Chim sẻ giữa Biển Đông

23/05/2018 - 11:32

PNO - Không chọn con đường của đạo mà đi, há là người quân tử, hay lại chỉ mải mê chui rúc trong bụi rậm như loài chim sẻ?

Từ ngày 14 - 18/5, ngay tại thủ đô Hà Nội, đại diện Vụ Biển, Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam và cố vấn cao cấp các sự vụ biên giới, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tiến hành đàm phán vòng 11 Nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển Việt Nam - Trung Quốc, trong đó có nội dung đánh giá việc thực hiện Thỏa thuận thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển. Đánh giá của cả hai bên đều cho rằng, có “nhiều tiến triển thực chất”.

Ngày 18/5, trên mạng xã hội của lực lượng Không quân Trung Quốc và tờ nhật báo Nhân dân Trung Hoa đăng thông tin và clip máy bay ném bom tầm xa H-6 cất cánh, hạ cánh trên một đảo của biển Đông, ngay lập tức Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) xác định đó là đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 

Chim se giua Bien Dong
Đảo Trường Sa Lớn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Cùng một thời điểm, trên bờ thì bắt tay, ngồi lại đàm phán; ngoài khơi, trên biển thì rầm rập tập trận, điều cả khí tài quân sự hạng nặng đến diễn tập ngay trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đó là chưa tính việc Trung Quốc ngang nhiên xây ba hầm chứa lớn trên 3 tiền đồn chính ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam (gồm Xu Bi, Vành Khăn, Chữ Thập), để có thể tiếp nhận các loại máy bay ném bom cỡ lớn, máy bay vận tải quân sự, tuần tra và tiếp nhiên liệu. 

Cũng chả lạ lẫm gì về cái “thói thường” này, vốn dĩ như là một “thói quen” trong lối hành xử của kẻ đã quên mất lời giáo huấn của chính tiền nhân phương ấy: “Nhân nhân chi an trạch dã, nghĩa lộ dã, lễ môn dã, duy quân tử năng do thị lộ, xuất nhập thị môn dã” - Mạnh Tử (người quân tử lấy đức nhân làm nhà ở, lấy đức nghĩa làm đường đi, lấy lễ làm cửa, duy người quân tử đi đường ấy, ra vào cửa ấy mà thôi). 

Không chọn con đường của đạo mà đi, há là người quân tử, hay lại chỉ mải mê chui rúc trong bụi rậm như loài chim sẻ? Còn nhớ, khoảng đầu thế kỷ XIII, thời nhà Trần, năm Hưng Long thứ 12, trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi lãnh ấn đi sứ sang Trung Quốc, trong tiệc chiêu đãi tại phủ tể tướng, vị quan nước Nam ấy đã xé toạc bức tranh vẽ chim sẻ đậu trên cành trúc, mà bảo rằng, loài ấy là để chỉ kẻ tiểu nhân, cớ làm sao lại cho nương nhờ trên cành trúc - là hình ảnh của bậc quân tử. 

Với bộ mặt bành trướng và những bước đi của kẻ bá quyền, rõ ràng, toàn bộ Biển Đông, nhất là khu vực Đông Nam Á đã đặt trọn trong tầm bao phủ, nói trắng ra là trong tầm ngắm, tầm bắn của H-6, của Y-8 máy bay vận tải quân sự, của YJ -12B tên lửa hành trình, của HQ-9B tên lửa đất đối không.

Những ký hiệu này mới đây đã hiện diện trên vùng biển Trường Sa của Việt Nam, nó ám đầy sự toan tính nguy hiểm, óc hiếu chiến trong khả năng đối đầu và ra oai bằng sức mạnh quân sự. Mà đối lại, ngay trên từng dải đất giữa biển khơi ấy, ngay tại Trường Sa Lớn - thủ phủ của quần đảo Trường Sa, mới đây thôi, tôi còn tận mắt chứng kiến cái khoảnh khắc những đứa trẻ hồn nhiên nuốt trọn cây kem giữa trưa hè được gửi từ đất liền ra đảo, gương mặt mặn chát của những người vợ, người mẹ nơi đầu sóng; và cả những luống rau xanh, chùm hoa tím, cứ mải miết được ươm trồng, trổ bông, có hề gì những hiểm nguy rình rập, những tai ương sóng gió. 

Từ “Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” năm 1993 đến “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” năm 2011; từ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC) đến Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và những leo thang ngày một táo tợn, kích động, bất chấp trên thực địa đã cho thấy ván cờ địa - chính trị Biển Đông đang gần như không theo bất cứ quy tắc pháp lý nào, nó phá bỏ mọi “thỏa thuận”, “tuyên bố”, nó chọn kiểu ứng xử hiếp đáp, hiếu chiến, đe dọa - biểu hiện của một chiến thuật quân sự hóa ngoại giao trong chiến lược ngoại giao hóa quân sự trên biển. 

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI