G7 gửi lời cảnh báo đỏ tới Trung Quốc

27/05/2016 - 07:42

PNO - Các nhà lãnh đạo nhóm G7 ngày 26/5 đã nhất trí cấn phải đưa ra thông điệp mạnh mẽ về vấn đề chủ quyền trên biển ở Tây Thái Bình Dương

Thông điệp của các lãnh đạo G7 đưa ra, là một lời đáp trả mạnh mẽ đối với việc Trung Quốc tuyên bố các quốc gia thuộc nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới không nên làm "leo thang căng thẳng" trên Biển Đông và biển Hoa Đông bằng cách thảo luận về vấn đề này.

G7 gui loi canh bao do toi Trung Quoc
Các nhà lãnh đạo G7 chụp ảnh bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại thành phố Ise-Shima, Nhật Bản ngày 26/5.

"Thủ tướng Shinzo Abe đã dẫn đầu cuộc thảo luận về tình hình hiện nay ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Lãnh đạo các nước G7 nhấn mạnh rằng nhóm cần đưa ra một tín hiệu rõ ràng", Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Hiroshige Seko nói với các phóng viên sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo nhóm G7.

Trước đó, tại cuộc họp báo tối thứ Tư, 25/5, Thủ tướng Nhật Bản nói rằng Tokyo hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc.

Đồng thời, ông Abe tái khẳng định Nhật phản đối những hành động làm thay đổi hiện trạng (trên biển) bằng vũ lực và kêu gọi (Bắc Kinh) tôn trọng các quy định của luật pháp quốc tế.

Cả Washington và Tokyo đều cáo buộc Bắc Kinh làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã yêu cầu Trung Quốc giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, đồng thời tái khẳng định rằng Mỹ quan ngại về tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Ngày 25/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi Trung Quốc giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển một cách hòa bình và nhắc lại rằng Mỹ chỉ quan tâm tới tự do hàng hải trong khu vực.

Ông Obama đề cao trách nhiệm của các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, góp phần làm giảm khả năng Triều Tiên bán vũ khí hoặc vật liệu hạt nhân. Theo Reuters, Mỹ cũng nêu mối quan ngại gia tăng về hành động của Bắc Kinh trong khu vực.


Ngay khi đến Nhật Bản dự hội nghị G7, Thủ tướng Anh David Cameron cũng đã cảnh báo Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của tòa án quốc tế về đơn kiện của Philippines.

Philippines hồi năm 2013 đã đệ đơn kiện lên Tòa trọng tài thường trực (PCA), phản đối những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc nuốt trọn gần cả Biển Đông. Bắc Kinh từ chối tham gia các phiên phân xử. PCA dự kiến sẽ đưa ra phán quyết vào tháng 6/2016.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lên tiếng rằng nhóm G7 "không có liên quan" đến chuyện Biển Đông.

"Trung Quốc kiên quyết phản đối những nước đang cố thổi phồng vấn đề Biển Đông vì lợi ích cá nhân", bà Hoa nói, ám chỉ việc Nhật Bản đưa vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông vào chương trình nghị sự của hội nghị G7.

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Nước này ồ ạt bồi đắp, cải tạo 7 bãi đá tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở phi pháp trên đó. Bắc Kinh từ đầu năm nay còn lộ rõ ý đồ quân sự hóa khi bố trí hệ thống tên lửa, radar và chiến đấu cơ tại Biển Đông.

Khánh Ly (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI