Làm giả máu xương!

04/08/2018 - 11:19

PNO - Có từng lúc nào, khi ký nhận những đồng tiền chế độ từ sự giả dối kia, những con người đó, tự day dứt như người lính kia từng day dứt.

Có một lần tôi vào một ngôi làng người Xê đăng dưới dãy núi Ngọc Linh. Những ngôi làng nằm rải rác trên các sườn núi Trường Sơn, thường là nghèo và giản đơn. Đến cả lễ hội đâm trâu truyền thống đã bốn năm mùa chưa làm được vì cả làng không đủ tiền mua trâu.

Lam gia mau xuong!
569 trường hợp thương binh giả mạo bị Thanh tra Bộ LĐTB&XH cùng các cơ quan chức năng kiểm tra hồ sơ, phát hiện khai man, giả mạo giấy tờ hoặc không có tên trong danh sách quân nhân bị thương (bản gốc) lưu tại đơn vị nhưng thời gian qua vẫn hưởng chế độ thương binh. Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An phải truy thu hơn 100 tỷ đồng đã chi trả cho số thương binh giả trên.

Cái cảm giác rõ nhất là hình như đâu đó, tôi gặp lại những T’nú, già Mết trong truyện Rừng xà nu. A Gia – một người già nhất ngôi làng đó vén ống quần lên, chỉ cho tôi một vết sẹo dài trên bắp chân. Đó là vết sẹo khi ông tham gia trận Đak Tô năm 1972. Giọng ông rất thản nhiên: “Sẹo à, ở làng này ai chả có sẹo”. Đó là vết sẹo của những năm tháng chiến tranh, của những người Tây Nguyên mắt sáng, trên những đoạn đường ác liệt Trường Sơn.

Ông đã có mặt thật sự ở Đak Tô, Tân Cảnh, đã giành giật giữa sống và chết ở đèo Lò Xo, đã hòa với niềm vui ở Đà Nẵng ngày giải phóng, và trở về với bộ hồ sơ thật, không cần thêm bất kỳ một điều gì.

Tôi biết ở ngôi làng đó, những người Xê đăng ấy sau chiến tranh trở về, không ai có chế độ thương binh. Một vài người chế độ bệnh binh, với một khoản không nhiều nhặn mỗi tháng. Một vết sẹo, dù dài hay ngắn, họ bảo có đáng gì đâu để nhắc lại, và họ quên rất nhanh. Ngay cả khi dưới chân ngọn núi ấy là cả cuộc sống đánh vật với rừng. 

Tôi nhớ bữa cơm trong ngôi làng với một hiện thân của T’Nú. Bữa cơm chỉ có cơm trắng, một ít măng lấy từ trong cái lọ đã gần hết, một ít rau lang luộc. Tôi nhớ A Gia mủm mỉm cười, đủng đỉnh thả khói brau (tên gọi cây thuốc lá) lên trời khi nghe tôi hỏi chuyện chiến tranh. Tôi nhớ tới những người Xê đăng ấy, ở một ngôi làng nằm xa nhất, trên dãy núi bí ẩn nhất, ngay cả khi nghèo nhất, và khi những vết sẹo là có thật, họ cũng không đòi hơn những gì đang có.

Nó trái ngược với câu chuyện mà tôi đọc được ngày hôm qua, khi ở một nơi khác, người ta làm giả tới hơn 500 bộ hồ sơ thương binh liệt sĩ để có tiền chế độ.

Một lần khác, tôi gặp một cựu chiến binh. Mùa hè 1972, ông mười bảy tuổi, non nớt và yêu mềm, lần đầu đối diện với bom đạn Quảng Trị, ông run đến nỗi không bơi nổi qua sông Thạch Hãn, đánh rơi cả quân trang. Ông bị kỷ luật. Với hồ sơ ấy, rất nhiều chế độ xã hội, nhiều sự vinh danh sau này ông không nhận được. Dù ông cũng bị thương, cũng đi với cuộc chiến đến ngày hòa bình.

Nhưng tôi chưa từng thấy ông oán thán. Chính xác hơn, ông luôn ân hận vì cho rằng mình hèn nhát. Ông chưa từng đi đòi chế độ gì cho mình, ngoài một tấm thẻ bảo hiểm người ta phát cho. Từng ấy năm, ông đối diện với nỗi day dứt ấy, dù không ai truy cứu. Chỉ là đối diện với chính mình.

Và nó lại khiến tôi không khỏi nhớ tới 500 hồ sơ kia. Có từng lúc nào, khi ký nhận những đồng tiền chế độ từ sự giả dối kia, những con người đó, tự day dứt như người lính kia từng day dứt.               

Tôi vẫn muốn tin, là trong những hồ sơ đó, vẫn có những người thật sự đáng được hưởng, chỉ là lịch sử đã đặt ra một trớ trêu nào đó, khiến giấy tờ không được trọn vẹn. Tôi cũng vẫn muốn tin, rằng đó chỉ là một sự bất đắc dĩ khốn cùng của cuộc sống. Tôi cũng vẫn muốn tin, rằng sự tiếp tay của những người có liên quan, không thuộc về một sự tính toán tư lợi nhỏ nhen nào. 

Bởi vì có nhiều thứ, như xương máu, như nước mắt, như mất mát, làm sao có thể làm giả được?

Mai Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI