Ngành hàng thịt heo: Doanh nghiệp nội chậm chân

16/11/2017 - 00:05

PNO - Trong ngành hàng thịt heo, doanh nghiệp nội lâu nay chỉ làm phần ngọn là giết mổ, bán lẻ, chế biến, trong khi doanh nghiệp ngoại đầu tư để có nguồn heo thịt an toàn.

Khi cần bán lẻ, doanh nghiệp ngoại chỉ cần liên kết với hộ dân nên đã đỡ đi rất nhiều chi phí…

Doanh nghiệp ngoại luôn chủ động về giá

Với ngành hàng thịt heo bán lẻ từ trước đến nay, tiểu thương ở các chợ vẫn chiếm vai trò chủ đạo. Doanh nghiệp (DN) bán lẻ mặt hàng này quanh đi quẩn lại cũng chỉ có Vissan, Sagri nhưng chỉ bán tại các cửa hàng của mình và một số siêu thị. 

Rất nhiều DN chăn nuôi lớn của nước ngoài như CP, Greenfeed, Japfa… đã có mặt tại Việt Nam nhiều năm qua và có số lượng heo lớn, nhưng chỉ tập trung vào mảng thức ăn chăn nuôi, con giống, thuốc thú y.

Các DN này có đầu ra riêng, mỗi ngày đều xuất chuồng một lượng lớn heo thịt, bán cho các DN giết mổ, thương lái và cả cho các đầu mối mua heo xuất đi Trung Quốc. 

Nganh hang thit heo: Doanh nghiep noi cham chan
Doanh nghiệp ngoại bắt đầu tham gia sâu vào phân khúc bán lẻ thịt.

Ngoài ra, họ cũng làm việc với một số cơ sở giết mổ đủ tiêu chuẩn để thuê gia công nhằm giết mổ một lượng lớn heo thịt của DN mình để cung cấp thịt cho các nhà máy chế biến thực phẩm. 

Nhiều thương lái rất chuộng nguồn heo này do chất lượng đồng đều, các trại heo đều có chứng nhận VietGAP, đáp ứng các thủ tục kiểm soát của cơ quan chức năng; thịt có thể vào siêu thị, hay ra các cửa hàng bán sản phẩm an toàn.

Nếu nhìn vào đường đi của sản phẩm giữa DN nội và ngoại, có thể thấy trong chuỗi giá trị ngành hàng thịt heo, các DN ngoại đi từ gốc (con giống - thức ăn - thuốc thú y - heo thành phẩm - thịt và thực phẩm chế biến); các DN nội thì chỉ làm phần ngọn là giết mổ, bán lẻ, chế biến, hầu hết chưa tự túc được nguồn heo thịt.

Ngay cả với DN lớn như Vissan, phần lớn lượng heo giết mổ cũng chỉ được thu mua từ các hộ nuôi, và gần đây mới mở rộng việc lập các trang trại tại tỉnh Bình Phước, nhằm chủ động nguồn heo thịt. 

Sự khác biệt này làm cho khi có biến động thị trường, DN nội và ngoại có phản ứng khác nhau rõ rệt. Trong đợt khủng hoảng thừa heo vừa qua, giá heo hơi giảm nhanh nhưng Vissan, Sagri, Anh Hoàng Thy… điều chỉnh giá bán thịt rất chậm, trong khi một số DN ngoại có thể chủ động mang thịt heo ra bán với giá lẻ.

Đẩy mạnh bán lẻ bằng mô hình liên kết

Ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam - cho rằng, trước đây, người tiêu dùng có thói quen sử dụng thịt nóng, thích mua thịt vừa được giết mổ, nhưng thói quen này dần thay đổi, khi ngày càng nhiều người nhận ra rằng, mua những miếng thịt như vậy là không đảm bảo an toàn thực phẩm. Vậy nên, xu hướng mua thịt heo tươi tại siêu thị, cửa hàng bán lẻ có thiết bị bảo quản mát, thậm chí là đông lạnh ngày càng phổ biến.

Hầu hết các DN trong và ngoài nước đều hiểu rõ xu thế này. Nhiều DN trong nước như Vissan, Anh Hoàng Thy, Anova và nhãn hàng riêng của siêu thị đang ra sức tìm cách chen chân giành thị phần tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Nỗ lực đáng ghi nhận mới đây là Công ty Anova công bố sở hữu trại heo đầu tiên trong cả nước đạt chứng nhận Global GAP, có thể xuất khẩu thịt heo đi các nước.

Nganh hang thit heo: Doanh nghiep noi cham chan
Với ngành hàng thịt heo bán lẻ từ trước đến nay, tiểu thương ở các chợ vẫn chiếm vai trò chủ đạo.

Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện cần, bởi để xuất khẩu, miếng thịt từ những con heo đó phải được giết mổ trong một nhà máy công nghiệp hiện đại. Vì vậy, dù có chứng nhận từ tổ chức uy tín, nhưng ban đầu, thịt heo của Anova vẫn chỉ đi qua kênh chợ đầu mối (mà qua kênh này, heo có chứng nhận hay không, cũng đều được tiểu thương bày bán như nhau). Mất đúng một tháng sau, thịt heo Global GAP mới có mặt được trong chuỗi siêu thị Co.opmart. 

Trong khi đó, các DN ngoại cũng bắt đầu tham gia sâu vào phân khúc bán lẻ thịt heo nhưng lại chọn đường đi khác hẳn với DN nội. Đúng thời điểm thị trường cần đến nguồn thịt tươi an toàn, một DN ngoại đã “tung chiêu” liên kết với hộ gia đình, cá nhân, những người có nhu cầu khởi nghiệp với số vốn thấp (chỉ từ 50 triệu đồng).

Họ tự kiếm mặt bằng là nhà ở, ki-ốt trong chợ ở vị trí có thể buôn bán được; công ty sẽ cho người khảo sát, ký hợp đồng, thiết kế cửa hàng, đặt tủ mát; hàng ngày, công ty sẽ chở heo mảnh xuống cho chủ nhà bán. 

DN ngoại cũng chú ý tập quán mua sắm của người tiêu dùng Việt. Tại một cửa hàng trên đường Hiệp Bình, P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức, TP.HCM, chúng tôi thấy thịt được để trong tủ mát, dưới lớp kính, miếng thịt luôn tươi rói; khách muốn mua miếng nào thì chỉ miếng đó; nhân viên sẽ cắt, đóng bao hoặc đưa vào hộp, phủ màng bọc thực phẩm. 

Ông Bạch Đăng Quang - Phó giám đốc Hợp tác xã Tân Hiệp - cho rằng, ông và nhiều chủ DN khác nhận rõ thói quen tiêu dùng ngành hàng này ngày càng thay đổi nên đã mạnh dạn cùng nhau đầu tư mấy trăm tỷ đồng làm nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại.

Một nhà máy hiện đại sẽ đảm bảo chất lượng miếng thịt bán ra thị trường, đồng thời hệ thống kho lạnh của nhà máy có thể trở thành nơi dự trữ thịt heo khi nguồn cung trong dân dư thừa.

Tuy nhiên, mong muốn một đằng, thực tế một nẻo. Nhà nước muốn DN trong nước lớn mạnh, làm ăn bài bản nhưng lại không chịu loại bỏ các lò mổ truyền thống. Đây cũng chính là lý do khiến các DN có vốn nước ngoài (FDI) không dám bỏ tiền xây dựng những nhà máy giết mổ công nghiệp, hiện đại. 

Trong cuộc đua giành thị phần này, để chiến thắng, DN Việt Nam nhất thiết phải có chiến lược bài bản và năng động hơn nữa.  

DN ngoại không cần phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ, không cần chen chân vào các siêu thị, cũng không cần bỏ ra vài trăm tỷ đồng xây nhà máy giết mổ. Họ chọn thuê các cơ sở giết mổ đủ điều kiện, thịt heo giết mổ xong thì chở thẳng đến cửa hàng.

Với cách hợp tác như trên, họ cũng không phải trang trải tiền thuê mặt bằng, nhân công, chi phí điện nước cho cửa hàng mà sức cạnh tranh lại hơn hẳn các sạp bán thịt nóng ngoài chợ. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI