Sim rác do quản lý kém, sao bắt dân đi chụp hình?

19/06/2017 - 15:36

PNO - Chuyện để tràn lan sim rác ngoài đường ngoài chợ suốt thời gian dài, ai mua bao nhiêu cũng được, dễ hơn mua rau, là do quản lý Nhà nước yếu kém, đâu phải do người dân. Thế mà giờ đây, hậu quả thì người dân gánh chịu.

Bống mua số điện thoại mới ngay vừa xuống sân bay Melbourne để tiện liên hệ với bạn bè và gia đình. Yêu cầu của Úc, Bống phải có hộ chiếu và do là du học sinh, Bống còn phải cung cấp thẻ sinh viên để sở hữu một số điện thoại.

Bạn tôi ở châu Âu cho hay mỗi người chỉ được sở hữu một số điện thoại. Để kiểm soát việc này, khi mua số, phải cung cấp ID (căn cước). Mỗi ID chỉ được một số điện thoại.

Đơn giản như vậy.

Sim rac do quan ly kem, sao bat dan di chup hinh?
 

Tôi đã đến nhiều quốc gia trên thế giới, và thường mua số điện thoại, chủ yếu để xài 3G. Thủ tục cực kỳ nhanh gọn, kể cả Nhật, Hàn, Úc, New Zealand, châu Âu hay Thái Lan…, là chỉ cần đưa hộ chiếu. Cứ nghĩ, mai mốt, du khách đến Việt Nam, cần một số điện thoại để dùng trong những ngày vi vu xứ sở này cũng phải tới trung tâm di động của các hãng chụp hình là đủ mệt rồi. Chưa kể thời gian chờ đợi để điền đủ các loại giấy tờ khác nhau. 

Độc quyền là một dạng thức của kém văn minh. Ở đó, thị trường không có cạnh tranh, dẫn tới hàng hóa kém chất lượng, giá cao và dịch vụ dở tệ. Ở Việt Nam, lĩnh vực viễn thông được cho là nhạy cảm nhưng cũng đã xóa bỏ được phần nào độc quyền khi có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia cạnh tranh.

Tuy nhiên, xóa bỏ độc quyền ở nước ta chưa hẳn là dẹp được tận gốc do doanh nghiệp viễn thông hay các lĩnh vực khác vẫn chịu sự điều hành quản lý kiểu mệnh lệnh hành chính của cơ quan nhà nước. Chẳng hạn, xăng dầu chịu điều hành giá của Nhà nước; điện cũng vậy…

Vụ quy định chụp hình chân dung để sở hữu số điện thoại của Bộ Thông tin và truyền thông là điển hình của độc quyền quản lý.

Sim rac do quan ly kem, sao bat dan di chup hinh?

Theo Nghị định số 49/2017 sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông, ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân, thuê bao cần phải bổ sung cả ảnh chụp chân dung chính chủ. Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, quy định nêu rõ sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày và tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.

Trong khi, lúc đăng ký số điện thoại, khách hàng đã cung cấp CMND. Trên CMND đã có hình của khách hàng và các thông tin cá nhân cần thiết khác. Tại sao việc quản lý sim rác bị buông lỏng, tuột ra khỏi tầm tay lâu nay lại bị Bộ Thông tin và truyền thông đẩy khó khăn cho người dân bằng việc chụp hình chân dung để xóa sim rác?

Chuyện để tràn lan bán sim rác ngoài đường ngoài chợ suốt thời gian dài, ai mua bao nhiêu cũng được, dễ dàng hơn mua rau, là do quản lý Nhà nước yếu kém, đâu phải do người dân. Thế mà giờ đây, hậu quả thì người dân gánh chịu.

Đó, chính xác là phát sinh tiêu cực từ việc độc quyền quản lý. Như đã nói ở trên, độc quyền thường đi kèm với yếu kém, ngoại trừ những phát minh cần độc quyền có thời hạn để bù đắp cho nghiên cứu.

Quản lý mà độc quyền, không chịu nhận phản biện và “mình thích thì mình làm”, coi thường ý kiến người dân, thì hậu quả tai hại khôn lường.

N.Trần Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI