môi trường học đường còn quá kém. Theo tôi, với vụ việc xảy ra ở H.Hóc Môn, lẽ ra ngay từ hai năm trước (xem bài H.Hóc Môn, TP.HCM: Nghi án thầy giáo dâm ô hàng loạt nữ sinh tiểu học), khi có thông tin tố cáo thầy D. có hành vi xâm hại học sinh, dù chưa có chứng cứ cụ thể, ban giám hiệu nhà trường đã phải lập “vòng rào bảo vệ trẻ”, chẳng hạn như khéo léo thông tin đến phụ huynh về việc dạy trẻ tự bảo vệ, biết kêu cứu khi cần thiết chứ không nên để sự việc trôi qua một cách im lặng như thế. 

Tôi biết, các thầy cô làm công tác quản lý nhà trường thường chịu áp lực từ nhiều phía, từ chỉ tiêu, điểm số, thành tích cho tới uy tín, danh tiếng của nhà trường. Việc xảy ra một vụ xâm hại, bạo hành trẻ trong trường học sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến danh tiếng của nhà trường, nhưng nếu chỉ vì những thành tích, danh tiếng mà không kiên quyết loại trừ cái xấu, cái ác thì đến bao giờ mới xây dựng được môi trường học đường thật sự thân thiện, an toàn cho trẻ?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Danh
Trưởng khoa Khoa học giáo dục, Trường đại học Sư phạm TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI