Mùa khuyến mại ảo: Hãy là người tiêu dùng thông minh

24/11/2017 - 14:30

PNO - Đành rằng khuyến mại bình thường có mục đích cuối cùng và bền vững là để bán được hàng, đặc biệt là những món hàng đang bán chậm. Nhưng không ít người bán chụp giựt chơi những chiêu khuyến mại ảo lòe khách hàng.

Có thể nói rằng, những cái chiêu trò khuyến mại ảo, giả mà như thật, thật nhưng là giả, bao năm nay vẫn đến hẹn lại lên vào những mùa khuyến mại, đại hạ giá trong năm. Không ít nhà kinh doanh lợi dụng cái thời điểm mà người mua hừng hực khí thế, hoa mắt sôi máu săn hàng giảm giá dễ mất cảnh giác mà chơi chiêu trò.

Phổ biến nhất là chiêu giá ảo. Vài ba ngày hay một tuần trước thời điểm bắt đầu khuyến mại, cửa hàng lặng lẽ thay các biển giá mới, nâng giá lên cao hơn bình thường. Sau đó, tới ngày khuyến mãi, họ cho gạch chéo cái giá đó để ghi đè lên cái giá gọi là khuyến mại. Nếu so sánh giữa hai giá, khách hàng choáng ngợp niềm vui gặp được giá quá hời, chẳng tiếc tiền vung ra.

Chiêu nâng giá lên rồi hạ giá xuống gọi là khuyến mại này luôn có hiệu quả đối với những người mới ghé qua mua sắm. Còn với những khách hàng cũ đã dạn dày, chiêu này bị bóc phốt ngay trong vòng một hai nốt nhạc. Nhưng có hề chi, cửa hàng vẫn bán được cho những "con nai vàng ngơ ngác" kia mà.

Mua khuyen mai ao: Hay la nguoi tieu dung thong minh
Nhiều người tranh thủ mua hàng những dịp khuyến mại để tiết kiệm chi phí. Ảnh minh họa.

Mà không phải chỉ có dân Việt mình mới chơi chiêu đó đâu. Trong một lần ghé bang Colorado (Mỹ) thăm thầy cô và bạn bè mình, tôi được ông thầy chở đi shopping hàng giảm giá ở mấy cái mall. Thấy tôi trầm trồ, xuýt xoa trước những giá hàng giảm hàng chục phần trăm, ông thầy cảnh báo rằng: có những cửa hàng chơi chiêu lặng lẽ tăng giá mấy bữa trước sau đó công bố giảm giá cho thiên hạ khoái. Giá bán khuyến mại thấy có giảm nhiều so với giá niêm yết trước đó, nhưng thực tế không giảm bao nhiêu so với giá thiệt.

Sáng ngày Black Friday 24/11/2017, tôi nhận được tin nhắn chào mời mua hàng siêu khuyến mại từ một cửa hàng online nổi tiếng của Việt Nam. Thấy giá hàng công nghệ giảm quá hớp, tôi vội vàng lướt vào trang web của họ. Nhưng khi nhìn thấy các mức giá mà họ ghi là "giá thị trường" để khách hàng tham khảo cho thấy mức giảm giá của cửa hàng "khủng" ra sao, tôi ngờ ngợ.

Khi vào trang web của một siêu thị điện máy nổi tiếng tại TP.HCM tham khảo giá đang bán những mặt hàng tương ứng, tôi vỡ ra rằng cái "giá thị trường" trên cửa hàng online kia quá chừng ảo, đã được tăng vống lên không hề ít, để rồi khoe với khách hàng là mình giảm giá quá chừng.

Thiệt tình là giá bán trên cửa hàng online đó trong dịp khuyến mại Black Friday 2017 là ngon lành, nhưng không phải giảm với tỷ lệ như họ quảng cáo. Việc ghi mức giá thị trường quá cao để cho khách hàng sướng tê người vì được mua hàng quá hời thì giống như ăn chén cơm gạo Nhật Bản nấu bằng nồi cao tần IH nội địa Nhật Bản mà bị dính sạn vậy.

Một chiêu trò thường thấy khác trong mùa khuyến mại tập trung là xả hàng tồn kho là những sản phẩm thế hệ cũ hay những mẫu mã bán chậm ra bán bên cạnh những sản phẩm đời mới, sản phẩm hot cho vàng thau lẫn lộn. Mà xưa nay chỉ có người mua lộn chớ người bán nào có lộn.

Mua khuyen mai ao: Hay la nguoi tieu dung thong minh
Trước khi mua hàng, khảo sát giá nhiều nơi là điều cần phải làm.

Cũng có những chiêu bán kèm theo kiểu "công chúa cõng bà già", muốn mua cái này phải kèm theo cái kia. Một anh bạn ở Mỹ mới chia sẻ với tôi: "Bên này, cửa hàng treo cái ảnh Go Pro 6 Black, ghi giảm đến 75%. Theo link vô đó thì hóa ra nó chỉ giảm giá đồ phụ kiện kèm theo vốn không ai xài nữa!"

Bởi vậy, người tiêu dùng thông minh luôn phải biết đề cao cảnh giác. Khi thấy ghi giá càng giảm mạnh, giá hàng càng rẻ thì càng phải dè chừng.

Anh bạn sáng lập một trang web so sánh giá cả (websosanh.vn) nhắc chừng tôi: "Để tránh khuyến mại ảo, anh dùng thử trang web này đi". Hiện nay trên Internet có những trang web, dịch vụ chuyên làm công việc so sánh giá cả thực tế của một mặt hàng nào đó đang bán tại nhiều cửa hàng khác nhau để giúp người tiêu dùng có thể "chọn giá đúng".

Ngay cả những chương trình giảm giá online do nhà nước tổ chức hàng năm, sau thời gian đầu bị một số doanh nghiệp tung chiêu giá ảo, ban tổ chức cũng đã phải phối hợp với những dịch vụ so sánh giá như vậy.

Xưa nay tôi vẫn thích những chương trình khuyến mại và giảm giá hàng phục vụ đồng thời cả hai mục đích: bán được hàng và tri ân khách hàng của mình. Mà như vậy, nó đòi hỏi người bán phải thật lòng và có tâm. Nếu khuất tất, gian dối thì chỉ có thể là làm ăn chụp giựt, ăn xổi ở thì mà thôi.

Phạm Hồng Phước

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI