Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: vẫn còn gánh nặng trên tiến trình bình đẳng giới

09/11/2017 - 15:26

PNO - Chủ tịch Hội LHPN VN thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại trong thực hiện bình đẳng giới của Việt Nam, trong đó có “trần kính vô hình” là định kiến giới còn hiện diện đâu đó từ gia đình đến xã hội.

Thảo luận về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới (BĐG) tại Quốc hội, bà Nguyễn Thị Thu Hà – Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhận định, Việt Nam có nền tảng tốt để thực hiện bình đẳng giới nhưng cần quyết liệt hơn nữa trong tổ chức thực hiện.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, trong số 22 chỉ tiêu của chiến lược đề ra, có gần 2/3 tiêu không đạt và chưa thu thập được số liệu, trong đó có những chỉ hoàn toàn có thể định lượng được nhưng liên tiếp nhiều năm chưa thu thập được. Có những chỉ tiêu rất quan trọng thể hiện rõ thành công của BĐG nhưng nhiều nhiệm kỳ không đạt. Đơn cử như chỉ tiêu về tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý có 3 chỉ tiêu thì 2 chỉ tiêu không đạt, 1 chỉ tiêu không đo đếm được.

Ba Nguyen Thi Thu Ha - Chu tich Hoi LHPN Viet Nam: van con ganh nang tren tien trinh binh dang gioi
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhận định, Việt Nam có nền tảng tốt thực hiện BĐG nhưng cần thực hiện quyết liệt hơn

Một số chỉ tiêu về BĐG đạt nhưng không phản ánh thực chất vấn đề: “Ví dụ chỉ tiêu về nạo phá thai đang được đánh giá đạt và vượt kế hoạch nhưng đây mới là thống kê ở hệ thống y tế công không phải con số thực. Không những thế, tỷ lệ phá thai của VN vẫn cao so với thế giới, đặc biệt là phá thai ở tuổi vị thành niên”, bà Nguyễn Thị Thu Hà phân tích.

Theo đó, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên là quyền bình đẳng của phụ nữ được quy định trong Hiến pháp, pháp luật tương đối đầy đủ, nhưng trong tổ chức thực hiện, các quyền ấy không được lồng ghép giới; cơ hội trúng cử của phụ nữ tại bầu cử Quốc hội khóa XIV thấp hơn nam giới...

“Bức trần kính vô hình với bản chất là định kiến giới còn hiện diện đâu đó từ gia đình đến xã hội vẫn là rào cản mà nhìn bề ngoài không thấy, khó thấy nhưng không dễ vượt qua; tư tưởng trọng nam hơn nữ, nam ngoại nữ nội, nam trưởng nữ phó, nghĩ đến lãnh đạo nghĩ đến nam giới... cho thấy đường xa, gánh nặng trên tiến trình BĐG”, bà Hà chia sẻ.

Vấn đề lao động của nữ giới cũng được nhiều đại biểu quan tâm khi đề cập đến khía cạnh BĐG. Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh, theo Tổ chức lao động quốc tế - ILO, 86% công nhân trong ngành dệt may, da giầy có nguy cơ thất nghiệp khi tự động hoá mà trong ngành này thì đa phần là lao động nữ. Do đó, Chính phủ cần nghiên cứu tác động của cuộc cách mạng 4.0 với lao động nữ để có giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, có giải pháp bảo vệ quyền của phụ nữ khi nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018...

Phát biểu tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác phụ nữ và BĐG; rà soát bất cập và sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định đảm bảo nguyên tắc quyền và bình đẳng cho cả nam và nữ. Chính phủ định cũng cần công bố chỉ số giới quốc gia; tạo nguồn cán bộ nữ dài hạn...

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định, trong bối cảnh phụ nữ của VN còn gặp nhiều khó khăn, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới để tiến tới sự công bằng vẫn đóng vai trò quyết định trực tiếp đến mục tiêu BĐG ở Việt Nam.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI