Tâm lý sính ngoại khiến hàng Việt thất thế

21/06/2018 - 09:00

PNO - Không ít người tiêu dùng tin rằng, hàng nhập khẩu luôn có chất lượng cao hơn hàng nội địa.

Ngoại nhập sôi động, nội địa đìu hiu

Tại chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh các sản phẩm cho phụ nữ và trẻ em, cùng một sản phẩm cháo đóng gói dành cho trẻ ăn dặm là cháo vị cá hồi và rau bina (cải bó xôi) dùng cho trẻ từ 10 tháng tuổi, loại cháo mang thương hiệu Picnic Baby nhập khẩu từ Thái Lan và loại cháo tươi của Công ty cổ phần Sài Gòn Food với thông số về thành phần, giá trị dinh dưỡng trên bao bì tương đương nhau, nhưng hàng nhập từ Thái Lan có giá 69.000 đồng/bịch 120g, trong khi hàng trong nước có giá chỉ 25.000 đồng/kg.

Theo nhân viên bán hàng ở đây, sản phẩm nhập khẩu vẫn được khách hàng chuộng hơn. Hầu hết họ cho rằng, hàng nhập khẩu tuy giá cao nhưng an tâm về chất lượng hơn hàng trong nước. 

Tam ly sinh ngoai khien hang Viet that the
Nhiều doanh nghiệp ngoại nắm bắt tâm lý tiêu dùng của người Việt để đẩy mạnh hàng hóa vào.

Chị Trần Thị Hồng Hạnh - nữ nhân viên kinh doanh của một công ty bảo hiểm tại Q.1, TP.HCM - chia sẻ, khi chọn sữa tươi, chị chỉ chọn sữa nhập từ New zealand hay Úc chứ không chọn sữa từ các nhà sản xuất trong nước, vì chị nghe nhiều đồng nghiệp chia sẻ rằng, các nhà sản xuất trong nước thường nhập sữa bột về pha loãng (hoàn nguyên) và bán như sữa tươi.

Hiện đang có một nghịch lý gây xôn xao làng mạng là giá dứa (khóm) trong nước chỉ 1.000 - 3.000 đồng/trái tại ruộng mà không bán được, trong khi dứa nhập từ Đài Loan về với giá 300.000 đồng/trái mà không đủ hàng để bán. Cách đây không lâu, cũng rộ lên thông tin mứt vỏ bưởi Thái Lan nhập về Việt Nam bán lẻ 500.000 - 600.000 
đồng/kg, trong khi vỏ bưởi trong nước phần lớn chỉ dùng để làm rác, vì có vài doanh nghiệp dùng làm mứt nhưng doanh số không đáng kể.

Xuất khẩu trước, chinh phục khách hàng trong nước sau

Giám đốc một doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong lĩnh vực thiết bị vệ sinh tại TP.HCM chia sẻ, thời gian đầu đưa sản phẩm ra thị trường, doanh nghiệp của ông lấy thương hiệu thuần Việt, nhưng doanh số không như kỳ vọng nên phải đặt lại tên cho “Tây” một chút. Doanh số từ đó cũng thay đổi rõ rệt.

Mới đây, có dịp qua cửa khẩu Móng Cái, sang phía Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc), tại một quán có tên “Cà phê Sài Gòn”, ông thấy ly cà phê rẻ nhất cũng có giá 180.000 đồng, là loại cà phê hòa tan đóng gói, dùng để pha sẵn.

Ông càng ngạc nhiên khi đối tác phía Trung Quốc cho biết, rất nhiều khách du lịch, người làm ăn buôn bán từ sâu trong nội địa Trung Quốc đến Đông Hưng ghé mua những gói cà phê Việt Nam như một thứ quà tặng hiếm, đắt đỏ.

Trong thời gian ít ỏi ngồi tại quán, ông chứng kiến rất nhiều khách ghé quán mua cà phê xay tại chỗ mang về, từ một vài cân đến năm bảy cân. Trong khi đó, cà phê cùng loại tại Việt Nam lại rẻ như cho.

Đem chuyện gói cháo tươi đóng bịch trao đổi trực tiếp với nhà sản xuất, bà Lê Thị Thanh Lâm - Tổng giám đốc Sài Gòn Food, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ Hàng nội địa, Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam - thừa nhận, vẫn tồn tại tâm lý sính ngoại với nhiều ngành hàng chứ không riêng sản phẩm của Sài Gòn Food.

Phải mất hơn ba năm, những sản phẩm ăn liền của Sài Gòn Food mới thuyết phục người tiêu dùng. Theo bà Lâm, với giá bán của những sản phẩm ngoại nhập như hiện nay, chỉ các nhà sản xuất nước ngoài hưởng lợi, còn người tiêu dùng Việt phải chịu giá cao, trong khi công nghệ, chất lượng, độ an toàn của sản phẩm trong nước và nhập khẩu tương đương nhau. 

Ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc Công ty Vinamit - cho rằng, tâm lý sính ngoại trong ngành hàng tiêu dùng tồn tại từ lâu nay. Dòng sản phẩm sấy khô của doanh nghiệp ông thời kỳ đầu xuất hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Thậm chí, người tiêu dùng còn đặt vấn đề, tại sao trái cây không ăn tươi mà phải sấy khô. Đó cũng là một trong những lý do khiến ông đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Khi sản phẩm của Vinamit được biết đến tại nhiều nước, ông mới đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và kết quả khả quan hơn nhiều. Cũng từ kinh nghiệm này, tại rất nhiều diễn đàn về khởi nghiệp, ông Viên đã gợi ý cho những người trẻ bán sản phẩm của mình ra nước ngoài trước, khi có thương hiệu rồi mới đẩy mạnh thị phần trong nước. 

Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) vào tháng 1/2018, tỷ lệ người tiêu dùng Việt yêu thích hàng Việt giảm 18% và tỷ lệ thường mua các sản phẩm trong nước giảm 22%.

Nguyên nhân là do các nhà sản xuất từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc đã khai thác tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng Việt. Khảo sát của BSA cũng chỉ ra thực tế: nhiều doanh nghiệp trong nước không minh bạch và thiếu chân chính với sản phẩm do mình sản xuất ra, gây ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt trong lòng người tiêu dùng. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI