Thuê bao di động cũng cần được… 'giải cứu’

11/04/2018 - 08:36

PNO - Ngày càng gần tới hạn chót 24/4/2018 để các thuê bao di động hoàn chỉnh thông tin cá nhân của mình cho các nhà mạng theo Nghị định 49/2017 của Chính phủ. Người tiêu dùng đang cảm thấy thật là phiền…

Ngày càng gần tới hạn chót 24/4/2018 để các thuê bao di động hoàn chỉnh thông tin cá nhân của mình cho các nhà mạng theo Nghị định 49/2017 của Chính phủ. Người tiêu dùng đang cảm thấy thật là phiền…

Mà không phiền sao được khi tất cả các thuê bao di động trả trước và trả sau đều phải xách giấy tờ tùy thân (giấy chứng minh nhân dân, giáy căn cước công dân hay hộ chiếu) tìm đến tận cơ sở dịch vụ của nhà mạng để bổ sung.

Ngặt nỗi là trong thời đại công nghệ thông tin kết nối này mà nghị định của Chính phủ vẫn quy định: "Việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung chỉ được thực hiện tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông" cố định hay lưu động của chính nhà mạng.

Nghị định 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ ký và có hiệu lực ngay ngày 24/4/2017 nhằm sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Thue bao di dong cung can duoc… 'giai cuu’
 

Theo Nghị định này, mỗi số điện thoại di động chỉ được cấp cho một thuê bao cụ thể với quy trình ký kết hợp đồng nhằm quản lý chặt chẽ SIM đó.

Nghị định quy định mức phạt tiền rất nặng cho các nhà mạng vi phạm việc bán SIM không có hợp đồng hay hợp đồng không hợp chuẩn. Còn riêng với người dùng, SIM sẽ bị khóa một chiều nếu như không thực hiện sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên nhà mạng gửi thông báo yêu cầu chủ thuê bao hoàn chỉnh thông tin. SIM sẽ bị tạm khóa 2 chiều 15 ngày sau đó nếu như chủ thuê bao vẫn không thực hiện yêu cầu. Và 30 ngày sau khi SIM đã bị tạm khóa 2 chiều mà chủ thuê bao vẫn chưa thực hiện hoàn chỉnh thông tin, nhà mạng sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông cho số SIM đó.

Thật ra, việc hoàn chỉnh thông tin thuê bao và ký hợp đồng thuê bao đã được các nhà mạng tiến hành gần cả năm nay, kể từ sau khi Nghị định 49/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 24/4/2017. Các thuê bao trước ngày đó chỉ phải bổ sung thông tin và làm thủ tục như thuê bao mới nếu như thông tin đã cung cấp không đủ hay thiếu chính xác. Các thuê bao mới sau ngày đó đều phải làm hợp đồng theo mẫu, cung cấp thông tin đầy đủ và được chụp ảnh chân dung.

Có thể nói rằng, việc cung cấp thông tin cá nhân khi đăng ký SIM là cần thiết và nước nào cũng làm. Chỉ có việc chụp ảnh thuê bao là chuyện rất ít nước thực hiện.

Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin – Truyền thông giải thích: "Theo quy định, ảnh chụp người đến trực tiếp sẽ là bằng chứng xác thực nhất để bảo đảm đúng người, đúng thời gian thực hiện, tránh được tình trạng các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cố tình sử dụng giấy tờ của một cá nhân để đăng ký thông tin thuê bao cho các SIM thuê bao khác (mà cá nhân đó không biết) trong khi doanh nghiệp chưa có đủ công cụ để phát hiện như đã xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh Nghị định đã lược bỏ quy định về giới hạn số SIM thuê bao".

Trong thực tế, quy định chụp ảnh thuê bao này gây nhiều phiền toái cho cả thuê bao lẫn nhà mạng. Bởi lẽ việc ghi nhận, bổ sung và lưu trữ thông tin cá nhân dạng chữ đơn giản rất nhiều so với hình ảnh. Và rõ ràng đây là một việc đẩy cái khó về cho người tiêu dùng.

Có một điều cần lưu ý là theo hướng dẫn của Bộ Thông tin – Truyền thông, quy định chụp ảnh chỉ áp dụng cho các thuê bao phát triển mới hoặc các thuê bao có thông tin không chính xác, phải đi đăng ký lại. Đối với các thuê bao mà doanh nghiệp có sở cứ là thông tin đã chính xác (thí dụ thuê bao trả sau, thuê bao chuyển từ trả sau sang trả trước, thuê bao mới đăng ký lại thông tin theo đúng qui định trong thời gian vừa qua) thì không cần chụp ảnh.

Trong khi các cơ quan chức năng nhấn mạnh rằng Nghị định 49/2017/NĐ-CP giúp tăng cường an ninh quốc gia và bảo vệ thuê bao, có một hiệu quả thấy rõ ràng là vấn nạn SIM rác sẽ có cơ sở để được giải quyết một cách triệt để hơn. Có một điều cần chú ý là nghị định này đã bải bỏ việc giới hạn số SIM mà một thuê bao có thể sở hữu, miễn là SIM nào cũng phải được đăng ký rõ ràng.

Thực tế ghi nhận là dường như việc bổ sung thông tin thuê bao không được làm rốt ráo trong cả năm nay mà chỉ vào cao trào trong những ngày cuối có thể gây quá tải và làm cho thuê bao cảm thấy nặng nề, bị thúc ép. Một thực tế khác là có không ít thuê bao ở vùng sâu vùng xa hay là những người lớn tuổi sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu như phải bổ sung thông tin ngay tại cơ sở của nhà mạng.

Bất luận thế nào, sau gần một năm Nghị định 49/2017/NĐ-CP ra đời và có hiệu lực thi hành rồi, người ta phải chấp hành các quy định cho tới khi nào có những thay đổi từ những phản hồi hợp tình hợp lý của xã hội và được cơ quan chức năng chấp nhận. Vấn đề ở đây là các nhà mạng cần có những cách làm như thế nào để đem lại sự thuận tiện tối đa cho các thuê bao của mình.

Công bằng mà nói, chính cách làm thiếu nghiêm túc của nhà mạng trước đây đã tạo ra những rắc rối, phiền toái như thế này.

Phạm Hồng Phước

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI