Luật An ninh mạng và quyền riêng tư

18/06/2018 - 08:24

PNO - Hãy hình dung thế giới mà bạn không dám viết nhật ký, bởi những bí mật của bạn, những lời sám hối, những ý nghĩ bẩn thỉu, những điều bạn không dám kể với ai sẽ có nguy cơ bị đám đông đọc, bình phẩm và phán xét.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, tác giả cuốn Thiện, ác và smartphone, nhận định: “Sự riêng tư của thông tin cá nhân là khía cạnh dễ bị tổn thương nhất. Nó có thể xảy ra qua một hành động vô ý thức, như khi một trường đại học đưa điểm thi của tất cả sinh viên lên mạng, hay tới từ một quan điểm sai lầm là bố mẹ có quyền lục lọi phòng và đọc nhật ký của con, hay từ bệnh thành tích khi giáo viên công bố xếp hạng học lực của lớp vào cuối học kỳ, hay vì "nghiệp vụ" khi báo chí đưa hình chụp giấy khai sinh của một cầu thủ bóng đá lên mạng”.

Luat An ninh mang va quyen rieng tu
 

 * Vì sao quyền riêng tư quan trọng, thưa ông?

* Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Sự riêng tư cần thiết để ta thiết lập các quan hệ giữa người với người. Mỗi quan hệ đòi hỏi ta vào một vai khác nhau, có một khuôn mặt khác nhau: chồng/vợ, sếp, con gái, đồng nghiệp. Mỗi vai thể hiện một khía cạnh khác nhau của bản thể. Kiểm soát thông tin cá nhân nào được bộc lộ với ai là để xây dựng chỗ đứng cho mình trong xã hội. Đánh mất sự kiểm soát này là đánh mất khả năng kiến tạo ta là ai trong tương quan với xã hội.

Nhiều người thường nói, "tôi không cần sự riêng tư bởi tôi không có gì để che giấu", nhưng điều đó giống như cho rằng "tôi không cần tự do biểu đạt vì tôi không có gì để phát biểu" hoặc là "tôi không cần bí mật thư tín bởi tôi không viết thư". Hãy hình dung một thế giới mà bạn không dám viết nhật ký, bởi những bí mật của bạn, những lời sám hối, những ý nghĩ bẩn thỉu, những tưởng tượng tình dục, những điều bạn không dám kể với ai sẽ có nguy cơ bị đám đông đọc, bình phẩm và phán xét.

Nhà văn Tiệp Khắc nổi tiếng Milan Kundera viết rằng, khoảnh khắc quan trọng trong sự phát triển của một thiếu niên là khi nó đòi một ngăn kéo có khóa cho những ghi chép thầm kín của nó. Đó là khoảnh khắc nó biết xấu hổ khi người khác xâm phạm sự riêng tư của mình. Để phát triển sự tự chủ và bản sắc cá nhân, mỗi người cần những giây phút được bảo vệ trước con mắt bên ngoài.

Một gia đình không cho các thành viên sự riêng tư là một gia đình bóp nghẹt con người. Một xã hội không tôn trọng quyền riêng tư của các thành viên là một xã hội làm nghẹt thở. Đó chính là lý do quyền riêng tư của tù nhân, mặc dù có bị hạn chế (ví dụ bí mật thư tín), không thể bị tước đi hoàn toàn. "Tất cả mọi người đều có ba cuộc sống: công cộng, riêng tư và bí mật" - Gabriel García Márquez từng nhận định. 

Vậy theo ông, cuộc sống bí mật khác cuộc sống riêng tư thế nào?

* Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Chúng ta hãy nói về cuộc sống công cộng, cuộc sống riêng tư và cuộc sống bí mật của một cá nhân. Khi một cô gái hôn người yêu trên phố, hành vi đó thuộc về cuộc sống công cộng của cô, và cô ý thức được rằng, bất cứ người xa lạ nào ở đó cũng có thể chứng kiến hành vi đó. Cô không có chọn lựa ai được nhìn và ai không.

Luat An ninh mang va quyen rieng tu

Mặt khác, cô sẽ coi sinh hoạt tình dục của cô với người yêu là thuộc về đời sống riêng tư của mình. Lúc này, cô muốn nắm quyền kiểm soát trong việc chia sẻ với ai, thông tin hay hình ảnh gì, liên quan tới chuyện giường chiếu của mình. Ác mộng xảy ra khi cô đánh mất sự kiểm soát này, khi vì một lý do gì đó, ảnh chụp cô và bạn trai trên giường lọt vào tay người khác ngoài mong muốn của cô.

Một cộng đồng nhân văn là cộng đồng tôn trọng sự riêng tư này của cô gái, không tìm cách xâm phạm nó, dù cô là nguyên thủ quốc gia hay là người bình dân.  

Lại có những điều không chỉ là riêng tư, mà còn là bí mật. Việc cô gái đã từng là nạn nhân của xâm hại tình dục trong quá khứ có thể là một bí mật mà cô không muốn chia sẻ với ai, cho tới khi cô quyết định bước ra ánh sáng. Quan hệ tình dục của cô với người bạn trai cũng có thể trở thành một bí mật đối với gia đình cô nếu họ không đồng ý quan hệ đó, hoặc là bí mật với cộng đồng tôn giáo của cô nếu tôn giáo đó không cho phép cô có quan hệ tình dục trước hôn nhân.

* Ông nói sự riêng tư quan trọng và cần thiết để ta thiết lập các quan hệ giữa người với người; đánh mất sự riêng tư có thể là đánh mất khả năng có cuộc sống bình thường. Nhưng internet và Facebook đang thu hẹp hết mức sự riêng tư của con người hiện nay rồi, không lẽ chúng ta đang sống “bất bình thường”? 

* Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Cô gái trong ví dụ trên có toàn quyền lựa chọn hôn người yêu ở nơi công cộng nhưng rút vào phòng kín khi muốn quan hệ tình dục. Tương tự, người dùng mạng cũng chủ động trong việc quyết định chia sẻ những thông tin và hình ảnh gì của bản thân và chia sẻ với ai. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số, những nguy cơ xâm phạm sự riêng tư tới từ ba nguồn: các công ty cung cấp mạng xã hội và các dịch vụ trên mạng; cộng đồng người sử dụng mạng; chính quyền. 

Nguy cơ thứ nhất xảy ra khi bản thân các công ty cung cấp dịch vụ bán thông tin của người dùng cho bên thứ ba mà không có sự đồng ý để trục lợi. Mối nguy này lớn khi sự quản lý của pháp luật lỏng lẻo. Số điện thoại của tôi đang nằm trong ngân hàng dữ liệu của hàng trăm công ty mà không được sự đồng ý của tôi.

Một cộng đồng nhân văn khi theo thời gian, những hành động vi phạm chuẩn không được nhắc tới nữa, người phạm chuẩn được đối xử như những thành viên khác. 

Nhưng việc xóa án tích không xảy ra với Google. Google không quên. Facebook tàn nhẫn ra sao khi sự bôi nhọ và ném đá cứ diễn ra dây chuyền

Thêm vào đó, người dùng internet không ý thức được là thông qua những thể hiện yêu, ghét, quan tâm… của anh ta trên mạng, các công ty này biết rõ về anh ta hơn cả vợ anh, người đã sống với anh nhiều năm, và những hiểu biết này có thể được chuyển tới rất nhiều công ty khác, hoặc tới chính quyền. Những điều thầm kín nhất, riêng tư nhất của con người đã trở thành hàng hóa, được trao đổi, lợi dụng, ngoài tầm kiểm soát và mong muốn của họ. 

Mối nguy thứ hai tới từ những người xung quanh. Cô gái có thể hôn người yêu trên phố, đó là lựa chọn của cô, nhưng mọi chuyện sẽ khác hẳn nếu một ai đó quay lén cô, đưa clip lên mạng, một ai khác truy lùng ra danh tính, địa chỉ, tiểu sử của cô, người thứ ba khui ảnh cấp 3 và tên người yêu cũ của cô và cô trở thành đồ vật cho cả triệu người vào bình luận, chế giễu, xúc phạm. 

Những xâm phạm vào sự riêng tư như ví dụ kể trên đang xảy ra hằng ngày. Chưa bao giờ cuộc sống riêng tư của chúng ta bị uy hiếp như vậy, có nguy cơ trở nên “bất bình thường” như vậy, với những hệ lụy rất lớn. Nếu xã hội không có những biện pháp ngăn chặn, các cá nhân, gia đình sẽ phải trả giá, từ người nổi tiếng tới người vô danh.  

* Báo chí và internet hiện nay đang không ngừng khai thác tất cả những người liên quan đến một hoàn cảnh thương tâm, một cô hoa hậu hay một tai nạn nào đó, ông không nghĩ đây là một cách đáp ứng nhu cầu thông tin của người đọc hay sao?

* Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Chúng ta cần phân biệt giữa nhu cầu thông tin chính đáng của dư luận và sự tò mò, tọc mạch của đám đông. Điều đem lại cảm giác làm người là quyền được tự kiến tạo số phận của mình, được tự do quyết định và lựa chọn ai được biết gì, được chứng kiến hành vi nào của mình. Khi quay lén một ai đó, người quay lén đã tước khỏi người kia cái quyền này.

Xã hội không cần những “thông tin” dạng đó để vận hành để trở nên tốt đẹp hơn. Những hình ảnh quay lén bữa tối của một hoa hậu không phục vụ cho lợi ích chính đáng của cộng đồng; ngược lại, nó là một sự tấn công vào nhân phẩm của cô.

Trong cuốn , tôi đã từng viết về điều này: Người bị đánh mất sự riêng tư là người bị trói chân trói tay rồi lột trần trước ánh mắt của người khác. Anh ta đánh mất sự tự trị, bị làm nhục, trong lúc người xâm lấn đời tư tuyên bố với thế giới: "Nhìn đây, anh ta là của tôi, chiến lợi phẩm của tôi, con mồi của tôi".

* Có người nói, họ thích sống trên mạng hơn vì đó là những người chưa bao giờ gặp nên họ muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm, không phải mang “mặt nạ” như sống ngoài đời. Ông nghĩ sao về điều này?

* Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Tôi không có gì để phàn nàn khi ai đó lên mạng để nói những điều cô ấy muốn nói mà không nói được ngoài đời, làm điều cô ấy muốn làm mà không làm được ở ngoài đời. Trong cuộc sống, mỗi người có nhiều giao diện khác nhau, đóng nhiều vai khác nhau. Vai sếp, vai bố, con, người chơi tennis, tay hát nghiệp dư. Ở mỗi vai đó, người ta chọn lựa bộc lộ bản thân theo ý muốn.

Luat An ninh mang va quyen rieng tu
 

Con người phức tạp, đa chiều, mâu thuẫn, khó hiểu, không đơn giản là một hòn đá, nếu cạo lớp rêu bên ngoài thì sẽ “bộc lộ bản chất thực”. Dù trên mạng hay ngoài đời, ai cũng mang không phải một mà là nhiều "mặt nạ" - và tôi không hiểu chữ mặt nạ này theo nghĩa tiêu cực.

Chỉ có người mất trí mới nói với sếp tất cả những điều anh ta nói với bản thân, hay nói với bạn tất cả những điều anh ta nói với bố mẹ, và ngược lại. Thậm chí, người ta đeo mặt nạ với chính bản thân. Có ai chưa từng tự dối lòng bao giờ?

* “Google không bao giờ quên” khắc nghiệt đối với những người từng phạm sai lầm thế nào, và Facebook tàn nhẫn ra sao khi sự bôi nhọ và ném đá diễn ra dây chuyền? 

* Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Một cộng đồng nhân văn khi theo thời gian, những hành động vi phạm chuẩn không được nhắc tới nữa, người phạm chuẩn được đối xử như những thành viên khác. Ngay cả trong ngành tư pháp chính thống, một số năm sau khi thực hiện bản án, người phạm tội cũng được xóa án tích và trở thành người không có tiền án tiền sự. 

Nhưng việc xóa án tích không xảy ra với Google. Google không quên. Với nó, quá khứ không tồn tại. Có thể so sánh trí nhớ con người với một cái hồ lớn, những điều xảy ra trong quá khứ dần dần lắng đọng xuống dưới đáy. Ngược lại, Google là một sa mạc, tất cả đều lộ trên bề mặt. Mọi thứ đều như mới xảy ra, trong danh sách kết quả tìm kiếm, một tin xảy ra tháng trước về một cá nhân có thể nằm ngay trên tin khác về anh ta cách đây 10 năm.

Trong cuốn Thiện, ác và smartphone, tôi có viết: “Đây là một tình huống hoàn toàn mới với con người. Thật trớ trêu, với một người ra tù 15 năm trước, vào thời điểm hiện nay, quá khứ có thể còn đeo bám và khiến anh ta gặp khó khăn trong cuộc sống hơn là lúc mới ra tù, khi internet còn chưa phổ biến. Bạn càng sống, quá khứ của bạn càng hiện hữu với những người xung quanh, bởi càng nhiều người trở thành công dân mạng. Ngày nay, nhớ lại dễ dàng hơn quên đi rất nhiều”.  

Thêm vào đó, những vu khống, tin đồn, tin nhảm, hay những trò đùa ác ý được chia sẻ vô tội vạ, lan truyền trên mạng như cháy rừng. Một thầy giáo bị coi là thủ phạm ấu dâm, hai phụ nữ bán nước mía bị phao là kẻ bắt cóc trẻ em. Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của những cơn bão căm ghét, không thể nào thanh minh trước hàng triệu người sôi sục khui ra các chi tiết đời tư của họ, để “share nhầm còn hơn bỏ sót”.     

* Có ý kiến cho rằng, Việt Nam luôn nằm trong nhóm quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trên thế giới, tội phạm trên mạng phát triển nhanh, tình trạng nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng, thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống, xúc phạm nhân phẩm, vi phạm thuần phong mỹ tục diễn ra tràn lan, cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia còn nhiều lỗ hổng, điểm yếu. Luật An ninh mạng vừa được thông qua không phải là xâm phạm quyền lợi của công dân, mà ngược lại, bảo vệ những quyền lợi riêng của họ?

* Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Luật An ninh mạng là cần thiết để bảo vệ hạ tầng không gian mạng, chống lại nhiều loại tội phạm khác nhau. Điều đáng quan ngại ở đây là qua việc quy định các công ty cung cấp dịch vụ phải đặt trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, cũng như quy định họ phải tuân thủ các yêu cầu cung cấp thông tin từ lực lượng chuyên trách an ninh mạng, lực lượng này có thể có được dữ liệu của người dùng internet mà không có những hạn chế, những rào cản để kiểm soát quyền lực như vẫn có ở không gian ngoài mạng.

Chúng ta mong muốn an ninh và trật tự xã hội, nhưng nói như đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (tỉnh Ninh Bình) khi đóng góp về Luật An ninh mạng thì “nguy cơ bị lạm quyền, bị nhũng nhiễu của người dân và các doanh nghiệp là rất cao”.      

* Các nhà làm luật có vẻ muốn ôm tất cả các hành vi trên mạng về quản lý nên quy định một cách rộng khắp, người dùng không biết thế nào là vi phạm vào điều cấm. Điều này sẽ hạn chế các thông tin và phản biện nhiều chiều trên mạng xã hội, nhất là các phản biện, giả thuyết, dự đoán quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, lịch sử... 

* Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Lo ngại của đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (tỉnh An Giang) là có cơ sở: "Ai là người quy định, đánh giá nội dung các thông tin được coi là vi phạm? Một cá nhân, một phòng ban, hay một cục, vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an?". Tiếp nữa, xã hội có quyền góp ý hay phản biện những quy định đó hay không?

Cá nhân tôi, nếu bị quy là vi phạm, có khả năng tới đâu để kháng lại phán xét đó? Việc chỉ cách đây mấy tháng, nhiều lãnh đạo của ngành an ninh bị phát hiện tiếp tay cho đường dây đánh bạc online ngàn tỷ đồng càng khiến những lo lắng bên trên có cơ sở hơn. 

Trong cuốn Thiện, ác và smartphone, chương về quyền riêng tư, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã viết: “Quyền riêng tư là gì? Vào cuối thế kỷ IXX, Louis Brandeis, luật sư và sau này trở thành thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ gọi quyền riêng tư là quyền "được để yên" và cho rằng nó là một trong những quyền tự do cần được bảo vệ nhất của một nền dân chủ.

Ngày nay, khái niệm riêng tư thường bao gồm bốn khía cạnh: sự riêng tư của cơ thể, nhằm bảo vệ người ta trước những dạng can thiệp như khám người hay bị ép đo nồng độ thuốc kích thích; sự riêng tư của không gian sống, bảo vệ không gian sống trước sự thâm nhập của Nhà nước và các quyền lực khác (ví dụ khám nhà hay văn phòng); sự riêng tư của giao tiếp (thư tín, điện thoại, email) và cuối cùng là sự riêng tư của thông tin cá nhân (hồ sơ bệnh lý, thu nhập và tài sản, ảnh và các chi tiết đời tư)”.

Ông Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp thạc sĩ công nghệ thông tin tại Đại học Kỹ thuật Ilmenau (Đức) và có bằng tiến sĩ trong lĩnh vực kinh tế phát triển của Đại học Công nghệ Vienna (Áo). Là người Áo gốc Việt, ông có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về xã hội và kinh tế Việt Nam. Các lĩnh vực chuyên môn của ông gồm kinh tế trong thời kỳ chuyển đổi, quản trị nhà nước, minh bạch và khía cạnh văn hóa của công nghệ. 

Xuân Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI