Ngoại giao trên bàn tiệc: Cách thực đơn định hình chính trị

28/04/2018 - 07:31

PNO - Từ lâu nay, thực phẩm đã được cho là chiếm một vai trò đáng kể trong các cuộc họp ngoại giao cấp cao.

Các nhà lãnh đạo thế giới và các chính trị gia thường phải làm việc liên tục nhiều giờ, đàm phán về các tình huống khó khăn, dành nhiều thời gian trò chuyện với mọi người và thậm chí có thể phải trải qua một vài đêm không ngủ. Nhưng chắc chắn, giống như phần còn lại của tất cả chúng ta, họ luôn phải ăn uống, dùng bữa.

Có hai cuộc gặp gỡ lớn giữa các nhà lãnh đạo diễn ra trong tuần qua. Nhìn vào thực đơn của những buổi tiệc, chúng ta nhận thấy rất nhiều điều cần suy nghĩ và cân nhắc.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un của Triều Tiên vừa có cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong các cuộc đàm phán song phương đầu tiên giữa nhà lãnh đạo kể từ năm 2007.

Trên bàn tiệc, không thể thiếu cá biển nướng muối tiêu rưới cốt chanh gợi cho ông Moon nhớ về thành phố cảng quê hương Busan, nhưng cũng xuất hiện món rosti Thụy Sĩ (khoai tây sợi chiên), làm dấy lên nỗi hoài niệm về những năm tháng du học của ông Kim.

Ngoai giao tren bàn tiẹc: Cach thục don dinh hinh chinh tri
Hình ảnh trong buổi tiệc giữa Nhà lãnh đạo Kim Jong Un của Triều Tiên và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, thực đơn cũng bao gồm các món như bạch tuộc ướp lạnh từ biển Namhae Tongyeong, ở miền nam Hàn Quốc, được trang trí bằng nước sốt cam quýt. Các món hải sâm, cá tuyết và thịt bò là đặc trưng của của Quận Sinan, nơi cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung lớn lên.

Kim Dae Jung là người đã kêu gọi sự gắn kết giữa hai miền Triều Tiên, và nổi tiếng với cái ôm dành cho cựu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên vào năm 2000.

Trong menu, còn có các món: cá tráp và cua hấp - một kết hợp điển hình trong thực phẩm Hàn Quốc; món cơm trộn Bibimbap được làm từ rau, thảo mộc và gạo từ làng Biha, nơi cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun - người chủ trì hội nghị thượng đỉnh liên Triều Tiên lần thứ hai với ông Kim Jong Il vào năm 2007, lớn lên; thịt bò Hàn Quốc Hanwoo bản địa nổi tiếng nhờ kết cấu, màu sắc và chất lượng thơm ngon; mì lạnh naengmyeon do một đầu bếp được cử đến từ Bình Nhưỡng chế biến.

Ngoai giao tren bàn tiẹc: Cach thục don dinh hinh chinh tri
Những món trong thực đơn tiệc tối ngày 27/4 giữa ông Kim và ông Moon. Ảnh: Nhà Xanh

Món tráng miệng là mousse xoài - với hình ảnh bản đồ Hàn Quốc thống nhất ẩn bên trong một lớp sô cô la cứng bao bọc, được đập vỡ bằng một chiếc búa nhỏ. Theo Nhà Xanh (phủ Tổng thống Hàn Quốc), mousse xoài tượng trưng cho mối quan hệ ấm áp hơn trong tương lai giữa Hàn Quốc sau khi trải qua thời kì lạnh nhạt. 

Đồ uống, ngoài rượu champagne và rượu Hàn, còn có món trà được làm từ nấm trên dãy núi Baekdudaegan, chạy dọc từ Triều Tiên đến Hàn Quốc, và cam thu hoạch từ đảo Jeju ở cực nam Hàn Quốc. Món trà tượng trưng cho hy vọng rằng năng lượng hòa bình sẽ chạy xuyên suốt từ Baekdudaegan đến Jeju.

Tại Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang thực hiện chuyến thăm cấp quốc gia đầu tiên của một nhà lãnh đạo nước ngoài dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tổng thống Trump phục vụ quốc yến tốt nhất của Mỹ với một món mang hơi hướng Pháp.

Thực đơn thống nhất

Vậy thì, với ông Kim Jong Un, người được cho là rất mê pho mát và rượu vang Pháp, thì liệu món ăn Thụy Sĩ có được phía Hàn Quốc dọn ra với dụng ý chiếm được cảm tình của lãnh đạo Triều Tiên?

Johanna Mendelson-Forman, một giáo sư trợ giảng tại Đại học Mỹ ở Washington DC và một chuyên gia trong lĩnh vực ngoại giao ẩm thực nhận định: “Đây chắc chắn là một phần của chiến thuật.

Nhà nghiên cứu tư vấn Sam Chapple Sokol thì nhận xét: “Toàn bộ thực đơn rất hấp dẫn”. Ông đồng thời cho rằng các món ăn tại cuộc họp thượng đỉnh này, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đều đang “dọn bàn” cho những cuộc thảo luận tích cực.

"Bởi vì nó mang bản sắc của tất cả các vùng thuộc cả hai miền Triều Tiên, đó là một thực đơn thống nhất. Vì vậy, mục tiêu thực sự có vẻ là sự thống nhất”, Sokol cho hay.

Ông chỉ ra rằng chính phủ Triều Tiên chưa bao giờ thực sự xác nhận rằng ông Kim Jong Un từng sống ở Thụy Sĩ, và như vậy, “ở đây có sự đánh cược, và gần như những người thiết kế menu đã đưa ra giả định khi quyết định lên món Thụy Sĩ”.

Forman nói thêm: "Ai mà biết được, có lẽ ông Kim còn chưa từng dùng nó trước đây, hoặc có thể ông ấy quen với lẩu pho mát hay món pho mát cứng raclette hơn".

Sai lầm trên bàn tiệc

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gọi thức ăn là "công cụ ngoại giao lâu đời nhất" trong việc bồi dưỡng các mối quan hệ. Thực đơn được sử dụng với hy vọng cải thiện hợp tác, nhưng, như ông Sokol giải thích, mọi thứ không phải lúc nào cũng theo đúng kế hoạch.

Năm 1992, khi đó, Tổng thống Mỹ George H.W. Bush đã đến thăm Nhật Bản trong chuyến công du tới châu Á. Tại tiệc quốc yến, giữa phiên lên món thứ hai (cá hồi sống với trứng cá muối) và thứ ba (thịt bò nướng với nước sốt cay), ông đã làm nên lịch sử bằng cách trở thành Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm đầu tiên nôn mửa lên người Thủ tướng Nhật Bản.

Thực phẩm sau đó đã được xác định là không có vấn đề gì. Các phương tiện truyền thông Mỹ vào thời điểm đó đưa tin, đội ngũ nhân viên của Tổng thống báo lại rằng nguyên nhân chỉ là “bệnh cảm cúm”.

"Rõ ràng là không có mục đích xấu nào ở trường hợp này. Nhưng tôi nghĩ rằng sự cố đó đã khiến chúng ta bị ảnh hưởng, và cựu Tổng thống George H.W. Bush vẫn còn bị người dân ở Nhật Bản chế giễu", ông Sokol nói.

Cũng có những ví dụ điển hình về các tình huống ngoại giao kém may mắn khác.

Khi cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tổ chức tiếp đãi người đồng nhiệm Pháp François Hollande, thực đơn của Nhà Trắng có món trứng cá muối đặc sản vùng Illinois.

Tuy nhiên, đối với chính phủ của ông Hollande, họ cần tuyệt đối cẩn trọng để không làm châm ngòi làn sóng phản đối tại Pháp đối với những xa xỉ phẩm như trứng cá muối, thì điều này lại không mấy khả quan.

Ngoai giao tren bàn tiẹc: Cach thục don dinh hinh chinh tri
Món trứng cá tầm xa xỉ không thích hợp đối với ông François Hollande

Đạt thỏa thuận nhờ... bữa tối muộn

"Thực phẩm là một công cụ to lớn và mạnh mẽ. Bất cứ ai kiểm soát việc tiếp cận thức ăn, đều có quyền kiểm soát cục diện”, Tiến sĩ kiêm nhà phân tích Maria Velez de Berliner cho biết.

Điều này chắc chắn được chứng minh là đúng với trường hợp của cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher năm 1979. Trong một cuộc họp Hội đồng châu Âu với Tổng thống Pháp Giscard d'Estaing, khi ông d'Estaing muốn nghỉ ăn tối, bà từ chối kết thúc phiên họp trước khi quyết định được đưa ra.

Không mấy ngạc nhiên, bà đã khiến ông d'Estaing dường như đồng thuận hơn trước các đề xuất của mình khi cuộc họp tối tiếp tục kéo dài.

Bà Mendelson-Forman lập luận rằng, thực phẩm trong các tình huống ngoại giao cũng có khả năng phá vỡ các rào cản.

Ngoai giao tren bàn tiẹc: Cach thục don dinh hinh chinh tri
Margaret Thatcher: Chưa đạt thỏa thuận thì chưa được ăn tối. Ảnh: PA

"Thực phẩm khiến chúng ta, và cả đối phương, có tính người hơn”, bà giải thích.

Trong suốt 20 tháng đàm phán cho thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran, căng thẳng lên đến cao trào và các cuộc đàm phán gần như thất bại ít nhất năm lần, theo tờ New Yorker.

Các nhà đàm phán đã luôn ăn riêng biệt, nhưng vào ngày 4/7, Ngày Quốc khánh của Mỹ, người Iran đã đưa ra lời mời để hai bên dùng bữa chung, và đề nghị không bàn gì đến các vấn đề chính trị trong bữa ăn.

Bà Mendelson-Forman cho biết: “Đây là lần đầu tiên người Iran và người Mỹ nhìn nhận khác đi về nhau”. Tiến sĩ Berliner đồng ý với nhận định đó: “Trước đó, họ đã gặp nhau với tư cách là các nhà đàm phán; và sau đó, họ gặp nhau như những con người bình thường”.

Trong vòng 10 ngày, một thỏa thuận cuối cùng đã đạt được, với cả hai chuyên gia tin rằng, đó là nhờ bữa ăn bản sắc Ba Tư hai bên đã cùng chia sẻ và mối quan hệ mà nó đã giúp thúc đẩy”.

Tinh thần này rất có thể sẽ tiếp tục được dâng cao trong tuần này và trong cả tương lai gần, với cuộc họp của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, cũng như chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cuộc họp ngoại giao lớn chưa từng có tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra là giữa Tổng thống Trump và ông Kim Jong Un. Liệu các món ăn trên đĩa của họ có thể tạo ra một bước đột phá?

Lan Phương (Theo BBC - Business Insider)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI