Ngày Thầy thuốc Việt Nam: Con người, chứ không phải đầu tư máy móc và cơ sở vật chất

26/02/2018 - 10:06

PNO - Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, thật sai lầm khi cứ nghĩ phải có tiền mua máy, phải có tài liệu để học, có điều kiện để nâng cao tay nghề mà thiếu quan tâm xây dựng con người ngay từ những ngày còn “nhỏ” trong nghề.

Kỷ niệm ngày Thầy Thuốc Việt Nam luôn là dịp để cả xã hội chúng ta trước tiên nhớ đến với tấm lòng tri ân, sau là sự kính trọng những người hành nghề y dược trên một đất nước còn nhiều khó khăn. Đó cũng thường là dịp để những ưu tư, trăn trở bật ra từ phía người làm công tác y tế. 

Các tồn tại chưa thể giải quyết một sớm một chiều như quá tải bệnh viện, thái độ ứng xử… ảnh hưởng chất lượng điều trị đã được những người “trong cuộc” có trách nhiệm nhìn nhận không ít ở đâu đó trên các phương tiện truyền thông với tất cả nỗ lực và cầu thị của nghề nghiệp: bác sĩ giỏi có thể điều trị bệnh nhưng chỉ bác sĩ thực thụ có tấm lòng mới có thể điều trị được người mắc bệnh.

Bác sĩ Võ Văn Tiến - Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi (Q.5, TP.HCM)

Tự chủ còn vướng nhiều “thách thức” từ quy định

Trong công tác quản lý bệnh viện hiện nay, vấn đề tự chủ về kinh phí để đáp ứng nhu cầu hoạt động KCB trong bước đầu thực hiện có những vấn đề tương đối khó khăn do còn vướng cơ chế, chính sách.

Ngay Thay thuoc Viet Nam: Con nguoi, chu khong phai dau tu may moc va co so vat chat
 

Thực ra, nói đến vấn đề tự chủ, thì BV có thể đầu tư bằng nhiều hình thức như liên doanh, liên kết, xã hội hóa… nhưng tất cả mọi cái đều phải thực hiện đúng theo quy định về giá thu. Thu thêm quá nhiều chắc chắn không được, và nếu ngược lại thì lại không bảo đảm được nguồn kinh phí để tái đầu tư, phát triển. Đây là bài toán rất khó đối với các giám đốc BV.

Chúng tôi cũng mong muốn làm sao có thời gian để tập trung đầu tư phát triển về chuyên môn, nhưng hiện nay gần như còn phải tính toán về kinh tế nữa để bảo đảm nguồn thu nguồn chi, bảo đảm nguồn kinh phí duy trì các hoạt động.

Bên cạnh đó, còn một số tồn tại về chế độ chưa phù hợp cho nhân viên y tế. Có những cái do giá thu chưa phù hợp với mức chi để có thể hỗ trợ cho bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên. Tôi lấy ví dụ chi phí phụ cấp cho các thủ thuật phẫu thuật. Theo quy định, có một số thủ thuật có mức thu thấp, nhưng tiền phụ cấp phải chi cho người làm thủ thuật lại cao hơn.

Các vấn đề trên đã được một số BV nêu ra trong các cuộc họp nhưng hiện nay vẫn còn khó khăn.

Nhưng có thể thấy, hiện tất cả BV đều cơ bản rút ngắn được thời gian KCB, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị. Sở Y tế TP.HCM cũng có những công cụ điện tử để người dân phản ánh về chất lượng, thái độ điều trị hoặc làm khảo sát chất lượng để các BV sửa chữa, khắc phục. Tuy nhiên, có những cái có thể giải quyết ngay, nhưng cũng có những cái không thể đáp ứng tức thời được mà cần thời gian và cả kinh phí.

Ngay Thay thuoc Viet Nam: Con nguoi, chu khong phai dau tu may moc va co so vat chat
 

Thực tế, khi cơ sở KCB làm tốt, hẳn nhiên thu hút được nhiều người bệnh. Như thế lại dẫn đến quá tải. Từ đó, lại đòi hỏi phải tiếp tục phát triển. Nhưng khâu này thì không thể nhanh được. Còn nếu không nâng chất lượng, không nâng tinh thần thái độ phục vụ thì không có nguồn thu, không có kinh phí hoạt động.

Cho nên, mong sao đối với các BV, bao giờ cũng phải được tạo điều kiện để liên tục phát triển, như thế mới đáp ứng được nhu cầu của người bệnh. 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM:

Con người, chứ không phải đầu tư máy móc và cơ sở vật chất

Với tôi, vấn đề quan trọng nhất của ngành y hiện nay chính là con người chứ không phải là cái gì khác. Bởi dù sao việc đầu tư máy móc, xây dựng cơ sở để phục vụ bệnh nhân không còn thiếu như trước đây nữa. Bây giờ, cái chính là phải đào tạo cho được đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn, y đức, có tính cống hiến, có trách nhiệm.

Ngay Thay thuoc Viet Nam: Con nguoi, chu khong phai dau tu may moc va co so vat chat
 

Thật sai lầm khi cứ nghĩ phải có tiền mua máy, phải có tài liệu để học, có điều kiện để nâng cao tay nghề mà thiếu quan tâm xây dựng con người ngay từ những ngày còn “nhỏ” trong nghề.

Rồi chưa kể, người “lớn” trong ngành cũng phải tốt để làm gương cho đàn em về y đức và thái độ học hành.

Chúng ta biết, không phải ngày một ngày hai mà có thể cho ra được người giỏi, người tốt trong ngành y. Cái học của nghề này phải được duy trì đều đặn và thường xuyên. Trong trường các em học cái gì, thực hành làm sao, ra trường học cái gì nữa, học lại như thế nào. Thực tế đã cho thấy, văn bằng phải có tính thực tiễn cao, có văn bằng mà không làm được thì làm hỏng con người vì không “lớn kịp”.

Vấn đề thứ hai, bây giờ đào tạo ra số lượng rất nhiều nên công tác “đào tạo lại” cũng khó khăn. Chuyện làm sao cắt ra được những tinh túy từ số đông đó để có thể tiếp nối truyền thống về y đức và chuyên môn là điều cần phải được chú trọng hơn.

Có thể liên hệ vấn đề đào tạo con người trong ngành y với nạn hành hung nhân viên y tế hiện nay. Người học y phải được đào tạo cả về tâm lý tiếp xúc, phản ứng. Trong trường không đào tạo ứng xử này mà phải tái đào tạo liên tục trong suốt quá trình công tác qua kinh nghiệm của người đi trước chỉ cho người đi sau.

Liên quan đến vấn nạn này, tôi cho rằng những cơ sở y tế đã để xảy ra bạo lực cũng cần xem lại. Bởi trước khi có bạo lực phải có hiện tượng rồi. Đáng lẽ, các cơ sở phải có nguyên quy trình xử lý, khi ở mức độ nào thì mời lãnh đạo, tới mức độ nào thì mời bảo vệ, tới mức độ nào thì mời công an… Và nhân viên phải được biết quy trình đó để an tâm làm việc. 

Bác sĩ Phạm Xuân Dũng - Giám đốc Bệnh viên Ung Bướu TP.HCM:

Nên mở ra các gói bảo hiểm riêng cho ung thư

Trong những ngày đầu năm và dịp mừng ngày Thầy Thuốc Việt Nam, tôi lại ưu tư khá nhiều về vấn đề bảo hiểm y tế (BHYT) cho bệnh nhân ung thư.

Ngay Thay thuoc Viet Nam: Con nguoi, chu khong phai dau tu may moc va co so vat chat
 

Chúng ta biết, điều trị ung thư luôn đòi hỏi thời gian lâu dài, các phương án điều trị đều ngốn chi phí cao, giá thành điều trị cao, các phương án kỹ thuật mới, thuốc mới cần thiết đều rất đắt tiền. Hiện nay, gần như tất cả các trường hợp mắc ung thư đều cần phải có sự chi trả của BHYT mới có thể tiếp cận và theo đuổi được các phương án điều trị.

Không thể phủ nhận, trong thời gian qua, nhờ có BHYT mà bệnh nhân ung thư đã được hưởng rất nhiều quyền lợi. Tuy nhiên, y học phát triển không ngừng nên sẽ luôn có những thuốc mới, kỹ thuật mới được đưa vào các phác đồ điều trị. Do đó, theo tôi, trong thời gian sắp tới cần phải có những cải thiện nhiều hơn trong chính sách chi trả BHYT để bảo đảm cho bệnh nhân ung thư có thể tiếp cận được với các phương án điều trị mới.

Ví dụ, tôi thấy hiện mới chỉ có một gói BHYT chung cho tất cả mọi người. Tại sao chúng ta nên mở ra thêm những gói BHYT mới dành riêng cho bệnh ung thư? Cho phép bệnh nhân hoặc cả những người muốn phòng ngừa cho mình có thể mua để nhỡ không may mắc bệnh thì vẫn có thể tiếp cận được với những phương án điều trị tiến bộ, tiên tiến của thế giới ngay tại Việt Nam mà không phải ra nước ngoài chữa trị. 

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI