Thế hệ bị 'giam lỏng' và chuyện sống chung với mẹ chồng ở Hồng Kông

21/05/2017 - 06:00

PNO - Cuộc khảo sát mới do ĐH Bách khoa Hồng Kông thực hiện cho thấy, những khó khăn về nhà ở đang làm cho thanh niên khó rời khỏi bố mẹ.

Thực tế này có thể dẫn đến xung đột trong gia đình, hạn chế các kỹ năng xã hội của họ, thậm chí phát sinh các vấn đề về sức khỏe tâm thần. 

The he bi 'giam long' va chuyen song chung voi me chong o Hong Kong
Cặp vợ chồng trẻ tập thích nghi với cuộc sống mới ở căn hộ 14m2

Dù tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 3% nhưng có đến 76% người dân ở đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc), tuổi từ 18-35, vẫn sống với bố mẹ.

Theo ông Wong King-lai, chuyên gia tư vấn xã hội của Hiệp hội Phúc lợi gia đình Hồng Kông (HKFWS), ngày càng có nhiều người Hồng Kông có xu hướng kết hôn muộn hoặc không kết hôn và nhiều người trưởng thành vẫn ở với bố mẹ.

Đó là chưa kể, nhiều cặp đôi sau khi đến với nhau cũng phải ở nhờ nhà bố mẹ hoặc chịu cảnh nhà bố mẹ ai nấy ở, do không mua được nhà để sống chung.

Tại Hồng Kông, ước tính phải tiết kiệm 18 năm một người làm công lành nghề mới có thể mua được một căn hộ tầm trung.

Ngay một căn hộ “ổ chuột” cũng có thể “hét” giá thuê đến 110 USD/m2, gần gấp ba lần giá thuê trung bình ở một thành phố lớn như New York.

Từ khó khăn đó, số phụ nữ quyết định không sinh con đã tăng hơn gấp đôi từ 9,8% năm 1992, lên 23,4% năm 2012. 

Jim và Grace Lai là một cặp vợ chồng ở tuổi ba mươi, đã cưới nhau từ cuối năm 2015, nhưng đến hơn nửa năm sau vẫn phải sống cùng cha mẹ mình tại hai nhà riêng biệt. 

Grace Lai nhớ lại, khi đó mẹ cô đã nói, thật buồn cười khi vợ chồng không ở cạnh nhau, nhưng cô chẳng thể làm gì khác. Grace Lai bày tỏ: “Chúng tôi thấy bạn bè đã phải dành hầu hết tiền lương cho việc thuê nhà. Sao phải khổ sở như vậy?”. 

The he bi 'giam long' va chuyen song chung voi me chong o Hong Kong
Một gia đình bốn người sống trong căn hộ “siêu nhỏ” tại Hồng Kông

Chuyện của Grace Lai không hề cá biệt, vì có đến 95% người trẻ tuổi thuộc thế hệ millennials tại Hồng Kông cho biết, họ chọn ở chung với bố mẹ vì vừa tiết kiệm, vừa đỡ làm việc nhà. 

Tình trạng lệ thuộc này còn có nguyên do từ các bậc cha mẹ ở Hồng Kông vốn nuông chiều các “cậu ấm cô chiêu” từ nhỏ. “Kong Kids” là thuật ngữ mới, nói về những đứa trẻ Hồng Kông không thể chăm sóc bản thân, bị gia đình nuông chiều đến hư hỏng.

Một nghiên cứu của ĐH Hồng Kông đã chỉ ra, trẻ em Hồng Kông có tính xấu là đề cao cái tôi và trọng vật chất hơn hẳn trẻ đồng trang lứa ở các nước phương Tây như Mỹ, Canada, Anh. 

Trên một diễn đàn về cuộc sống tại Hồng Kông, một ông bố người Mỹ tên Byron đã đăng bài “than trời” vì không thể hiểu nổi cô con dâu châu Á của mình.

Byron kể, khi cháu nội chào đời, ông có nhắn con trai hoàn trả số tiền 300 USD mà con dâu nhờ mua hộ đồ cho trẻ sơ sinh; thì con dâu đã trách bố mẹ tuy nói thương con cháu nhưng lại tính toán chi ly.

Khi bé bệnh, nhà chồng đã ứng hơn 3.000 USD để trả viện phí, cô lại dửng dưng chẳng thèm đòi lại tiền từ quỹ bảo hiểm cho bố mẹ. Mặt khác, với những người trẻ, sống cùng bố mẹ có khi là một “thảm họa”.

Một cô con dâu người nước ngoài nhớ lại cảnh sống chung với mẹ chồng tại Hồng Kông khi mới cưới. Họ xung đột về mọi thứ, đến như việc gấp quần áo, hễ cô gấp xong thì mẹ chồng lôi ra gấp lại từ đầu.

Bà còn hay mắng cô ăn quá nhanh, lo con trai mình ra ngoài sẽ mất thể diện vì vợ bị đánh giá. Với con trai, bà vẫn chăm từ miếng ăn, giấc ngủ.

Rút kinh nghiệm, cô khuyên những bạn gái muốn lấy chồng Hồng Kông: “Bạn nên chuẩn bị tinh thần để vượt qua tất cả các bài kiểm tra ngầm mà mẹ chồng dùng để đánh giá độ sạch sẽ và kỹ năng làm việc nhà của bạn”.

Ông Wong King-lai nhận định: “Do cha mẹ vẫn nắm quyền kiểm soát trong gia đình nên một số người trẻ bằng mặt mà không bằng lòng.

Nhà là nơi mọi thành viên phải cảm thấy được an toàn và thoải mái. Nếu không tìm thấy sự hài lòng khi ở nhà, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe tâm thần”.

Tấn Vĩ (Theo SCMP, myhongkonghusband.com, Financial Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI