Bề bộn chuyển phát nhanh nội địa

19/07/2017 - 00:05

PNO - Thị trường chuyển phát nhanh hàng hóa nội địa ở Việt Nam vốn bề bộn giờ càng thêm nóng hơn với sự tham gia của một tay chơi quốc tế có số má dù lạ mà quen.

Đó là DHL eCommerce thuộc tập đoàn vận chuyển bưu chính và hàng hóa toàn cầu lớn nhất thế giới DHL (Deutsche Post DHL Group) của Đức.

Từ nhiều năm qua, DHL Express – một bộ phận khác của DHL – đã hoạt động vận chuyển bưu chính và hàng hóa quốc tế ở Việt Nam. DHL Việt Nam còn có cả hoạt động vận chuyển và kho bãi hàng hóa chuyên dụng và quy mô lớn dạng Logistics qua đường hàng không.

Người ta kỳ vọng với sự tham gia của DHL, thị trường chuyển phát nhanh nội địa của Việt Nam càng thêm đa dạng và có tính chuyên nghiệp hơn. Dù sao, ngoài bề dày kinh nghiệm 48 năm hoạt động (từ 1969) của DHL Express và lực lượng vận chuyển hùng hậu (thậm chí có đội máy bay vận tải riêng) của họ chắc chắn sẽ làm mới hoạt động chuyển phát nhanh hàng hóa nội địa.

Be bon chuyen phat nhanh noi dia
DHL giao hàng bằng xe điện tại Việt Nam

Có hai điều đáng chú ý nhất của DHL ở Việt Nam là họ chấp nhận "chơi theo kiểu Việt Nam" là người mua nhận hàng mới phải trả tiền (COD), và ngay từ đầu đã sử dụng đội xe gắn máy giao hàng chạy điện để bảo vệ môi trường.

Thị trường mua bán online ở Việt Nam mới còn ở mức phôi thai, nghĩa là còn tiềm năng rất lớn. Theo báo cáo của DHL khi công bố tham gia hoạt động chuyển phát nhanh nội địa, giao dịch điện tử ở Việt Nam hiện chỉ chiếm có 1% thị trường chung.

Năm 2016, tổng chi tiêu thương mại điện tử (TMĐT) đạt 1 tỷ USD (trung bình mỗi người Việt mới chỉ chi 60-100 USD/năm cho mua hàng online). Trong khi đó, Việt Nam có dân số trẻ và tỷ lệ người có smartphone và kết nối Internet rất cao. Dự báo từ nay tới năm 2020, mức chi tiêu cho mua hàng online ở Việt Nam sẽ tăng hàng năm 23%.

Có thể nói hai chân cho mua bán online đứng vững và phát triển là thanh toán và chuyển phát.

Theo nguyên tắc và cũng là thông lệ quốc tế, giao dịch TMĐT được thanh toán qua tài khoản và thẻ ngân hàng. Báo cáo tại Banking Vietnam 2017 cho biết vào năm 2016, chỉ mới có 39,8% số người trưởng thành ở Việt Nam có tài khoản ngân hàng và tổng số lượng thẻ ngân hàng các loại là hơn 110 triệu thẻ.

Tuy nhiên, các tài khoản cá nhân và thẻ ngân hàng (đa số là thẻ ATM) chủ yếu chỉ để dùng cho chi trả lương tháng. Phần lớn người dùng Việt Nam không thích thanh toán bằng thẻ hay tài khoản ngân hàng vì lo ngại an ninh, bảo mật.

Vì thế, loại hình thanh toán chủ yếu trong mua bán online chính là trả tiền khi nhận hàng (COD). Đây chính là giải pháp thực tiễn cho hoạt động TMĐT ở Việt Nam cho dù nó thật sự chỉ có lợi cho người mua mà gây nhiều phiền phức cho người bán và người giao hàng. Nhưng người ta không thể lựa chọn nào khác hơn.

Be bon chuyen phat nhanh noi dia
Thị trường chuyển phát nhanh hàng hóa nội địa ở Việt Nam vốn bề bộn giờ càng thêm nóng 

Dù sao, hình thức thanh toán khi nhan hàng này phù hợp với thói quen mua sắm của người Việt là tiền trao cháo múc, nhận được hàng rồi mới chịu trả tiền. Tất nhiên, để cạnh tranh, người bán thường phải chịu chi phí thu hộ này.

Một mặt nó buộc người bán, người giao hàng phải có trách nhiệm và cẩn thận để tránh bị người mua từ chối nhận hàng, nhưng mặt khác, nó cũng khiến người bán thêm bất trắc vì tình trạng tới lúc giao hàng đến tận nơi, người mua mới đổi ý không mua nữa.

Cũng vì phải áp dụng phương thức COD mà các nhân viên giao hàng (shipper) phải kiêm thêm nhiệm vụ của người thu tiền. Khi phải thu những món tiền lớn nhiều triệu đồng trở lên, người vận chuyển càng thêm nhiều bất trắc, nguy hiểm nếu như bị cướp.

Ngoài ra, để cạnh tranh, người vận chuyển có khi phải ứng trước tiền thanh toán cho bên bán hàng để sau đó mới thu tiền từ người mua. Họ phải gánh rủi ro nếu như xui xẻo bị người mua từ chối nhận hàng vì lý do trời ơi đất hỡi nào đó.

Những cửa hàng, dịch vụ bán hàng online lớn (như một số siêu thị, cửa hàng Lazada…) thường có đội ngũ vận chuyển riêng. Có những siêu thị điện máy sử dụng thợ lắp đặt máy kiêm thêm nhiệm vụ thu tiền rồi tiến hành lắp đặt.

Trong thời gian qua, hoạt động chuyển phát hàng hóa ở Việt Nam càng thêm chộn rộn vì ngoài các công ty, dịch vụ chuyên nghiệp còn có sự tham gia của những tài xế taxi, xe khách, người chạy xe ôm. Hầu như các công ty xe khách tốc hành cũng mở thêm dịch vụ chuyển phát hàng theo các tuyến đường của mình. Ngay cả loại hình taxi và xe ôm công nghệ (Uber, Grab,…) cũng tham gia chuyển phát hàng hóa cho khách.

Công bằng mà nói, chính nhờ đội ngũ chuyển phát hàng chuyên và không chuyên hùng hậu và đa dạng này mà những người bán hàng online mới có thể sống được. Còn nhớ, hồi Tết Đinh Dậu 2017 vừa qua, dịch vụ chuyển phát nhanh của Bưu chính Việt Nam tại TP.HCM đã phải ngưng nhận khách từ sớm trước Tết vì quá tải. Nếu như không nhờ các lực lượng chuyển phát "nhân dân" thì nhiều người phải khóc tiếng… Marốc vì không thể gửi được hàng hóa, quà cáp dịp Tết.

Tất nhiên, mặt trái của hoạt động chuyển phát hàng hóa như vậy có lẽ không có từ nào mô tả chính xác hơn là "bát nháo". Bị thiệt hại là cả hai bên người bán và người mua.

Đó là lý do mà hoạt động mua bán online ở Việt Nam đang rất cần những nhà chuyển phát chuyên nghiệp. Họ không thể thay thế các nhà chuyển phát khác, nhưng sẽ tạo một động lực và nhu cầu cho tất cả cùng nâng cao chất lượng dịch vụ lên. Được vậy, cả người bán lẫn người mua hàng online cùng hưởng lợi.

Phạm Hồng Phước

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI