Tiền thật rượu giả: nỗi bất an ngày tết

09/02/2018 - 06:34

PNO - Thời gian qua, lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều đường dây sản xuất rượu giả có quy mô lớn, nhưng hiện thị trường vẫn tràn lan. Không ít vụ ngộ độc, tử vong vì rượu liên tiếp xảy ra.

Rượu không nhãn mác bủa vây người tiêu dùng

Thống kê của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho thấy trong năm 2017 cả nước ghi nhận 10 vụ ngộ độc rượu, 119 người mắc, 115 người đi viện, 11 người tử vong. Trong đó, phần lớn là ngộ độc rượu do chứa methanol. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, đã có 12 trường hợp ngộ độc rượu methanol, trong đó 4 trường hợp tử vong.

Tại Việt Nam có hơn 320 cơ sở sản xuất rượu có quy mô lớn, cung cấp khoảng 360 triệu lít rượu/năm; các cơ sở sản xuất nhỏ có sản lượng dưới 1 triệu lít/năm, các hộ gia đình tự sản xuất ước tính khoảng 250 triệu lít/năm. Với số lượng rượu được sản xuất đồ sộ như vậy, vấn đề chất lượng, an toàn rượu bia đang là vấn đề "nóng" trong toàn xã hội.

Để kiểm soát nguồn gốc, chất lượng rượu, nhất là rượu nấu thủ công, ngày 12/11/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2012/NĐ-CP quy định về sản xuất, kinh doanh rượu (có hiệu lực từ ngày 1/1/2013).

Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm phải dán nhãn mác, đăng ký kinh doanh với chính quyền địa phương… Tuy nhiên, sau hơn 4 năm Nghị định có hiệu lực, đa phần các hộ nấu rượu thủ công vẫn không biết đến quy định này. Tình trạng buôn bán rượu không nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ vẫn tràn lan tại nhiều địa phương trên cả nước.

Khảo sát tại các chợ truyền thống, cửa hàng trên địa bàn TP.HCM rượu tự nấu (còn gọi là rượu truyền thống, rượu đế) được bày bán rất nhiều. Nhưng tất cả đều có một điểm chung là rượu chỉ đựng trong những chai hoặc thùng nhựa trong suốt, đủ kích cỡ 1 lít, 2 lít, 5 lít, không hề có nhãn mác thông tin về sản phẩm.

Từ đường Điện Biên Phủ đi vào con hẻm trong chợ Vườn Chuối (Q.3) có khoảng 3 – 4 hộ gia đình kinh doanh rượu tự nấu không nhãn mác. Ghé một điểm tại đây, rượu được đựng trong chai nước suối trắng loại 5 lít cáu bẩn, để lẫn lộn giữa các chai nước rửa chén khác, trông rất nhếch nhác.

Mặc dù vậy, cửa hàng này vẫn rất thu hút khách, cứ chốc chốc lại có người đến lấy rượu, hầu như khách đều lấy thùng 5 lít. Theo người bán, rượu này được làm từ gạo men thuốc bắc nguyên chất 100%, không pha chế cồn nên đảm bảo an toàn tuyệt đối. Tại đây có hai loại rượu: rượu nhẹ để uống có độ cồn từ 12 – 16%, rượu mạnh để ngâm thuốc có độ cồn từ 40 – 45%, tất cả đều có giá 38.000đ/lít.

Tien that ruou gia: noi bat an ngay tet
Rượu tại một điểm bán trong chợ Vườn Chuối (Q.3) được đựng trong thùng cáu bẩn, để lẫn nước rửa chén.

Bát nháo nhất vẫn là rượu tự ngâm vì đồn thổi có công dụng “một người uống, hai người vui”. Hầu như ai cũng có thể tự mua nguyên liệu gồm các loại thảo dược, rượu trắng, tự ngâm thành rượu thuốc rồi đem bán.

Tại các quán ăn, nhà hàng đều có rượu tự ngâm với đủ chủng loại, từ rượu rắn, đến rượu thuốc, rượu táo mèo… với giá từ 35.000 – 65.000đ/lít. Công thức ngâm do người bán tự “phát minh”, đồn thổi là chính; riêng rượu dùng để ngâm thì chất lượng bị bỏ ngỏ.

Sau khi rượu ngâm thành phẩm thường được để trong các bình, lọ với những kiểu dáng, màu sắc khá bắt mắt. Và có đến gần như 100% các loại rượu này không được dán tem, không đăng ký chất lượng sản phẩm.

Khi hỏi: “Có biết kinh doanh rượu không nhãn mác sẽ bị xử phạt”, hầu hết những người bán đều cho rằng: xưa nay rượu tự nấu hoặc rượu ngâm đều bán như vậy, chưa từng bị nhắc nhở hay xử phạt gì cả!

Rượu ngoại: thật giả khó phân biệt

Hiện rượu ngoại trên thị trường có hàng trăm loại, từ dòng cao cấp giá 2 – 3 triệu đồng/chai đến các dòng bình dân chỉ khoảng 100.000 – 500.000đ/chai.

Tien that ruou gia: noi bat an ngay tet
Rượu ngoại trên thị trường khó phân biệt thật giả.

Tuy nhiên, có một thực trạng, giá rượu ngoại hiện nay rất “loạn”, cùng là một loại nhưng mỗi cửa hàng bán mỗi giá khác nhau.

Chẳng hạn, trong khi tại các siêu thị, rượu Chivas loại 18 năm được bán với giá 1,7 triệu đồng/chai thì tại cửa hàng V.C trong hẻm 50 Nguyễn Đình Chiểu (Q.Phú Nhuận) chỉ bán với giá 1,2 triệu đồng/chai. Cửa hàng này lý giải: Trong siêu thị phải chịu thuế giá trị gia tăng nên giá cao. Còn tại cửa hàng, do mua được lượng hàng lớn, không chịu thuế nên có giá rẻ.

Theo tìm hiểu, trên mỗi sản phẩm tại đây đều có tem chống giả nhưng khi hỏi về hóa đơn thì người bán cho biết đó là “hàng xách tay” nên không có hóa đơn. Quả thật, mua rượu này, người tiêu dùng đánh cược rất lớn bởi theo những đầu nậu kinh doanh rượu thì rượu xách tay có khả năng bị trà trộn hàng giả và “lên đời” là rất cao. Bởi hiện tại chợ Kim Biên (Q.5) có sẵn một cửa hàng chuyên cung cấp vỏ chai rượu ngoại với giá rất rẻ, có đủ hàng trăm chủng loại trên khắp thế giới.  

Tien that ruou gia: noi bat an ngay tet
Ngay cả rượu giả cũng có tem chống giả khiến người tiêu dùng "rối bời bời".

Nhiều cửa hàng bán rượu ngoại lấy lòng tin của người mua bằng cách quảng cáo sản phẩm có gắn tem vỡ của hải quan – dễ vỡ khi người dùng bóc hoặc mở niêm phong. Không ít người mua dựa vào yếu tố này để đánh giá sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ hay hàng trôi nổi.

Nhưng thực tế, hiện nay trên thị trường tràn ngập các cửa hàng rao in tem vỡ chống giả của hải quan, thậm chí của bộ công an. Trong khi đó, những cửa hàng này không có chức năng, không được cấp phép in tem chống giả. Chính vì vậy, hơn ai hết người tiêu dùng chính là người chịu thiệt, không tài nào phân biệt được rượu thật hay giả bởi ngay cả hàng giả cũng có tem chống giả.

Ngộ độc, tử vong vì rượu giả, rượu kém chất lượng

Thị trường rượu giả, rượu kém chất lượng tràn ngập nhưng lực lượng chức năng còn quá mỏng nên việc quản lý rượu tự nấu, rượu ngoại không dễ. Việc kiểm tra của cơ quan chức năng chỉ mới dừng lại ở các cơ sở kinh doanh rượu đã được cấp phép.

Đầu tháng 11/2017, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4A, thuộc Chi cục QLTT TP.HCM phối hợp với Công an xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh triệt phá thành công dây chuyền sản xuất rượu giả quy mô lớn do Cty TNHH HAVA sản xuất, không dán tem rượu theo quy định. Trong đó có trên 1.700 chai rượu bông lúa vàng nếp mới, trên 1.500 chai rượu chuối hột, 840 chai rượu rhum Maxime.

Ngoài ra còn có gần 1.600 chai rượu champagne Spakking Wine do Cty TNHH SX TM SPT sản xuất sử dụng tem giả. Tiếp tục kiểm tra Chi nhánh Cty TNHH Thương mại HAVA ở Phường Bình Hưng Hòa B, Quận Bình Tân, đoàn kiểm tra phát hiện tại chi nhánh đang chứa khoảng 80.750 chai rượu công nghiệp các loại do chính công ty sản xuất, trên 3.400 tem rượu sản xuất trong nước ≥ 20 độ.

Tien that ruou gia: noi bat an ngay tet
Mỗi tháng quản lý thị trường TP.HCM bắt hàng trăm vụ vi phạm liên quan đến rượu nhưng rượu giả, lậu vẫn tràn lan.

Ông Nguyễn Văn Bách – Chi cục phó Chi cục quản lý thị trường TP.HCM cho biết, tháng nào Chi cục cũng phát hiện hàng trăm vụ vi phạm liên quan đến rượu. Sản phẩm rượu bị tịch thu, tiêu hủy phần lớn là rượu gạo, rượu sâm, rượu nếp, rượu trắng, rượu thuốc, rượu ngoại, men rượu…

Nguồn nguyên liệu sản xuất rượu hiện nay đa phần là trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn hiệu. Trong đó, độc nhất là các loại men nấu rượu để tạo mùi hương, nếu sử dụng chúng không cần phải nấu chín gạo thành cơm rồi ủ thành men giống như trước đây và chúng rất độc cho sức khỏe người sử dụng.

TS Phan Thế Đồng – Khoa Khoa học công nghệ, ĐH Hoa Sen cho biết, hầu hết các cơ sở nấu rượu, pha chế rượu đều không trang bị dụng cụ pha chế đúng theo quy định. Nếu quá trình lên men rượu không đảm bảo, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng rượu mà có thể sinh ra chất độc.

Chưa kể, các loại chai lọ, can nhựa đựng rượu cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc vì có thể sinh ra chất phthalates. Chất này không tạo bất kỳ liên kết hóa học nào với nhựa cho nên các chất này rất dễ thoát ra ngoài sản phẩm nhựa chứa chúng để đi vào môi trường và cơ thể người, động vật, đặc biệt là khi sản phẩm nhựa bị lão hóa do thời gian sử dụng lâu hoặc do sự tác động của các yếu tố môi trường (nhiệt độ, ánh sáng, …). Rượu là dung môi hòa tàn, có thể hòa tan tất cả các chất, nếu thùng nhựa chứa sinh ra chất độc thì sẽ rất dễ thôi nhiễm vào rượu.

“Đáng sợ, vì lợi nhuận có nhiều người không nấu rượu bằng gạo mà pha từ cồn ethanol. Khi uống rượu này sẽ gây ngộ độc, có thể mù mắt hoặc thậm chí dẫn đến tử vong. Nếu sau khi uống rượu mà có dấu hiệu như đau đầu, chóng mặt, nôn ói… đó là dấu hiệu của ngộ độc rượu, lúc này cần đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt” -  TS Phan Thế Đồng cảnh báo.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI