Lãnh đạo bệnh viện phải tự trách mình khi điều dưỡng cấp cứu dưới gầm giường

06/07/2017 - 19:55

PNO - Không khen thì thôi, hà cớ gì lại nghiêm khắc với nhân viên của mình như vậy? Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Càng là lãnh đạo càng phải tự trách mình trước, khi để nhân viên của mình phải ngồi mà tiêm cho bệnh nhân như vậy.

Từ một bức ảnh trong bài báo viết về tình trạng quá tải ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM ngày 6/6, Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế TP.HCM báo cáo về việc cô điều dưỡng ngồi tiêm thuốc cho một bệnh nhân đang nằm dưới đất. 

Sở Y tế TP.HCM đã chấp hành lệnh trên, đồng thời tạm ngưng chuyên môn của cô điều dưỡng có mặt trong ảnh để tập trung làm kiểm điểm với lý do: trong quá trình cấp cứu người bệnh, điều dưỡng đã không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chuyên môn.

Cụ thể, cô không mang khẩu trang, găng tay khi thiết lập đường truyền tĩnh mạch, không tuân thủ đúng văn bản 59/BVUB-ĐD do Bệnh viện Ung bướu ban hành ngày 27/4/2016 về “Tiêu chuẩn mũi tiêm an toàn và các giải pháp”; không đánh giá đúng tình trạng cấp cứu bình thường và tình trạng tối cấp nên đã thực hiện việc cấp cứu mà vẫn để bệnh nhân nằm trên sàn nhà…

Lanh dao benh vien phai tu trach minh khi dieu duong cap cuu duoi gam giuong
Nữ điều dưỡng Thanh cấp cứu cho bệnh nhân nằm dưới gầm giường

Thông tin về việc nữ điều dưỡng bị kỷ luật khi thực hiện cấp cứu lập tức “dậy sóng” với sự đồng cảm cho cô và phê phán thái độ cứng nhắc của lãnh đạo bệnh viện. Và lãnh đạo bệnh viện cũng đã nhanh chóng nói lại cho rõ như thể lo lắng cho người vi phạm, rằng nếu không đeo găng tay, không mang khẩu trang, nhân viên của mình sẽ rơi vào trường hợp phơi nhiễm HIV như việc cấp cứu nạn nhân trong tai nạn ở Kon Tum vừa rồi.

Lý giải cách hành xử đối với nhân viên của lãnh đạo bệnh viện nghe rất có tình có lý. Tôi tin rằng mọi người ủng hộ nguyên tắc tối thượng trong ngành y là an toàn cho người bệnh. Nhưng vẫn cứ nghe xót xa cho những nhân sự cấp thấp, bởi nguyên tắc ấy cả hệ thống ngành y phải thực hiện, chứ không chỉ dành riêng cho cá nhân nào.

Cô điều dưỡng chỉ nghĩ đến việc cứu được người, chứ không nghĩ đến gì khác hơn, thậm chí đó là tính mạng của mình. Lý do lãnh đạo bệnh viện nêu ra để bắt nhân viên kiểm điểm, khiến nhiều người có cảm giác như thể để làm vừa lòng cấp trên hơn là lo lắng cho cấp dưới. 

Cục quản lý khám chữa bệnh, lãnh đạo Bộ Y tế có biết Bệnh viện Ung bướu TP.HCM luôn trong tình trạng  đặc biệt quá tải? Chắc chắn biết. Năm năm trước, giám đốc bệnh viện đã báo cáo với Bộ trưởng Bộ Y tế tình trạng 3-4 bệnh nhân/giường đã kéo dài nhiều năm.

Ngay năm sau, cuối tháng 10/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế thông báo tin mừng khi Chính phủ đồng ý về chủ trương và giao Bộ Y tế xây dựng đề án 20.000 tỉ đồng xây dựng cơ sở 2 của các bệnh viện quá tải nặng, trong đó việc xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.

Nhưng đến giờ, cơ sở này chưa thấy đâu. Với tần suất 1.800 - 2.000 lượt bệnh nhân thăm khám mỗi ngày, mà diện tích bệnh viện vẫn như cũ, hiển nhiên, bệnh nhân phải nằm nằm dưới đất. Lỗi này do ai?

Lanh dao benh vien phai tu trach minh khi dieu duong cap cuu duoi gam giuong

Cảnh quá tải ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM

Tôi có người bạn là điều dưỡng trưởng lâu năm tại một bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn TP.HCM vừa nghỉ hưu hồi tháng 5/2017, nói về nghề của mình rằng, khi bệnh nhân vào viện, người đầu tiên bệnh nhân tiếp xúc là điều dưỡng. Ngoài việc thực hiện y lệnh của bác sĩ (một công việc khá nhàm chán), điều dưỡng còn phải chăm sóc về mặt tinh thần, dinh dưỡng và bệnh lý cho bệnh nhân.

Do đó, điều dưỡng còn phải dành thời gian tư vấn tâm lý để bệnh nhân không bị sốc và lo lắng. Họ phải đặt tâm lý của bệnh nhân vào tâm lý của mình để hiểu họ muốn gì và mình sẽ làm gì cho từng hoàn cảnh một. Có thể nói, hiểu tâm lý từng bệnh nhân không ai bằng điều dưỡng.

Trong trường hợp ở bệnh viện Ung bướu vừa rồi, bằng kinh nghiệm của mình, tôi đánh giá cao, nếu không muốn nói đó là phương án xử lý tình huống xuất sắc của một điều dưỡng có trách nhiệm, có kinh nghiệm và có y đức. Trong lúc khẩn cấp, chờ để làm đúng đúng quy trình, có khi chưa đưa được bệnh nhân lên giường thì bệnh nhân có thể đã nghẹn đường thở. Hoặc phải mang găng tay, bịt khẩu trang xong để an toàn cho mình như lo lắng của lãnh đạo bệnh viện, thì lúc bắt đầu cấp cứu, bệnh nhân đã nguy cấp. 

Cô điều dưỡng Thanh, cũng thừa nhận mình thực hiện không đúng quy chuẩn về mũi tiêm an tòa do bệnh viện đề ra. Nhưng việc không chuẩn đó, giúp người bệnh qua cơn nguy hiểm, giúp gia đình bệnh nhân tâm phục khẩu phục y đức của tập thể cán bộ nhân viên của bệnh viện.

Việc khắc phục an toàn, tránh lây nhiễm khi qua quy chuẩn của cô điều dưỡng cũng không thuộc trường hợp… bó tay. Tiếng tốt về lương y như từ mẫu do điều dưỡng Thanh mang lại dĩ nhiên lãnh đạo bệnh viện là những người nhận được trước tiên.

Không khen thì thôi, hà cớ gì lại nghiêm khắc với nhân viên của mình như vậy? Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Càng là lãnh đạo càng phải tự trách mình trước, khi để nhân viên của mình phải ngồi mà tiêm cho bệnh nhân như vậy.

Nguyễn Thiện 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI