Tương lai của tiền tệ không thuộc về Bitcoin

03/05/2018 - 13:08

PNO - Cuộc chơi Bitcoin từng có nhiều ngộ nhận, nhiều hoang tưởng. Khác với dự định ban đầu của những người thiết kế hệ thống Bitcoin, Bitcoin không còn là tiền và đang tạo ra giá trị ảo giống như các cuộc chơi "thổi bong bóng" trên...

Vào giữa năm 2010, khi hệ thống thanh toán Bitcoin xuất hiện, trong các giao dịch đầu tiên, 10.000 Bitcoin đã được dùng để mua hai bánh pizza có giá 25 USD. Từ giá 0.0025 USD cho một Bitcoin, trong cơn sốt bắt đầu từ giữa năm 2017, có lúc mỗi Bitcoin lên giá gần 20.000 USD.

Nay cơn sốt lui dần, mỗi Bitcoin có giá gần 9000 USD (trên 200 triệu VND, 4/2018). Tuy vậy, vẫn có những nhận định lạc quan về tương lai của Bitcoin. Chamath Palihapitiya, một thành viên của ban giám đốc PayPal, tiên đoán mỗi Bitcoin sẽ có giá 100.000 USD trong ba hoặc bốn năm tới và đạt mức một triệu USD hai mươi năm sau.

Tuong lai cua tien te khong thuoc ve Bitcoin

Thoạt nhìn, Bitcoin tương tự tiền ảo trong nhiều trò chơi trực tuyến, thường được mua bằng tiền thực, dùng để thanh toán qua mạng trong phạm vi nhất định. Tại Việt Nam, việc mua bán Bitcoin qua các máy ATM hoặc qua điện thoại không còn là chuyện lạ. Tại các quốc gia không công nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán hợp pháp, giao dịch Bitcoin gần giống như... mua bán hàng cấm, thường cần người "dẫn mối".

Trong buổi ban đầu, những người khởi xướng Bitcoin giới thiệu Bitcoin như một hệ thống thanh toán toàn cầu cực kỳ "trơn": Người giao dịch hoàn toàn vô danh, không chịu phí giao dịch và mỗi Bitcoin có thể chia nhỏ vô hạn để dùng cho mọi nhu cầu mua bán. Có ý kiến cho rằng Bitcoin là phát minh vĩ đại của thời đại kỹ thuật số như bản thân mạng Internet, Bitcoin là tương lai của tiền tệ.

Để bảo đảm tính xác thực của việc gửi/nhận Bitcoin, bảo đảm không có gian lận, không có trường hợp tùy tiện tạo ra Bitcoin mới hoặc "Bitcoin giả" (như trường hợp tiền giấy), hệ thống Bitcoin thực hiện những phép tính nặng nề, đòi hỏi phải có máy tính mạnh. Mỗi người tự nguyện dùng máy tính của mình tham gia vào hệ thống máy tính phân tán toàn cầu của Bitcoin là một bước củng cố tính chặt chẽ của giao dịch Bitcoin.

Đối với người bình thường, chuyện làm quen với Bitcoin bắt đầu bằng việc cài đặt ứng dụng thích hợp cho điện thoại và sử dụng dịch vụ của các công ty kinh doanh Bitcoin. Điều này tương tự việc mua vàng tại tiệm vàng.

Theo thời gian, khi số lượng giao dịch Bitcoin được lưu giữ trong hệ thống ngày càng tăng, giao dịch Bitcoin được thực hiện ngày càng chậm. Giao dịch "trong chớp mắt" thuở ban đầu nay phải mất nhiều giờ. Hình dung về hệ thống thanh toán không chịu phí giao dịch đã không còn đúng trong thực tế. Phí giao dịch Bitcoin cũng không ổn định như giá Bitcoin, từng vọt lên gần 60 USD cuối năm 2017, nay rơi "tự do" xuống gần 1 USD.

Sau cơn sốt trong năm 2017, giá Bitcoin giảm "ngoạn mục". Tuy vậy, kỳ vọng tăng giá Bitcoin trong tương lai khiến những người từng chi tiêu bằng Bitcoin hầu như đều tiếc rẻ. Khi người giữ Bitcoin không muốn bán Bitcoin để chờ giá lên, giao dịch Bitcoin trở nên trì trệ. Bitcoin đang trở thành phương tiện cất giữ tài sản, ngày càng giống vàng hơn giống tiền.

Về nguyên tắc, không ai có thể tùy tiện tạo ra Bitcoin mới, tùy tiện định giá Bitcoin, thế nhưng trong thực tế, giá Bitcoin rất nhạy cảm với động thái của các chính phủ và hành động đầu cơ của giới tài phiệt tại các quốc gia giàu có. Đằng sau mọi sự tăng giá "kinh hoàng" luôn là lợi nhuận béo bở của số ít và thua thiệt thảm thương của số đông "chạy theo phong trào".

Ngoài ra, có một yếu tố kỹ thuật quan trọng mà những người thiết kế hệ thống Bitcoin có lẽ chưa đánh giá đúng mức: lượng điện năng tiêu thụ cho hệ thống Bitcoin. Theo ước tính của trang mạng Digiconomist, hệ thống Bitcoin hiện tiêu thụ mỗi năm lượng điện năng 32 TWh, bằng lượng điện năng tiêu thụ hàng năm của nước Đan Mạch. Mỗi giao dịch Bitcoin hiện nay tiêu thụ lượng điện năng 250 kWh, bằng lượng điện năng tiêu thụ trung bình của một ngôi nhà tại Tây Âu trong 9 ngày.

Hệ thống Bitcoin có lẽ sẽ không biến mất trong tương lai nhưng rõ ràng không thích nghi tốt với quy mô ngày càng tăng để có thể trở thành hệ thống thanh toán phổ biến toàn cầu. "Tương lai của tiền tệ" không thuộc về Bitcoin.

Ngọc Thạch

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI