Ở một ngôi làng chỉ còn người già và ba đứa trẻ

20/04/2018 - 15:00

PNO - Một dải nông thôn miền núi Cam Túc, một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc, các cặp vợ chồng trẻ bỏ làng tìm đến thành phố làm ăn, những người còn lại vật lộn với cuộc sống đói nghèo.

Làng Lumacha ẩn sâu trong vùng núi tỉnh Cam Túc ở miền tây bắc Trung Quốc, nơi đây một nông dân lặng lẽ làm đất trên cánh đồng để chuẩn bị cho vụ gieo lúa mỳ trong năm. Không thấy bóng dáng đứa trẻ nào trong làng.

O mot ngoi lang chi con nguoi gia va ba dua tre
Trường tiểu học Lumacha chỉ còn ba học sinh này

Sự im lặng trải dài từ cánh đồng đến các căn nhà hiu quạnh. Làng không còn tuổi trẻ, trong làng chỉ có những người  từ 40 tuổi trở lên. Thanh niên trong làng đã đến các thành phố tìm việc làm, công việc ở các đô thị dễ kiếm tiền hơn làm nông nghiệp ở làng, và họ mang theo con cái của mình rời làng.

Feng Ping, hiệu trưởng trường tiểu học Lumacha, nhớ lại tiếng trẻ chơi đùa, la hét ngày trước. Bây giờ khó tìm thấy đứa trẻ nào trong làng, các em cùng cha mẹ đến thành phố, “ở đó các em đi học và không quay về nữa”.

Cam Túc là một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc. Số liệu chính thức cho thấy tổng sản phẩm quốc nội Cam Túc tính bình quân đầu người năm 2017 chỉ là 4.647 USD - bằng một phần tư so với 20.356 USD và một nửa mức trung bình toàn quốc -  9.311 USD.

Năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố xóa đói giảm nghèo, đặc biệt ở những vùng nông thôn như Cam Túc. Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2020 không còn người dân nào ở Trung Quốc sống dưới mức nghèo khổ, căn cứ theo mô hình “xã hội thịnh vượng vừa phải” (xã hội tiểu khang).

Những nỗ lực của chính phủ đã giúp cho 68,5 triệu người thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, một trong những cách giải quyết vấn đề này là khuyến khích di dân nông thôn đến các đô thị. Năm 2014, Trung Quốc tuyên bố kế hoạch đô thị hóa để đưa 250 triệu người từ nông thôn ra thành phố cho đến năm 2026.

O mot ngoi lang chi con nguoi gia va ba dua tre
Ngôi làng miền núi Lumacha heo hút, không có tiếng trẻ nô đùa

Chính sách đó làm mòn mỏi những ngôi làng như Lumacha, nơi chỉ còn lại cha mẹ già và ông bà.

Trường tiểu học ở Lumacha chỉ còn ba học sinh: Shi Zhengang, Chang Wenuan và Du Yongsheng, cả ba em đều 10 tuổi. Các cậu bé này đến từ các gia đình nghèo phải chạy ăn hàng ngày.

Cha mẹ các em chỉ có thể gửi các em đến trường làng, họ không đủ tiền cho con cái đi học ở những ngôi trường lớn hơn. Thành phố gần Lumacha nhất là Dingxi, cách làng một tiếng rưỡi ngồi xe.

Mỗi ngày, ba đứa trẻ đi bộ qua đường mòn trên thung lũng đến trường, các em đã đi như thế 4 năm nay.

Hiệu trưởng Feng, người điều hành một giáo viên toán và một giáo viên tiếng Trung Quốc, nhớ lại: "Một thập kỷ trước, trường từng có hơn 300 học sinh”. Anh cho biết thời đó có sáu cấp lớp, học tại sáu phòng học, nay thì chỉ còn một lớp.

Trường tiểu học làng Lumacha là một trong số 1.900 trường học ở Cam Túc có dưới 10 học sinh, hậu quả trực tiếp của cuộc đại di dân về thành phố.

O mot ngoi lang chi con nguoi gia va ba dua tre
Thầy hiệu trưởng Feng và hai thầy giáo khác trong trường

Ngoài Văn và Toán, ba cậu bé còn được học tiếng Anh và các môn học khác, trong đó có âm nhạc và nghệ thuật, trên nền tảng trực tuyến.

Nhưng thầy Feng lo lắng rằng một khi các cậu bé tốt nghiệp, trường này - trường duy nhất ở Lumacha - sẽ phải đóng cửa. Thầy có cảm giác luyến tiếc vì bản thân thầy cũng từng là một học trò trường này.

Theo một báo cáo của The Economist, từ năm 2000, chính phủ Trung Quốc đóng cửa ba phần tư các trường học ở nông thôn, con số này tương đương 300.000 trường.

Đối với làng Lumacha, số trẻ suy giảm và nguy cơ bị trường học duy nhất đóng cửa phản ánh một vấn đề lớn hơn của làng - những người bị bỏ lại đều cao tuổi, ốm yếu không thể làm việc đồng áng. Công việc bấp bênh do thời tiết, nhiều khi một trận mưa đá phá hủy toàn bộ công sức đã bỏ ra trên cánh đồng.

Mặc dù thất vọng vì trẻ em theo cha mẹ bỏ làng vào thành phố, nhưng thầy Feng thừa nhận rằng những người ra đi được học hành và có tương lai sáng sủa hơn ở các thành phố.

Thầy hiệu trưởng nói: "Trong quá khứ, nhiều trẻ em học giỏi ở trường đã được vào đại học và cuộc sống ngày nay của các em khá tốt”. Theo  thầy, "giáo dục vẫn là điều quan trọng nhất đối với trẻ em nông thôn”.

O mot ngoi lang chi con nguoi gia va ba dua tre
Ngôi làng Lumacha hiu hắt chỉ còn lại những người già yếu
O mot ngoi lang chi con nguoi gia va ba dua tre
Chang, cậu học sinh nhiều ước mơ và mẹ, một phụ nữ nghèo trồng khoai tây trong làng

Gao Jinxia, mẹ của Chang, cậu học sinh nhỏ bé nhất trong ba học sinh của trường làng, nói rằng cô hy vọng con trai sẽ có cuộc sống tốt hơn khi tốt nghiệp. Người mẹ mong con trai sẽ rời làng đến làm việc ở thành phố.

Mặc dù ba học sinh của thầy Feng đến từ một nền tảng khiêm tốn, nhưng các em biết rằng những điều lớn hơn và tốt hơn nằm bên ngoài ngôi làng miền núi của họ.

Khi được hỏi về ước mơ trong tương lai, Chang cậu bé có nụ cười táo bạo và tính cách linh lợi, nhanh miệng trả lời cậu muốn trở thành một phi hành gia. "Cháu muốn bay lên không gian và khám phá vũ trụ”, cậu bé thổ lộ.

Cậu cũng nói rõ là muốn đến Thượng Hải để theo đuổi giấc mơ này. Năm ngoái, cậu đã tới thăm Thượng Hải trong một chuyến đi học tập do Hujiang EdTech tài trợ.

"Cháu muốn làm việc chăm chỉ và trở nên giàu có, chỉ khi đó cháu mới có thể mua nhà lớn cho bố mẹ và gia đình riêng của cháu”, cậu bé ở ngôi làng nghèo chỉ có ba học sinh mơ ước.

Thanh Hiền (Theo South Morning China Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI