Tổng thống Obama và những thành tựu nổi bật nhất sau 2 nhiệm kỳ

09/01/2017 - 08:00

PNO - Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ rời Nhà Trắng vào ngày 20/1, kết thúc 2 nhiệm kỳ với nhiều thành tựu nổi bật mà thế giới không thể không nhắc tới.

1.Người làm nên lịch sử

Các nhà ghi chép lịch sử sẽ nhắc đến cái tên Barack Obama là nghị sĩ trẻ ở bang Illinois trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ sau 143 năm nước này chấm dứt chế độ nô lệ.

47 tuổi, đứng trên bục tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ năm 2009, ông Obama khi đó đã gửi đi thông điệp “hi vọng và thay đổi”.

Rõ ràng, sự xuất hiện của ông ở Nhà Trắng là cột mốc thay đổi quá lớn với người dân Mỹ.

2.Vực dậy nền kinh tế sau khủng hoảng

Nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái tháng từ tháng 12/2007. Đến khi ông Barack Obama nhậm chức Tổng thống Mỹ thì nền kinh tế Mỹ gần như rơi tự do khi các ngành kinh tế hàng đầu như ngàng ngân hàng, công nghiệp ô tô phải chờ cứu trợ. Đây là giai đoạn tồi tệ nhất của kinh tế Mỹ kể từ Đại suy thoái thập niên 1930.

Nếu như đầu năm 2009 khi ông Obama mới lên nắm quyền, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ chạm con số kỷ lục 10,3% thì nay đã giảm một nửa, còn 5%. Thị trường lao động liên tục 75 tháng qua liên tục ghi nhận tình trạng gia tăng việc làm cho người lao động. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng đang gần chạm mức cao nhất mọi thời đại.

Một đạo luật liên quan đến kinh tế không thể không nhắc đến là Đạo luật Dodd-Frank. Đạo luật này được thông qua tháng 5/2010 dưới sự ủng hộ của Tổng thống Obama. Một cơ quan giám sát độc lập được thành lập để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Mỹ trước những cái bẫy tín dụng từ ngân hàng.

3. Công lý được thực thi

“Hôm nay, tôi đã có thể thông báo với toàn dân Mỹ và thế giới rằng Mỹ đã chỉ huy thành công chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden”. Nhiệm vụ được thực thi ở thành phố Abbottabad của Pakistan.

Tong thong Obama va nhung thanh tuu noi bat nhat sau 2 nhiem ky
Bức ảnh nổi tiếng với sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Phó Tổng thống Biden, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cùng nhiều quan chức chính phủ khi đang theo dõi cuộc truy sát Osama bin Laden - Ảnh: White House

Tuyên bố trên vào ngày 2/5/1011 của Tổng thống Obama là lời đáp trả đanh thép nhất của nước Mỹ kể từ sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu ngày 11/9/2001 làm gần 3.000 người chết do al-Qaeda thực hiện.

Khi ông Obama rời ghế Tổng thống, al-Qaeda vẫn là một tổ chức khủng bố tiềm năng nhưng sự lãnh đạo của chúng không còn chặt chẽ và xuyên suốt như thời của trùm khủng bố Osama bin Laden.

4. Kỷ nguyên mới về đối ngoại

Ông Obama không ngừng thúc đẩy các cuộc đối thoại, kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay, cùng Iran đi đến thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký năm 2015 với nhóm P5+1. P5+1 gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức.

Năm 2015, Mỹ và Cuba đã đạt thỏa thuận bình thường hóa qua hệ, Tổng thống Obama cũng là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến nước này sau gần 70 năm.

Tong thong Obama va nhung thanh tuu noi bat nhat sau 2 nhiem ky
Bức ảnh mang tính chất lịch sử, ghi dấu cuộc gặp giữa Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm của ông Obama đến Cuba vào tháng 3/2016. - Ảnh: NY Times

5. Nỗ lực chống biến đổi khí hậu

Trong hai nhiệm kỳ, Tổng thống Obamakhoong ngừng đưa ra những chính sách bảo vệ khí hậu. Nổi bật trong số đó là bảo vệ hệ sinh thái biển, cắt giảm CO2 và thúc đẩy ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.

Trong 4 năm cầm quyền nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống Obama không có bất kỳ nhà máy điện chạy bằng than mới nào được xây dựng trong khi đã có hơn 100 nhà máy phải đóng cửa.

Ngày 4/9/2016, Mỹ đã ký phê chuẩn Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Dù nước Mỹ vẫn còn nhiều tranh cãi liên quan đến nguyên nhân gây biến đổi khí hậu nhưng những nỗ lực của ông Obama trong việc nâng cao ý thức bảo vệ trái đất, môi trường là không thể phủ nhận.

6. Một thỏa thuận vĩ đại

Obamacare - Đạo luật Bảo vệ bệnh nhân và chăm sóc sức khỏe giá phải chăng là một trong những chính sách đối nội then chốt của Tổng thống Obama và cũng là một trong những chương trình cải cách quyết liệt nhất tại Mỹ trong nhiều thập kỷ.

Đạo luật trên được Tổng thống Obama ký ban hành năm 2010. Nguyện vọng lớn nhất của ông là tạo điều cho nhiều người hiện không có bảo hiểm sức khỏe có thể mua được một bảo hiểm tối thiểu cho bản thân và gia đình, cũng như tăng mức quyền lợi hiện người có bảo hiểm đang được hưởng.

Theo đạo luật, tất cả người dân Mỹ phải mua bảo hiểm. Nhiều doanh nghiệp cho rằng chính quyền đã can thiệp quá sâu vào việc lựa chọn của người dân. Obamacare cũng là một trong những từ khóa quan trọng trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump và ông từng dọa sẽ thay đổi phần lớn nội dung của đạo luật này.

Tong thong Obama va nhung thanh tuu noi bat nhat sau 2 nhiem ky
Ông Obama bật khóc khi nhắc về súng đạn khi phát biểu trong thông điệp liên bang đầu năm 2016 - Ảnh: NY Times

Dù nổi bật với những thành tựu quan trọng như thế, Tổng thống Obama trong thông điệp liên bang đầu năm cũng đã thừa nhận: “Một trong những điều hối tiếc nhất của tôi ở cương vị tổng thống là đã khiến sự nghi ngờ, mâu thuẫn giữa hai đảng tăng thêm chứ không bớt đi như lời cam kết tôi nói lúc mới nhậm chức”.

Bên cạnh đó, nỗ lực đóng cửa nhà tù ở Vịnh Guantanamo, thực thi luật kiểm sát súng mà đau lòng nhất là vụ xả súng đẫm máu ở trường học Sandy Hook cũng khiến ông Obama không thể hoàn toàn yên tâm khi rời ghế Tổng thống Mỹ.

DI LÂM (Theo SBS, Washington Post, NY Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI