Nam sinh không tay chinh phục giấc mơ kỹ sư công nghệ

14/05/2017 - 10:28

PNO - Không may mắn như bao bạn bè cùng trang lứa, Nhẫn mất đôi tay từ lúc mới lọt lòng mẹ. Thế nhưng cậu học trò nghèo không chịu đầu hàng số phận, ngày ngày viết tiếp giấc mơ còn dang dở bằng đôi chân của mình.

Số phận bất hạnh

Thấy mẹ đang loay hoay chuẩn bị bữa cơm trưa cho 2 anh em, Nguyễn Đình Nhẫn (19 tuổi, trú xóm 10, xã Nghi Kim, TP.Vinh, Nghệ An) nhanh nhẹn lấy chổi hì hục quét nhà giúp mẹ rồi đưa chân kẹp chiếc chiếu đã cũ kỹ kéo ra giữa gian nhà để chuẩn bị cho bữa cơm trưa.

Những công việc nhà tưởng chừng quá đơn giản, ấy vậy mà Nhẫn đã phải kiên trì khổ luyện nhiều năm qua. Đối với cậu học trò này, mỗi lúc có thể tự mình làm thêm được một việc gì cũng là đồng nghĩa thêm một niềm hy vọng mới, đúng như cái tên Nhẫn của cậu vậy.

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mọi thứ trở nên bi đát hơn với gia đình cậu học trò “chim cánh cụt” này khi người đàn ông trụ cột trong gia đình qua đời vì bệnh tật. Để có tiền nuôi 6 con ăn học, bà Nguyễn Thị Vinh (mẹ Nhẫn) phải vật lộn để kiếm tiền mỗi ngày.

Nam sinh khong tay chinh phuc giac mo ky su cong nghe
Không có tay, ngày ngày Nhẫn vẫn kiên trì học tập và làm mọi việc bằng đôi chân của mình.

Nhìn đứa con trai gầy guộc, đang phải gòm lưng xuống tận đầu gối, cố gắng dùng đầu kẹp lấy chiếc chổi quét nhà mà lòng chị Nguyễn Thị Vinh (mẹ của Nhẫn) như thắt lại. Chị Vinh cho biết, để làm được việc gì Nhẫn cũng phải cúi xuống lại sử dụng toàn bộ sức lực để điều khiển đôi chân nên lưng của cậu dần bị cong vẹo, đôi vai nhô ra, bật hết xương lên trên.

Ngày sinh Nhẫn, chị Vinh vui mừng đến chừng nào thì lại càng thắt lòng đến nhường ấy khi bế đứa bé lên mà không thấy tay đâu. Suốt những ngày sau đó, chị Vinh nằm im lìm, lặng lẽ cùng những dòng nước mắt không ngớt tuôn chảy. Chị khóc cho bản thân mình, khóc cho đứa con tội nghiệp, chị đặt ngay tên con là Nhẫn với lời cầu nguyện cậu có thể kiên trì vượt qua những ngày tháng đầy gian nan đang đợi cậu phía trước.

Giấc mơ trở của “chim cánh cụt”

Tật nguyền nhưng Nhẫn rất ham học, lên 5 tuổi, thấy bạn bè đến lớp học nên cậu cũng lén bố mẹ tới đứng học lỏm ngoài cửa lớp mẫu giáo rồi về nhà bảo mẹ chở tới trường học cho bằng được. Thấy cậu nằng nặc đòi đi học như vậy, chị Vinh vừa mừng vừa lo nhưng rồi cũng đều đặn chở cậu tới trường học mỗi ngày với mong muốn Nhẫn có được niềm vui, biết thêm con chữ để thêm động lực sống cho cậu chứ không dám hy vọng gì nhiều.

Nam sinh khong tay chinh phuc giac mo ky su cong nghe
Nhẫn quyết tâm làm mọi việc để không trở thành gánh nặng cho mẹ và gia đình.

Rồi cứ thế, một buổi Nhẫn tới trường, buổi còn lại ở nhà hì hục tập viết bằng chân. Do cúi nhiều, sử dụng toàn bộ sức lực để điều khiển đôi chân nên lưng của Nhẫn dần bị cong vẹo, vai nhô ra. Những lúc quá mệt mỏi, khắp người tê cứng cậu lại nằm ngửa ra nhà, chân vẫn còn kẹp chiếc bút. Nhẫn không dám ngơi nghỉ vì chữ viết của mình vẫn chưa ai đọc được.

“Quả là không hề dễ để điều khiển được đôi chân của mình, tập mãi vẫn không tiến bộ em đành phải lấy phấn ra tập viết ngoài sân cho đỡ tốn giấy. Nhiều lúc quá mệt em đã định vứt phấn, nhưng nghĩ tới mẹ đã cực khổ động viên như thế nên em lại cố gắng hơn”, Nhẫn nhớ lại.

Thương người mẹ một mình tần tảo chạy khắp nơi lo miếng cơm cho 6 anh em, Nhẫn bắt đầu tập tự mình mặc quần áo, đánh răng, rửa mặt… để tự mình lo cho bản thân. Rồi cậu lại tập làm những việc vặt trong nhà giúp mẹ có thời gian nghỉ ngơi sau những buổi chợ.

Tương lai như mở ra một trang mới khi Nhẫn tình cờ gặp và nói chuyện với Hiệp sỹ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng. Nhẫn cho biết, một người chỉ còn cử động được một ngón tay như anh Hùng mà vẫn làm được nhiều chuyện lớn như vậy thì bản thân cũng không được phép bỏ cuộc.

Lần gặp gỡ và nói chuyện định mệnh đó đã thôi thúc Nhẫn thêm chăm chỉ học tập với giấc mơ trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin. Suốt 12 năm THPT, Nhẫn luôn đạt học sinh tiên tiến, được thầy cô bạn bè thán phục.

Sự cần mẫn và kiên kỳ của cậu đã được trường Đại học Công nghiệp Vinh tuyển thẳng vào trường và miễn toàn bộ học phí trong năm học 2016. Niềm vui ấy chưa được bao lâu, cậu lại thêm nỗi lo khi phải tính toán nhiều hơn cho 4 năm trên giảng đường đại học.

“Em tính ở trọ nhưng như thế cũng sẽ rất bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày và thêm tốn kém nữa. Còn nếu để mẹ chở đi, chở về mỗi ngày thì lại càng khó hơn. Mẹ em còn phải làm việc để kiếm tiền nuôi các em sau nữa”, Nhẫn nói và cho biết vẫn quyết định ở nhà, nhờ mẹ chở lên trường mỗi buổi sáng. Còn buổi chiều có thể đi xe buýt để không làm mẹ mất nhiều thời gian.

Thành Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI