Bữa cơm công nhân, nhắm mắt... qua ngày

18/04/2018 - 09:43

PNO - Thu nhập thấp, tan ca đã hết ngày, chợ chính quá xa, 1,3 triệu công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) của TP.HCM buộc phải dùng bữa cơm tối tự nấu từ nguồn thực phẩm mua ở chợ tự phát ngay trước cổng KCX-KCN

Một vòng chợ tạm

Từ lâu, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các quận, huyện tổ chức, sắp xếp, tiến đến xóa sổ chợ cóc, chợ tạm. Thế nhưng, rải rác khắp thành phố, hàng trăm chợ tự phát vẫn vững vàng tồn tại. Ở các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN), giờ cao điểm, chợ vây lấy công nhân, thực phẩm trôi nổi vẫn theo công nhân về nhà.

Bua com cong nhan, nham mat... qua ngay

Tại chợ Pouyuen, thức ăn nhanh, chế biến sẵn luôn được "phơi trần"

14g, khoảng trống quang đãng của lề đường bao quanh Công ty Pouyuen (Q.Bình Tân, TP.HCM) bắt đầu nhộn nhịp. Bê chiếc giỏ nặng trĩu chuyển từ một xe ôm xuống đất, người phụ nữ thả tấm ni-lông kẹp sẵn trên nách, nhanh chóng trải ra lề đường rồi đổ giỏ cá lên.

Cách chị chừng 3m, một phụ nữ khác cũng lật đật bỏ mấy con gà đã làm sẵn ra mâm. “Chà, còn rộng ha” - giọng người đàn ông vừa đến. Chen vào khoảng trống giữa hai quầy hàng, anh này vội vã bày lên tấm bạt đủ loại rau xanh mướt… 

Hàng trăm “tiểu thương” lũ lượt xuất hiện, tất bật tìm chỗ trên lề đường rồi bày hàng ra bán. Không còn chỗ, những “tiểu thương” đến sau kẻ bao tải thịt, người mâm lòng gà, mớ bàn chải đánh răng hay dăm bộ đồ may sẵn thi nhau đổ xuống lòng đường.

Tích tắc, lề và lòng đường từ cổng chính Công ty Pouyuen ngay Quốc lộ 1 kéo băng qua hầm chui KCN Tân Tạo, nối dài đến cổng phụ nằm trên đường Trần Văn Giàu, rẽ hết con đường 54 biến thành một cái chợ, kéo dài chừng hơn 3km. Chợ này đã tồn tại mấy chục năm, người ta gọi là chợ tự phát Pouyuen. 

Chợ quá dài, nên sự phong phú của hàng hóa nơi này khiến tôi nhìn thỏa mắt. Mỗi mặt hàng không dưới mười “tiểu thương”; muôn vàn kiểu bày biện, có ngay ngắn hấp dẫn, có lộn xộn tạo tò mò, có cảnh người bán vác cả hàng… gí theo mời gọi.

Hàng bán cũng chẳng tuân thủ theo một trật tự nào: nồi hủ tíu chen giữa bàn thịt tươi, cá khô; gánh chè lọt thỏm hai bên mâm cá đồng và hải sản; rổ chim cút đã vặt lông kế bên xe bánh mì cùng với mâm lòng heo… 

Bua com cong nhan, nham mat... qua ngay
Các mặt hàng bày bán không theo một trật tự nào, tạo nên sự nhếch nhác, mất vệ sinh của chợ Pouyuen

Tôi đi chen trong chợ, cơn thỏa mắt sớm bị thay bằng sự khó chịu. Tranh thủ lúc chưa có người ghé mua, chị hàng cá mở bao, vốc từng nắm đá viên quăng lấp lên mặt hàng. Cá lẫn trong đá. Tôi ghé lại, chị đưa tay dạt đá sang một bên, làm như… trót lỡ: “Mua đi em, nhìn vậy chứ ngon lắm”. 

Giữa ngổn ngang cá và đá, bật lên màu đỏ au của từng con mắt cá đã lõm sâu vào trong, lớp da trầy trụa. Thử sờ vào, lựa mua, thân con nào con nấy nhũn nhão. Tôi quay đi, nghe sau lưng tiếng bất bình: “Ai mua cũng thăm dò vầy, cái chợ này chắc dẹp sớm”. 

Vượt đống rác xộc mùi hôi thối có thể là phế thải của buổi chợ hôm trước, tôi sang hàng cá kế bên, đa dạng hơn. Tiếng động của tôi làm cho đám ruồi nhặng bay túa lên từ mâm cá sặc, cá rô đồng chết khô cùng mớ đầu cá hồi ướp đá trắng bệch đặt trước thảm cá biển. Nếu bỏ qua màu đỏ của mắt, không chạm vào thân, sẽ dễ dàng bị lừa bởi sự cong cứng của từng con cá trên thảm nhựa.

Thủ thuật của “tiểu thương”

Theo tiết lộ của một chủ quầy thịt tại chợ Pouyuen, thịt cá ở chợ này chủ yếu được lấy từ một chợ chính thống trên đường số 5 (P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân). Sau khi bán từ sáng đến trưa, hàng còn ế ẩm, “tiểu thương” đem ra chợ Pouyuen bán buổi chiều. Nhiều người còn đi gom thịt cá không bán hết ở các chợ chính thống khác, về bán cho công nhân Công ty Pouyuen. 

Một chủ quầy rau tại chợ Pouyuen cũng tiết lộ, nguồn rau chủ yếu nhập từ chợ đầu mối Bình Điền, nhưng “tiểu thương” đến đó mua thì ít mà lượm (hàng thải) thì nhiều. Sau đó, họ phù phép thành những bó rau tươi tắn, mướt mát bằng cách cho hàng úa dập lượm được vào giữa, dùng hàng mua ngon hơn che chắn bên ngoài.

Tôi ghé qua hàng rau, thịt. Rau được sắp sẵn từng bó, buộc chặt, thoạt trông đều xanh mướt. “10.000 đồng ba bó, mại dô”. Rau rẻ quá, một bó như thế này, nếu mua ở chợ khác, cũng đã 10.000 đồng.

Cầm bó cải xoong bắt mắt nhất trên tay, thử rẽ dọc một đường, cảm giác bị lừa khiến tôi chùng lại. Không giống như vẻ ngoài “xinh xắn”, giấu kỹ giữa bó rau là những cọng nhàu nhĩ, già và dập, đầy lá úa.

Tôi đi tiếp. Những quầy thịt không khả quan hơn. Thịt cắt sẵn từng miếng, màu sắc đã chuyển sang sậm vàng, khô quéo ở đường viền; mùi ươn ôi xộc lên từ mớ lòng đựng trong thau đầy đá.

Có quầy bán cào bằng ba chỉ, thịt đầu, cốt lết, xương đùi 50.000 đồng/kg; có quầy tùy độ tươi của miếng thịt mà bán giá cao hơn. 

Đậu hũ chiên sẵn nhìn hấp dẫn, có giá 5.000 đồng/3 miếng, nhưng khi tôi chạm vào, miếng nào cũng đổ nhớt. Đưa lên mũi bịch đậu hũ ngả màu xám giá 3.000 đồng (tầm 20 viên/bịch, to chừng hai đốt ngón tay/viên) mùi chua, tôi muốn chóng mặt.

Cạnh đó là những quầy cá xay tại chỗ, trên khay bày mớ cá thác lác cong queo giữa ngổn ngang đá ướp. Ai mua, người bán rửa cá trong thau nhựa chứa chưa đến một lít nước đen thui rồi đem xay cho khách. Từ đầu đến cuối buổi chợ, họ vẫn dùng duy nhất thau nước này, vừa rửa tay vừa rửa cá.

Tại chợ này, thức ăn nhanh hoặc thực phẩm chế biến sẵn cũng được bung ra hết cỡ. Hàng ngàn tô bánh canh, hủ tíu, chè cháo múc sẵn từ bao giờ, nằm xếp hàng trên chiếc mâm hoặc xe đẩy, mặc cho lượng xe đang lưu thông trên đường cùng hàng chục xe đưa rước công nhân của Công ty Pouyuen thi nhau phà khói, tung bụi. 

Bua com cong nhan, nham mat... qua ngay
Công nhân lót dạ bằng thức ăn đã “phơi trần” ở chợ Pouyuen trước và sau giờ làm việc

Mỗi đợt tan ca tại Công ty Pouyuen cách nhau 30 phút, chợ Pouyuen đông - vãn theo từng đợt tan ca. Cá ươn, thịt ôi, rau củ úa dập cứ nghiễm nhiên được bày bán. Vậy nhưng, chỉ trong 3 giờ của khung giờ cao điểm, từ 16 - 19g, mặt hàng nào cũng nhẵn.

Tầm 19g, “tiểu thương” hết hàng lần lượt ra về, chợ thưa dần. Đây cũng là lúc công nhân đợt cuối tan ca. Họ ùa ra chợ, “vét” từng mặt hàng còn sót. Lẫn trong đám đông, chị Thu ngần ngừ nhìn con gà đã làm sẵn duy nhất sót lại trên khay. “70.000 đồng” - người bán ngồi gần cầu số 7 (đường Trần Văn Giàu) ra giá.

Chị Thu chạm tay vào thịt, khẽ nhăn mặt rồi đưa lên mũi ngửi, nói: “Thịt gà gì nhão nhoẹt mà hôi rình”. “Thôi, 50.000 đồng, lấy đi!” - người bán nói. Chị Thu toan bỏ đi, liền khựng lại khi nghe: “30.000 đồng”. Chị mua được con gà giá 30.000 đồng mà mặt mũi buồn thiu: “Nó ươn rồi. Về ngâm nước muối diệt trùng diệt hôi rồi ăn đại”. Những mặt hàng khác bán vét cuối buổi chợ cũng đều rẻ như cho. 

Chậc lưỡi qua ngày

Năm ngoái, Viện Pasteur TP.HCM lấy mẫu để giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm tại một số chợ, kết quả, mẫu nào cũng nhiễm khuẩn E. coli vượt ngưỡng cho phép rất cao. Chưa tính bữa ăn lót dạ sau giờ làm đói mệt, hơn 90.000 công nhân làm việc tại Công ty Pouyuen với triệu triệu bữa cơm cuối ngày vẫn đang treo sinh mạng theo nguồn thực phẩm vì phải nhắm mắt, bấm bụng mua liều. Giữa cuộc mưu sinh, quỹ thời gian hạn hẹp, chợ Pouyuen trở thành nơi duy nhất họ chọn mua thực phẩm. 

Tan ca, ghé chợ, chị Thận (công nhân khu Y, Công ty Pouyuen) mất 10 phút tần ngần đi tới đi lui giữa các quầy hàng. Cuối cùng, chị quyết định dừng chân ở quầy đậu hũ. Cầm miếng đậu lên ngửi, chị trả lại, rùng mình rồi quay đi dứt khoát: “Mùi này là không còn ăn được”.

Tôi hỏi nguyên nhân cơn rùng mình, chị tình thật: “Đậu hũ ở chợ này toàn hàng tồn của chợ khác. Có lần mua về nấu ăn đại, tui phi hành tỏi thiệt nhiều, sau đó rim mặn cho bớt mùi mà vẫn không ăn được. Gắp đại một miếng lùa cơm, ăn xong đau bụng, ói ra hết”.

Chị bước sang hàng rau, mua 3.000 đồng rau má - dù úa vàng nhưng ít bị dập so với những loại rau khác. Tiếp tục qua hàng thịt, chị lật xem vài miếng thấy tái nhợt, bỏ lại. “Nấu đại rau không cho rồi” - vừa nói, chị vừa đến hàng cá. Không tìm được con cá nào ưng ý, chị chậc lưỡi: “Thôi mua đại, chứ không lẽ nhịn đói”. 10.000 đồng/5 con cá nục tươi nhất từ sạp cá, chị Thận mua thêm củ nghệ, vậy là xong buổi chợ. 

Bua com cong nhan, nham mat... qua ngay
Ở chợ Pouyuen, cá được bày bán bên cạnh đống rác hôi thối, đầy ruồi nhặng

Tôi theo chị Thận về phòng trọ, coi làm cá, xót xa chứng kiến chị cắt đôi từng con, tất thảy ươn đến nỗi không còn vương chút máu, thớ thịt đổ ra. Đem ướp nghệ cho hết mùi khai nồng của u-rê (phân đạm, được nhiều “tiểu thương” lén dùng ướp cá), chị làm món cá kho. Nồi canh lõng bõng chỉ gồm rau và nước. “Ăn vầy sao đủ chất?” - tôi ái ngại hỏi. Chị cười cười: “Thịt chiều không tươi, em thấy rồi, mua về nấu hôi lắm”.

Chị Thận chia sẻ, thực đơn bữa cơm cuối ngày hầu hết ưu tiên món trứng, hoặc luộc hoặc chiên, vì an tâm nhất. Hôm nào nhận lương, chị chơi sang, mua luôn một con cá điêu hồng còn quẫy đuôi - thứ duy nhất tươi ngon mà chị và hàng ngàn công nhân khác thấy hạnh phúc ngay từ khâu chế biến. 

Làm cho Công ty Pouyuen gần 20 năm là chừng ấy năm chị gắn với chợ Pouyuen. Chị Thận bộc bạch: “Ăn đơn giản, qua bữa còn hơn nghĩ rằng, phải ăn cho đủ chất rồi cố mua thịt mua cá, vì có bữa nấu xong phải đem đổ, hoặc ăn mà phấp phỏng lo lắng”.

Ngồi cạnh chị Thận, chị Phượng - cũng làm việc tại Công ty Pouyuen - vỗ ngực nói vui: “Bả vậy là còn giỏi chứ nhiều người, như tui nè, sau một ngày làm việc, hít đủ mùi keo mùi sơn xong, ra chợ chẳng phân biệt nổi mùi cá ươn hay thịt thiu; mà dùng mắt không thôi thì nhiều khi nhầm lẫn, nên mua đại ăn vậy”.

Đoạn chị chùng giọng, như tự an ủi mình: “Không mua đại lấy gì ăn, nhịn đói sao được! Chợ này có bán cái gì tươi mới đâu”. Bày mớ đậu cô-ve ngồi lặt, chị Phượng sành sỏi: “Mua ở chợ Pouyuen luôn đó. Đậu mới hái không trái nào mập ú như vầy đâu. Tui để ý cả trăm lần như một, trong vòng ba ngày, nó phình to bất thường, tươi rói; một tuần sau mới teo lại, bắt đầu khô quắt”.

***

Hàng trăm công nhân tôi gặp đều chung nỗi khao khát có được bữa ăn với cá tươi, thịt sạch, rau an toàn, để sức khỏe được đảm bảo. Nhưng, họ đành phải “mua đại, ăn đại” những thực phẩm trôi nổi, kém chất lượng ở chợ tạm, vì “còn cách nào khác hơn đâu?”.  

Tuyết Dân
(Còn tiếp) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI