Chúng tôi đi chứng sinh cũng phải 'làm dữ' nơi công quyền mới xong

27/07/2017 - 11:43

PNO - Từ vụ người dân ở Hà Nội bị hành vì cái giấy chứng tử, bạn bè tôi được dịp kể lể chuyện xưa chuyện nay đã đụng cơ quan công quyền thế nào.

Người thì bị hành với giấy chứng sinh cho con, người thì bị hành cái giấy chứng nhận độc thân cho bà mẹ gần trăm tuổi và chồng mất từ 50 năm trước. Vui nhất là chuyện cặp vợ chồng kia, đáng lẽ ly hôn từ mấy năm trước, nhưng vợ chồng ngán chuyện phải ra phường hoàn thiện hồ sơ để gửi tòa án, nên đùn đẩy nhau chưa làm.

Chung toi di chung sinh cung phai 'lam du' noi cong quyen moi xong
 

Anh bạn tôi từ Singapore kể chuyện anh “làm dữ” ở một phường của TP.HCM khi đi khai sinh cho con:

"Tôi cẩn thận gọi điện thoại lên UBND phường hỏi các giấy tờ cần thiết dù trước đó đã online tìm hiểu đầy đủ. Cô nhân viên nghe điện thoại cũng rất tận tình trả lời.

Đến UBND phường, mới hơn 3 giờ chiều, tôi đến quầy làm thủ tục thì một cô nhân viên trong số ba cô ngồi ở đó bảo tôi về đi, hôm khác đến vì tờ khai đã hết.

Tôi nghe, thấy ngứa ngáy trong người nên bảo: "Hết thì em lên trang web của Sở Tư pháp hay Cổng thông tin của thành phố, của Bộ Tư pháp của cái gì anh không cần biết, nhưng em phải in ra cho anh.

Tôi không về vì lý do vớ vẩn đó. Tôi chìa điện thoại mình ra để cho thấy lúc mấy giờ mình đã gọi cho cô nhân viên nọ và hỏi cô nhân viên ấy đâu. Cô nàng ngồi bên cạnh cô nãy giờ trả lời tôi, bảo em đây ạ. Cô này thành thật trả lời, tờ giấy in nhanh lắm, nhưng người ký đi vắng rồi.

Tôi hỏi đi đâu vào giờ này, nếu đi thì có người khác trực ký thay. Cô cũng bảo giờ chẳng còn ai. Điên quá tôi bảo, ghi vào trong giấy là giờ này không còn ai trực hay có trách nhiệm ký vào đây: ghi đầy đủ ngày giờ, tên tuổi của cô vào.

Ở trong ủy ban lúc này ngoài tôi còn 3-4 người dân đang ngồi ở đó, họ cũng ngơ ngác lắm vì chắc ngồi lâu rồi. Đến đây thì cô thứ ba rút điện thoại ra bấm bấm: "Chú ơi chú quay về ký giùm con cái giấy khai sinh đi, có thằng cha này làm dữ quá". 

Nhờ "làm dữ" mà anh bạn tôi làm xong cái giấy cho con trước khi hết giờ làm việc. 

Tôi cũng có lần phải "làm dữ" ở trụ sở công an phường. Hồi ấy, tôi bị mất chứng minh nhân dân, phải đi làm lại. Theo hướng dẫn của công an viên, tôi phải viết đơn trình báo bị cướp trên con đường trong phường (dù tôi không hề bị cướp tại đây).

Hôm sau tôi vác đơn lên, cô công an nói tôi phải tìm anh công an phụ trách khu vực để xin xác nhận. Nhưng anh công an khu vực không có ở đó. Tôi xin địa chỉ, về tìm nhà anh, vợ anh nói anh đi làm. Tôi lên lại phường, được giải thích là anh bận đi học, sau 5h30 mới có mặt.

Tối, tôi đội mưa tới công an phường, thấy một dãy các bác lớn tuổi đang ngồi câm lặng chờ ngoài hiên, ai cũng lạnh run vì mưa tạt ướt.

Chung toi di chung sinh cung phai 'lam du' noi cong quyen moi xong
 

Tôi kiên nhẫn chờ hơn một tiếng mới thấy anh công an về, mở cửa phòng làm việc. Nhưng khôi hài là chúng tôi chưa kịp mừng thì anh ngoắc ngay chị chủ nhà trọ vừa vào cổng đi theo.

Chị này ôm bộ hồ sơ dày, chắc của vài chục khách thuê nhà. Ngó vào, tôi thấy chị mở cái bìa kẹp, thấy có tờ giấy bạc. Chờ gần nửa tiếng chưa thấy họ xong, tôi bất bình bước vào hỏi anh công an vì sao không giải quyết việc theo thứ tự chờ đợi.

Anh ta nhìn tôi như người ngoài hành tinh, chỉ tay bảo tôi ra ngoài chờ, tiếp theo sẽ tới tôi. Tôi phản đối nói, anh nên ra ngoài hỏi mấy bác lớn tuổi, xem ai tới trước thì giải quyết trước, ở đây ai cũng đang đói, cũng bị ướt.

Tuy vậy, chị chủ nhà trọ này vừa xong việc, thì chị chủ nhà trọ khác tới, anh gọi chị mới này vào và tiếp tục xem bộ hồ sơ dầy cộp có kẹp tiền.

Tôi đi lòng vòng trong trụ sở, thấy phòng phó trưởng công an còn sáng đèn, tôi nín thở gõ cửa. Anh phó này chuẩn bị đi ngủ, đang mặc áo ba lỗ, thấy tôi "quậy có lý" thì mặc áo vào, dắt sang nói cậu công an ưu tiên chứng giấy cho tôi rồi về phòng mình.

Anh công an hạch hỏi: "Chị ở nhà này từ năm nào, sao tôi chưa gặp chị? Tôi không chứng cho chị được. Giấy của chị để đây, tôi phải về hỏi ông tổ trưởng dân phố". Tôi nhỏ nhẹ nói: "Tôi ở đây gần 10 năm rồi. Tôi biết cậu chuyển về đây làm việc đã 2 năm, nếu cậu chưa biết biết mặt tôi, chứng tỏ cậu không nắm địa bàn, và đó là lỗi của cậu. Chứ không phải lỗi của tôi".

Cãi lý không được, tôi phải về không và mất thêm vài buổi đi tới đi lui nữa. Tôi cũng sợ có ấn tượng xấu với công an, sau này có chuyện gì sẽ mệt. Đó chắc cũng là lý do chung mà mấy ông bác già cả ngồi cùng tôi chẳng ai dám làm dữ vậy.

Tôi nhớ hồi chồng tôi đi tách hộ khẩu khỏi gia đình chồng. Chồng tôi lên gặp cán bộ lần một, họ nói hồ sơ chúng tôi thiếu cái giấy A, về làm đi. Ông chồng nghe lời, về bổ sung, mang lên, người ta nói thiếu cái giấy B. Ông lại đi về làm giấy B, rồi người ta tiếp tục chỉ sao không có cái giấy C. Tôi nổi điên, bảo chồng lên hỏi là sao người ta không hướng dẫn bổ sung cả ba thứ A,B,C một lần cho xong, cứ thích hành dân như vậy. Chồng tôi cười: "Ôi thôi, dây với họ làm gì. Mệt. Đằng nào mai mình cũng lên quận làm việc rồi".

Tôi không chịu lý lẽ của chồng, tôi viết mấy dòng thư góp ý bỏ vào cái hộp thư trên phường. Tôi ghi rõ số điện thoại, nhưng sau đó không hề nghe ai gọi phản hồi. Chẳng biết mấy anh chị có trách nhiệm có buồn mở cái hộp thứ ấy ra không nữa.

Thái Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI