Dẫu ngày về không có ai chờ

25/09/2017 - 07:54

PNO - Nỗi lo lắng, hoang mang không còn hiện hữu trên gương mặt của gần 200 nữ phạm nhân khi chương trình Ước mơ ngày trở về (diễn ra chiều 24/9 tại Trại giam Đắk Trung, tỉnh Đắk Lắk) khép lại.

Thông điệp của chương trình đã tiếp cho chị em nghị lực, sự tự tin để hiểu rằng: luôn có những cánh cửa rộng mở trên bước đường hoàn lương.

Dau ngay ve khong co ai cho
Bà Bùi Thị Kim Phượng ôm chặt nữ phạm nhân N.T.Đ.T. khi T. bày tỏ lòng tri ân đến bà

“Đâu là nỗi băn khoăn khi các chị quay trở lại cộng đồng?” - câu hỏi mở đầu chương trình gợi nhắc bao nỗi niềm chung. Một chị cắn chặt môi, cúi đầu ái ngại: “Chúng tôi mặc cảm, không biết mọi người sẽ nghĩ gì về mình; gia đình, người thân có đón nhận không; biết làm gì để mưu sinh đây?”.  

Chia sẻ những khó khăn phía trước, cựu phạm nhân Đ.T.M. (48 tuổi, ngụ tại Q.Từ Liêm, TP.Hà Nội) rớt nước mắt: “Đã lường trước thái độ của mọi người, tôi vẫn sốc. Khi trở về, chồng tôi đã bỏ đi theo người phụ nữ khác, còn những người từng thân quen lúc xưa, tôi chào, hỏi thăm mà họ ngoảnh mặt, không đáp. Tủi thân lắm! Cảm giác bị cô lập khiến tôi đau khổ, thấy như thể không còn chỗ nào cho mình”.

Chị M. tâm sự, trong những ngày đó, chị phải nhiều lần đấu tranh nội tâm để thoát khỏi sự chênh vênh khi bạn cũ liên tục rủ rê quay lại đường cũ: tổ chức đánh bạc. Nhưng chị nhận ra, nếu trở lại đường cũ, sẽ phải sống trong nơm nớp sợ hãi, mệt mỏi vì cảnh giác. Mà điều chị muốn lại là sự thanh thản, bình yên. “Tôi gom tiền mua một gánh hàng rong, bán đủ thứ. Sợ người quen nhận ra, tôi đến bán ở chỗ đông người như bến xe, bệnh viện. Cuộc sống tuy khó khăn, nhưng đêm nào tôi cũng ngủ ngon” - chị M. tâm sự.

Không riêng chị M., tại buổi giao lưu, nhiều chị em ra tù, tái hòa nhập cộng đồng thành công cũng khẳng định: “Dẫu ngày về không có ai chờ, và phải đối mặt với khó khăn, các chị cũng cần có niềm tin vào kết quả tốt đẹp để vươn tới; bí quyết để dẹp bỏ mặc cảm, ngẩng cao đầu là sống chân thành, chịu khó”.

Dau ngay ve khong co ai cho
Một nữ phạm nhân bày tỏ bất an khi nhắc đến ngày rời trại giam, trở về cuộc sống đời thường

2. “Chiêu đãi” người dự khán bằng một giọng hát hay, nhưng ánh mắt nữ phạm nhân N.T.Đ.T. (SN 1993) buồn rượi. Bài hát kết thúc, T. xin được gửi đôi lời đến người phụ nữ đặc biệt cũng có mặt hôm nay, đó là người mẹ của nạn nhân Vũ mà chính T. đã đâm chết do ghen tuông.

Ngày TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử T. tội giết người, chạm mặt cha mẹ Vũ, T. cúi đầu, chờ nhận lời cay nghiệt. Nhưng không, mẹ Vũ nhẹ nhàng xin tòa giảm án cho T. T. òa khóc nức nở khi biết rằng trước đó, mẹ Vũ cũng đã viết đơn xin bãi nại cho mình. Sự rộng lượng của người mẹ dành cho kẻ giết chết con mình càng khiến T. cắn rứt, mặc cảm, ăn năn.

Những ngày cải tạo, T. trốn tránh mẹ Vũ, cho đến khi nhận được chiếc áo khoác cùng lá thư mẹ Vũ gửi cho mình, T. mới đủ tự tin đón nhận tấm lòng của người phụ nữ cao thượng. Thư viết: “Con cố gắng cải tạo tốt để về sớm, thay Vũ làm con của ba mẹ. Mẹ sống theo lương tâm, thương con như con đẻ. Mẹ thương Vũ sao thì thương con vậy. Mẹ tha thứ hết”.

Để rồi nhờ đó, những ngày chán chường, tuyệt vọng, muốn buông xuôi của T. ở trại giam được thay bằng sự hồ hởi, tích cực cải tạo, mong cho ngày về thêm ngắn lại. T. gửi những giọt nước mắt tri ân về hướng bà Bùi Thị Kim Phượng lọt thỏm giữa khán đài: “Mẹ Vũ còn hứa chờ tôi trở về, bà sẽ mở cho tôi một cửa hàng tạp hóa để gầy lại tương lai. Còn may mắn nào hơn dành cho tôi nữa!”. 

Đôi mắt đỏ hoe, bà Phượng chậm rãi bước lên sân khấu. Trao cho T. vòng ôm rất chặt, bà Phượng bộc bạch: “Ngày 9/9/2012, tôi nhận cuộc gọi của bạn Vũ, nói Vũ mất rồi. Tôi bàng hoàng, vẫn mong đây là cuộc gọi nhầm, hoặc đùa giỡn. Nhưng không! Tôi vội vã chạy lên bệnh viện, thấy tấm chăn trắng toát đắp lên người con trai, rồi biết người giết Vũ là T., tôi chết lặng. Giữa nỗi đau đớn, trách hận lẫn tình thương dành cho T. lâu nay, tôi không biết phải làm gì cho thỏa.

Hôm tổ chức tang cho Vũ, gia đình T. không ai dám đến. Họ nhờ người đến xin tôi tha thứ. Tôi nhắn lại, bảo họ cứ đến. Mẹ T. đến, quỳ xuống chân tôi. Tôi hiểu rằng, là những người mẹ, chúng tôi đều đau khổ. Tôi bảo sẽ tha thứ cho họ, cho T., mà với tôi, cũng là tha thứ cho mình. Khi tha thứ được cho tất cả, họ thanh thản, lòng tôi cũng thanh thản”. 

***

Theo ghi nhận từ các trại giam, phạm nhân có tái phạm hay không phụ thuộc vào việc họ có bản lĩnh để vượt qua được quãng thời gian đầu khi về với xã hội hay không. Do vậy, để họ trở lại “con đường sáng”, ngoài ý thức của mỗi phạm nhân, rất cần sự mở lòng của cộng đồng, xã hội. 

Chương trình Ước mơ ngày trở về do Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an phối hợp Hội LHPN Việt Nam tổ chức, nhằm cung cấp kỹ năng tái hòa nhập cho các nữ phạm nhân, biểu dương những tấm gương tái hòa nhập cộng đồng thành công và góp phần thay đổi nhận thức, thái độ của cộng đồng đối với phụ nữ hoàn lương. 

Chương trình là một trong nhiều hoạt động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết liên tịch 01 giữa Bộ Công an và Hội LHPN Việt Nam về “quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và mắc tệ nạn xã hội” giai đoạn 2012-2017. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI