Thân bại danh liệt vì quấy rối tình dục

25/07/2016 - 13:15

PNO - Đó là sự ra đi nhục nhã của ông trùm truyền thông Roger Ailes, đồng sáng lập Fox News, chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành của đế chế truyền thông quyền lực hàng đầu nước Mỹ.

Sự ra đi của ông Ailes càng minh chứng, pháp luật và công luận đứng về phía nữ nạn nhân dám tố cáo hành vi quấy rối tình dục của sếp ông “đáng kính”.

Ngày 21/7, chỉ 15 ngày sau khi cựu nữ phát thanh viên Fox News Gretchen Carlson nộp đơn kiện vụ quấy rối tình dục động trời chống lạ i ông chủ lâu năm Roger Ailes, ông ta phải rời đỉnh cao danh vọng của Fox News do mình thành lập 20 năm trước. Trước đó ông Ailes gay gắt bác bỏ mọi cáo buộc, nhưng cuối cùng vị “hoàng đế” 76 tuổi phải chuốc lấy nhục nhã, dù cú hạ cánh này được vớt vát bằng khoản tiền 40 triệu USD.

Báo Mỹ gọi Gretchen Carlson là một phụ nữ dũng cảm vì đã gây ra cơn địa chấn trong giới truyền thông. Luật sư của cô tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng tất cả doanh nghiệp hiện nay hiểu rằng phụ nữ không cam chịu bị quấy rối tình dục và các công ty có uy tín không còn bao che cho những kẻ lạm dụng. Chúng tôi cảm ơn tất cả phụ nữ quả cảm đã lên tiếng về vấn đề này”.

Than bai danh liet vi quay roi tinh duc
Roger Ailes từ chức sau khi bị kiện quấy rối tình dục - Ảnh: REUTERS

Vụ Fox News là cột mốc quan trọng trong hành trình đấu tranh chống nạn quấy rối tình dục tại công sở của phụ nữ Mỹ. Carlson khích lệ nhiều phụ nữ khác, lâu nay vẫn cắn răng chịu đựng trong bóng tối của tòa lâu đài tráng lệ Fox News, dũng cảm lên tiếng, hoặc công khai câu chuyện của mình, hoặc tố cáo tại ban điều tra nội bộ. Đáng chú ý nhất là Megyn Kelly, ngôi sao của Fox, đã tố cáo hành vi quấy rối tình dục của Ailes trước ban điều tra nội bộ do một công ty luật chủ trì.

Nhân viên của Fox News chưa quên câu chuyện của nữ phóng viên xinh đẹp và xông xáo Rudi Bakhtiar. Chỉ vài giờ sau khi Rupert Murdoch công bố Ailes phải rời khỏi chức vụ vào ngày 21/7 và cam kết duy trì môi trường làm việc dựa trên sự tin tưởng, tôn trọng, thì Barry Asen (luật sư của Ailes) đã bắn tin hăm dọa cựu phóng viên Rudi Bakhtiar, người từng bị Fox News sa thải với lý do “lợi dụng quan hệ để tiến thân”. Cô Bakhtiar tố cáo Trưởng văn phòng Washington của Fox News, ông Brian Wilson, quấy rối tình dục mình trong đêm Lễ Tạ ơn năm 2006.

Wilson, sau đó đi khỏi Fox từ năm 2010, đã phủ nhận quấy rối Bakhtiar. Tuy nhiên, không phải chỉ một mình Wilson “quan tâm” đến nữ phóng viên này. Sau khi rời văn phòng Washington, Bakhtiar được cử đi đưa tin ở Tehran (Iran) và Trung Đông. Chính Ailes đã gợi ý cho cô về sự thăng tiến, ông ta cũng gửi cho cô hộp quà đặc biệt - một xấp váy ngắ n - với lời nhắn nhủ “vì chân cô đẹp”, mặc dù cô không bao giờ mặc váy đi làm. Sự cứng đầu của Bakhtiar là m cô phải rời khỏi Fox News. Chuyện xảy ra với Bakhtiar cho thấy cuộc đấu tranh chống quấy rối tình dục đầy gian nan ở Fox News, khi thủ phạm chính là người quyết định vận mệnh của nhân viên.

Vụ việc Ailes cho thấy vai trò “đang lên” của phụ nữ trong nền văn hóa Mỹ. Dù mới có một nhóm nhỏ phụ nữ điều hành các công ty đại chúng lớn, cũng như nắm giữ ghế Thượng viện hay các tiểu bang, bên cạnh việc phụ nữ mới kiếm được 79 cent so với thu nhập mộ t đô la của nam giới, nhưng làn gió đổi mới đang thốc lên mạnh mẽ. 25 năm trước, khi một phụ nữ trẻ tên Anita Hill lần đầu tiên đưa ra khái niệm “quấy rối tình dục” thu hút sự quan tâm của nước Mỹ, cáo buộc một số hành vi không phù hợp, thậm chí xúc phạm nghiêm trọng mà thủ phạm là Clarence Thomas, người được đề cử vào Tòa án tối cao Hoa Kỳ, cô Hill đã bị phỉ báng như người phụ nữ “đáng khinh”, “ham nhục dục” và miệng lưỡi “hồ ly tinh”.

Bài xã luận số ra tuần này của tờ Washington Post nhấn mạnh: “Đây là chặng đường dài từ thập niên 1990, khi những lời tố cáo đáng tin cậy của Anita Hill chống lại Clarence Thomas đã thu hút nhiều sự quan tâm, nhưng chưa thể quật ngã được người đàn ông quyền lực”. Nay thì đã khác. Dù sự kỳ thị giới tính chắc chắn còn phổ biến tại nơi làm việc, nhưng nó không được coi là "vẫn ổn" nữa, đặc biệt nếu nó khiến công chúng chú ý.

Giáo sư Jennifer Berdahl của Trường Kinh doanh Sauder trực thuộc Đại học British Columbia (Mỹ) nghiên cứu một cách hệ thống vấn đề quấy rối tình dục ở nhiều công ty và các tổ chức, nói rằng sự ra đi của ông Ailes là dấu hiệu cho thấy vấn nạn này cuối cùng đã được xử lý nghiêm. Bà Berdahl khẳng định: “Đây là tiến bộ lớn, cho thấy phụ nữ ngày càng có tiếng nói, phụ nữ là những người bình đẳng hợp pháp mà bất cứ ai cũng phải đối xử nghiêm túc”.

Với khoản tiền lót tay 40 triệu USD, phải nói Roger Ailes được trả khá hậu hĩnh để rời khỏi Fox News. Đó là số tiền Fox bắt buộc phải trả theo hợp đồng ký với Ailes có hiệu lực đến năm 2018. Thanh toán cho các CEO tiề n triệu để họ ra đi - thậm chí trong ô nhục, khi họ bị sa thải - là quy trình vận hành tiêu chuẩn trong các tập đoàn ở Mỹ, nơi CEO có thu nhập cao hơn 276 lần nhân viên trung bình. Nhưng sự ra đi của Ailes cho thấy, thế giới kinh doanh giờ cũng không còn chịu đựng được hành vi “thô tục” của các giám đốc điều hành nam giới.

Ủy ban bình đẳng cơ hội việc làm Hoa Kỳ (EEOC) định nghĩa quấy rối tình dục tại nơi làm việc như là sự theo đuổi tình dục không mong muốn hay hành vi có tính chất tình dục gây cản trở vô lý đến hoạt động công việc của một người hay tạo ra một môi trường làm việc đáng sợ, thù nghịch, hoặc nhục mạ. Quấy rối tình dục không chỉ là vấn nạn của nước Mỹ. Một báo cáo mới công bố của Bộ Y tế, lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản cho biết, 1/3 phụ nữ nước này bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Ngày 8/3/2016, công ty thăm dò dư luận Yougov công bố kết quả một cuộc khảo sát cho thấy, 85% phụ nữ dưới 25 tuổi ở Anh từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng.

Cẩm Hà (Theo Huffi ngton Post, ABC News, Nymag.com, FindLaw, Business Insurance, LegalZoom)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI