Bác sĩ Hoàng Công Lương bị đề nghị mức án 30-36 tháng án treo

23/05/2018 - 12:20

PNO - Cuối phiên xét xử sáng ngày 23/5, VKS đã đọc bản luận tội và đưa ra mức án với 3 bị cáo Hoàng Công Lương, Bùi Mạnh Quốc, Trần Văn Sơn.

Đại diện VKS, qua lần xét hỏi công khai tại phiên tòa, toàn bộ chứng cứ thu thập đã được kiểm tra, đánh giá lại. Trên cơ sở chứng cứ đã thu thập được, qua việc thẩm tra công khai tại phiên tòa, VKS đánh giá:

Đối với bị cáo Hoàng Công Lương, bác sỹ điều trị tại đơn nguyên Thận nhân tạo - khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, VKS khẳng định: truy tố bị cáo tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999; việc truy tố này là đúng pháp luật.

Đối với bị cáo Bùi Mạnh Quốc, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh, VKS khẳng định có đủ căn cứ truy tố Quốc về tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 1999. Việc truy tố Quốc về tội danh này là cần thiết, đúng quy định của pháp luật.

Đối với bị cáo Trần Văn Sơn, nhân viên Phòng Vật tư – Thiết bị BVĐK tỉnh Hòa Bình, VKS khẳng định có đủ căn cứ để truy tố Sơn phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999, và việc truy tố này là đúng pháp luật.

Bac si Hoang Cong Luong bi de nghi muc an 30-36 thang an treo
Ba bị cáo trong vụ việc

VKS nhận định bị cáo Lương trong quá trình điều tra và xét xử đã không nhận tội nhưng có tình tiết giảm nhẹ là đã tích cực cấp cứu cho bệnh nhân, người nhà nạn nhân xin giảm nhẹ cho bị cáo. Hành vi của Quốc, Sơn, Lương là nguyên nhân dẫn đến 9 người tử vong.

VKS đề nghị BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn phải có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân. Sau khi luận tội, VKS đưa ra mức án đề nghị với các bị cáo như sau:

Bị cáo Hoàng Công Lương từ 30-36 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Bị cáo Bùi Mạnh Quốc, từ 5-6 năm tù về tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Bị cáo Trần Văn Sơn từ 4-5 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Bac si Hoang Cong Luong bi de nghi muc an 30-36 thang an treo
Bác sĩ Hoàng Công Lương rời phiên tòa

VKS cũng thừa nhận lời khai của các nhân chứng khẳng định việc sửa chữa nội dung trong sổ công tác, nhưng vẫn khẳng định bị cáo Lương là người phụ trách chuyên môn tại đơn nguyên Thận nhân tạo. 

Đáng nói, VKS cũng khẳng định không có việc mớm cung, thông cung trong quá trình điều tra nên không thể có “lời khai sinh đôi” và cho rằng có kẽ hở của Bộ Y tế và Sở Y tế Hòa Bình trong việc chạy thận nên sẽ kiến nghị về việc này. 

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình hoạt động chạy thận không phép 6 năm?

Khai tại phiên tòa, đại diện của BVĐK tỉnh Hòa Bình cho biết tại thời điểm 8/3/2010 bệnh viện đã có quyết định thành lập đơn nguyên thận nhân tạo, ngày 15/3 năm đó chính thức đi vào hoạt động. Nhưng đến ngày 20/6/2016, Sở Y tế Hòa Bình mới có quyết định phê duyệt danh mục kỹ thuật bổ sung đang thực hiện tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, trong đó có lọc máu liên tục, lọc máu hấp thụ bằng than hoạt tính… 

Đại diện của bệnh viện thừa nhận giấy phép hoạt động khám chữa bệnh của Sở Y tế cấp cho bệnh viện trước đó bị thiếu phần lọc máu liên quan đến thận.

Luật sư Nguyễn Danh Huế, đại diện cho BVĐK tỉnh Hòa Bình cho biết: "Tất cả hoạt động của đơn nguyên thận nhân tạo được chỉ đạo trực tiếp từ nguyên giám đốc Trương Quý Dương. Chắc chắn giấy phép này chưa đủ thì bệnh viện mới làm công văn xin Sở Y tế Hòa Bình cấp giấy phép hoạt động từ năm 2014 rồi 2 năm sau xin phê duyệt kỹ thuật bổ sung thêm phê duyệt danh mục kỹ thuật bổ sung chức năng lọc máu".

Tuy nhiên, từ khi phiên tòa bắt đầu, ông Trương Quý Dương đã không xuất hiện nên những thắc mắc này vẫn còn đang bị đặt dấu hỏi.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI