Kẽ hở trong phòng chống tham nhũng

08/09/2017 - 10:28

PNO - Dư luận vừa qua khá bức xúc chuyện ông Hoàng Quốc Dũng - em chồng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - từng giữ chức Phó tổng giám đốc Công ty CP VN Pharma.

Chưa cần bàn ông Dũng liên quan thế nào đến vụ án buôn thuốc lậu (có ý kiến còn cho rằng “buôn thuốc giả”) xảy ra tại doanh nghiệp này, nhưng có thể hiểu điều mà người dân quan tâm hơn chính là liệu “em chồng bộ trưởng y tế làm việc cho công ty dược” có hợp pháp? Hoặc như một số người đặt thẳng vấn đề, liệu trong thời gian làm việc tại VN Pharma, ông Dũng có “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” (điều 291 Bộ luật Hình sự), ở đây là bà chị dâu Bộ trưởng, hay không?

Câu trả lời từ cơ quan chức năng, theo luật hiện hành, việc ông Dũng từng làm phó tổng giám đốc Công ty VN Pharma trong lúc chị chồng làm Bộ trưởng y tế là không vi phạm pháp luật. Ông Dũng không được luật liệt kê, xác định là “người thân” của Bộ trưởng. Và nếu muốn xác định có phạm vào điều 291 hay không, chỉ cơ quan điều tra mới có thể làm sáng tỏ. 

Ke ho trong phong chong tham nhung
Nguyễn Minh Hùng (nguyên chủ tịch VN Pharma) lãnh án 12 năm tù trong vụ nhập lậu thuốc giả trị ung thư H-Capita

Tuy nhiên, có một sự thật nữa, ông Dũng không phải là trường hợp duy nhất trong gia đình bà Tiến giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý trong các doanh nghiệp tư nhân trong lúc bà bộ trưởng đang tại vị.

Cuối năm 2015, một bệnh viện (BV) Đa khoa Quốc tế với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng tại TP.HCM khai trương. Ông Hoàng Quốc Hòa - chồng bà Tiến, khi đó vừa rời chức Giám đốc BV Nhân Dân Gia Định do tới tuổi nghỉ hưu - đã “đường đường” ra mắt quan khách với tư cách Giám đốc BV này. Trong lễ khai trương, Bộ trưởng Tiến đã tận tay trao quyết định thành lập BV cho phu quân. Họ cùng nhau cắt băng khánh thành. Hiện ông Hòa đã thôi chức giám đốc BV này.

Thế nhưng, tương tự ông em, theo luật hiện hành, dường như việc ông Hòa giữ chức vụ nói trên cũng chưa vi phạm pháp luật?

Điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng chỉ cấm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hay kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.

Và khoản 3 điều này chỉ nói người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Phùng Thanh Sơn (Công ty Thế Giới Luật Pháp, Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, điều 37 chỉ mới đề cập hành vi góp vốn, kinh doanh mà không đề cập đến hành vi tham gia quản lý, điều hành những doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi mà người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu trực tiếp thực hiện quản lý nhà nước. Hoặc nếu có thì ở khoản 3, chỉ cấm bố trí, nên trong trường hợp ông Hòa, bà Tiến chắc chắn không trực tiếp “bố trí”… chồng mình.

Đây là một kẽ hở của pháp luật hiện hành. Khoan nói đến những hậu quả nghiêm trọng do Luật Phòng chống tham nhũng còn lỏng lẻo, nhập nhằng có thể khiến công cuộc phòng chống tham nhũng trở nên kém hiệu quả. Chí ít, luật đã chưa đủ uy lực điều chỉnh ý thức trách nhiệm và lương tâm chức nghiệp đối với những người đứng đầu. Cụ thể trong trường hợp này, người đứng đầu đã, đang và sẽ để cho người trong gia đình được “tuyển dụng” vào những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực mà mình quản lý, điều hành. Tránh sao khỏi thái độ bất bình của người dân?

Dù “lò có nóng”, nhưng luật mà hở thì chẳng những chưa “quẳng được củi vào lò”, mà còn có khả năng kích thích những hành vi vi phạm pháp luật tinh vi hơn. 

Nam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI