Tổng thống Mugabe đã làm khánh kiệt nền kinh tế Zimbabwe như thế nào?

17/11/2017 - 16:04

PNO - Zimbabwe từng là vựa lúa của châu Phi. Dưới thời Tổng thống Robert Mugabe, một trong những nền kinh tế giàu nhất châu Phi đã bị giết chết vì quản lý yếu kém, khan hiếm lương thực, đồng tiền mất giá và tham nhũng tràn lan.

Ngày 14/11, các nhà lãnh đạo quân sự Zimbabwe đã chiếm quyền kiểm soát đất nước trong một sự biến mang màu sắc đảo chính, họ triển khai xe tăng tại thủ đô Harare và quản thúc tại gia vị Tổng thống 93 tuổi Robert Mugabe.

Tổng thống Mugabe, người lãnh đạo đất nước trong gần bốn thập niên, bị quy trách nhiệm đã đưa nền kinh tế Zimbabwe đến chỗ sụp đổ.

Sự thăng trầm của nền kinh tế Zimbabwe đã diễn ra trong những năm tháng lãnh đạo của ông Mugabe.

Tong thong Mugabe da lam khanh kiet nen kinh te Zimbabwe nhu the nao?
Tổng thống Robert Mugabe lãnh đạo Zimbabwe từ năm 1980, ông hiện nay đã 93 tuổi - Ảnh: CNN/Getty Images

Thập niên 1980

Ông Mugabe được bầu làm Thủ tướng đầu tiên của nước Zimbabwe mới giành được độc ​​lập vào năm 1980, sau nhiều năm ngồi tù vì hoạt động chính trị.

Ông được nhiều người ngưỡng mộ như là một chính khách theo phong cách Nelson Mandela, người có thể dẫn dắt đất nước đi lên sau nhiều thập niên thống trị của Anh và người da trắng.

Cô Funmi Akinluyi, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại châu Phi và các thị trường biên giới của tổ chức Silk Invest, nói: "Ông (Mugabe) luôn có lập trường dân túy, có nghĩa là ông muốn làm việc vì lợi ích tốt nhất cho người dân của mình, chứ không chỉ tập trung vào nền kinh tế”.

Ông Mugabe giành được sự công nhận quốc tế cho các chương trình giáo dục và y tế, và quốc gia này xuất khẩu ngày một tăng các sản phẩm nông nghiệp và chế tạo. Zimbabwe từng nổi tiếng về sản xuất thuốc lá và thời tiết nước này thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp quanh năm.

Tong thong Mugabe da lam khanh kiet nen kinh te Zimbabwe nhu the nao?
Dưới thời Mugabe, nguy cơ chính trị lớn hơn là cơ hội có thể tìm thấy ở Zimbabwe - Ảnh: Bizna Kenya

Thập niên 1990

Khi động lực chính trị của ông Mugabe không còn nữa, các nhà phê bình cáo buộc ông đã sử dụng bạo lực và hối lộ để duy trì quyền lực. Tuy nhiên, Tổng thống luôn phủ nhận các cáo buộc này.

Sự quản lý yếu kém của ông Mugabe trong lĩnh vực nông nghiệp của Zimbabwe là một bước ngoặt góp phần đưa đến thảm họa kinh tế.

Mục đích cuộc cải cách ruộng đất của chính phủ là chấm dứt nhiều thập kỷ sở hữu trang trại của các điền chủ da trắng, mà nhiều người coi như là một bất công ở xứ thuộc địa.

Đạo luật “Mua lại đất đai” năm 1992 cho phép ông Mugabe ép các chủ đất từ bỏ tài sản của họ để chính quyền phân phối lại. Năm 1993, ông Mugabe đe dọa trục xuất những chủ đất da trắng phản đối đạo luật này.

Thập niên 2000

Cho đến trước năm 2000, chiến dịch của ông Mugabe đã được đẩy mạnh và buộc 4.000 chủ trang trại da trắng phải từ bỏ đất đai của mình. Sản lượng nông nghiệp của Zimbabwe sụp đổ chỉ sau một đêm.

Chuyên gia Akinluyi nhớ lại: "Ngay lập tức Zimbabwe thiếu lương thực, người dân thiếu đói”.

Tình hình này diễn ra sau hai năm mất mùa và hạn hán kéo dài, dẫn đến nạn đói tồi tệ nhất ở Zimbabwe trong vòng 60 năm qua.

Trong tình trạng thiếu hụt kinh niên các loại hàng hóa cơ bản, ngân hàng trung ương đã tăng cường in tiền để tài trợ cho nhập khẩu. Kết quả là gây ra lạm phát tràn lan.

Vào thời đỉnh cao của cuộc khủng hoảng, giá cả tăng gấp đôi sau mỗi 24 giờ. Các chuyên gia kinh tế của Viện Cato ước tính lạm phát hàng tháng đạt đỉnh 7,9 tỷ phần trăm trong năm 2008.

Thất nghiệp tăng vọt, dịch vụ công sụp đổ và kinh tế Zimbabwe năm 2008 giảm 18%.

Zimbabwe đã hủy bỏ đồng tiền quốc gia vào năm 2009, và thực hiện các giao dịch bằng đồng đô la Mỹ, đồng rand Nam Phi và bảy loại tiền tệ khác.

Tong thong Mugabe da lam khanh kiet nen kinh te Zimbabwe nhu the nao?
Tổng thống Mugabe, người lãnh đạo đất nước trong gần bốn thập niên, bị cho là người đưa nền kinh tế Zimbabwe đến chỗ sụp đổ - Ảnh: The Australian

Thập niên 2010

Ông Mugabe đáp trả các biện pháp trừng phạt quốc tế trong năm 2010 bằng cách đe dọa tịch thu tất cả các khoản đầu tư của phương Tây vào nước này.

Lời đe dọa này đã khiến các nhà đầu tư tiềm năng xa lánh Zimbabwe.

Cô Akinluyi nói: "Nguy cơ chính trị đã lớn hơn cơ hội có thể tìm thấy ở nước này”.

Chính phủ của Tổng thống Mugabe đã chuyển đổi sự tập trung từ các trang trại các hầm mỏ, sau khi ra lệnh tất cả thợ mỏ kim cương ngừng hoạt động và rời khỏi cơ sở của mình.

Kế hoạch của ông Mugabe là dành cho một cơ quan nhà nước tiếp quản các hoạt động này.

Zimbabwe hiện đang vật lộn kiếm nguồn tiền mặt từ nước ngoài sau khi bóp nghẹt các ngành xuất khẩu hàng đầu trong nước. Hạn hán nghiêm trọng đã vắt kiệt đất nước, dẫn đến người dân đổ xô rút tiền khỏi ngân hàng trong năm 2016.

Cuối năm ngoái, nước này phát hành cái gọi là trái phiếu – mỗi tờ trị giá một đô la Mỹ - nhằm giảm bớt tình trạng khan hiếm tiền mặt kinh niên.

Chuyên gia Akinluyi nói tình hình hiện tại của Zimbabwe rất đáng buồn, vì nước này vốn có nhiều tiềm năng.

"Họ có kim cương, than đá, đồng, quặng sắt, có nhiều tài nguyên thiên nhiên khác, cá nhân tôi nghĩ rằng đất nước này sẽ nhanh chóng thoát khỏi tình trạng bế tắc nếu có một người cầm quyền đúng”.

Hoàng Diệu (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI