Đề nghị mức án 3-4 năm tù cựu nhà báo Lê Duy Phong cưỡng đoạt tài sản

20/04/2018 - 13:50

PNO - Với tội danh bị truy tố, khung hình phạt được quy định từ 7-15 năm. Xét các tình tiết giảm nhẹ và quá trình thành khẩn khai báo của bị cáo, đại diện VKSND đã đề nghị mức án dưới khung, từ 3-4 năm tù.

Sáng 20/4, TAND tỉnh Yên Bái đã mở phiên xét xử sơ thẩm cựu nhà báo Lê Duy Phong, nguyên trưởng ban báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, bị hại là ông Vũ Xuân Sáng – giám đốc Sở KH-ĐT Yên Bái không có mặt tại tòa.

De nghi muc an 3-4 nam tu cuu nha bao Le Duy Phong cuong doat tai san
Bị cáo Lê Duy Phong

Phiên tòa bắt đầu lúc 8 giờ và hầu hết phóng viên, nhà báo ngồi trong phòng xử đều bị mời ra ngoài. Tòa đã bố trí một phòng riêng để các phóng viên theo dõi phiên xử trên màn hình ti vi. Tuy nhiên, vẫn có nhiều phóng viên không thể lên phòng này do lực lượng an ninh yêu cầu phải có thẻ tác nghiệp do tòa án cung cấp.

Ông Vũ Xuân Sáng, người bị Lê Duy Phong cưỡng đoạt 200 triệu được triệu tập đến tòa với tư cách là người bị hại. Tuy nhiên tại thời điểm thư ký điểm danh, ông Sáng vẫn chưa có mặt. Chỉ có người được ông này ủy quyền đến tham dự phiên tòa.

Phiên tòa bắt đầu với phần luận tội của đại diện VKSND cho rằng, hành vi cưỡng đoạt 200 triệu đồng của ông Vũ Xuân Sáng và 50 triệu đồng của ông Hoàng Trung Thực xuất phát từ lòng tham. Hành vi này vi phạm đạo đức nghề báo và vi phạm quy định pháp luật. Căn cứ vào lời khai của bị cáo và các chứng cứ thu thập được, khẳng định cáo trạng truy tố cựu nhà báo Lê Duy Phong là đúng người, đúng tội.

Với tội danh bị truy tố, khung hình phạt được quy định từ 7-15 năm. Xét các tình tiết giảm nhẹ và quá trình thành khẩn khai báo của bị cáo, đại diện VKSND đã đề nghị mức án dưới khung, từ 3-4 năm tù.

De nghi muc an 3-4 nam tu cuu nha bao Le Duy Phong cuong doat tai san
Phiên tòa xét xử được chụp qua màn hình

Trả lời câu hỏi của chủ tọa, bị cáo Lê Duy Phong đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng truy tố. Ông Phong đã đề nghị ông Sáng đưa tiền để không viết bài.

Khi chủ tọa đặt câu hỏi: “Công việc của người làm báo có cho phép nhận tiền, tài sản trước khi viết bài?”, bị cáo Phong cúi mặt trả lời: “Công việc không cho phép tôi nhận tiền trước khi viết bài”. Bị cáo nói tiếp: “Tôi thấy việc nhận tiền là vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật”.

Về phần lời khai trước đó, Phong cho biết chia 200 triệu cho 26 nhà báo nhưng khi xác minh lại không đúng sự thật, bị cáo Phong khẳng định: “Tôi đã tiêu xài hết số tiền và không chia cho ai”.

Có mặt tại tòa, ông Đào Ngọc Tước, phó TBT báo điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết: “Quá trình Phong lên Yên Bái không báo cáo, tôi không biết”. Ông Tước chỉ ký giấy giới thiệu cho phóng viên Lê Hữu Trí lên Yên Bái. Nội dung giấy giới thiệu là tìm hiểu theo đơn thư bạn đọc phản ánh.

Về việc con dấu có tên của Lê Duy Phong cơ quan chức năng thu giữ được trong ô tô, mà bị cáo đã cho biết đây là dấu do tổng biên tập cấp cho trưởng ban, ông Tước cho rằng mình không hề biết về con dấu này và đây cũng không phải thẩm quyền của ông này.

Nói lời sau cùng tại tòa, bị cáo Lê Duy Phong đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ để hưởng sự khoan hồng của pháp luật

Chi Mai – An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI