Không bình dưỡng khí, người phụ nữ ngạo nghễ chinh phục đỉnh Everest

17/03/2018 - 06:24

PNO - Từ đỉnh núi Everest hùng vĩ, Hargreaves nhắn gửi đến hai con: “Mẹ đang ở nơi cao nhất của thế giới, và mẹ yêu các con rất nhiều.” Ba tháng sau, cô qua đời trên đường về từ đỉnh núi cao thứ nhì hành tinh K2.

Alison Jane Hargreaves, nữ vận động viên leo núi nổi tiếng, chào đời ngày 17/12/1962 ở Derby, Anh Quốc. Cô là con thứ trong gia đình có ba người con, cha là Edward Hargreaves, cán bộ khoa học cao cấp tại British Rail Derby và mẹ Joyce Winifred Hargreaves.

Khi Alison Hargreaves đặt chân lên đỉnh Everest ngày 13/5/1995, cô gửi lời nhắn cho con trai và con gái qua sóng radio: “Gửi Tom và Kate, các con yêu dấu của mẹ, mẹ đang ở nóc nhà của thế giới, và mẹ yêu các con rất nhiều.”

Khong binh duong khi, nguoi phu nu ngao nghe chinh phuc dinh Everest
Nữ vận động viên leo núi Alison Hargreaves bên chồng và hai con

Với thành công đó, cô trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử chinh phục đỉnh Everest cao hơn 8848m. Đáng chú ý là, Hargreaves không hề có bạn đồng hành cũng không trang bị bình dưỡng khí. Trong chuyến leo núi Himalaya, cô cũng không sử dụng dây thừng cố định. Từ trước đến nay, duy chỉ có một người khác là nhà leo núi người Ý Reinhold Messner mới dám chinh phục Everest trong tư thế ngạo nghễ đó.

Quê hương Anh Quốc của Alison Hargreaves vô cùng tự hào về cô. Hargreaves nhớ lại: “Cách mọi người ăn mừng thật không thể tin nổi. Họ xúm lại xung quanh tôi và xe đẩy, cố chụp thật nhiều ảnh.”

Nhưng hạnh phúc ấy không kéo dài. Đúng ba tháng sau chuyến leo núi Everest, vào chiều muộn ngày 13/8/1995, Hargreaves đặt chân lên đỉnh K2 ở Pakistan, nóc nhà cao thứ nhì của thế giới. Chỉ vài giờ sau, cô cùng nhóm 5 người khác thiệt mạng trong cơn bão tàn nhẫn. Khi ấy, nữ vận động viên quả cảm mới chỉ 33 tuổi.

Sau khi Hargreaves qua đời, một bộ phận truyền thông và xã hội bắt đầu phản ứng dữ dội. Họ phê phán cô và nhóm đồng hành là ích kỷ, bỏ lại các con nhỏ chỉ để đặt bản thân vào nguy hiểm.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Guardian năm 2002, anh James Ballard – chồng Alison Hargreaves – chia sẻ: “Truyền thông để các nhà tâm lý học chất vấn tại sao tôi không ngã quỵ. Tiếp theo, họ nói cô ấy không nên rời xa các con”.

Dẫu vậy, chính con gái của nhà leo núi lừng lẫy khẳng định: “Những ai chỉ trích mẹ tôi là sai trái và vô cùng thiển cận. Hai mươi năm sau với bình đẳng giới tiến bộ và định kiến xã hội thay đổi, liệu họ có phản ứng như thế nữa không? Dĩ nhiên là không”.

Khong binh duong khi, nguoi phu nu ngao nghe chinh phuc dinh Everest
Alison Hargreaves đã giúp thay đổi định kiến xã hội về thành công trong sự nghiệp, đặc biệt là công việc nguy hiểm, của phụ nữ và bà mẹ.

Cũng trong cuộc phỏng vấn đó, anh James Ballard bày tỏ sự thất vọng do nhiều phụ nữ và bà mẹ bị phán xét vì thành công trong sự nghiệp, đặc biệt là những công việc nguy hiểm. 

Anh nói về người vợ thân yêu: “Làm sao tôi có thể ngăn cô ấy lại? Tôi yêu Alison vì cô ấy muốn chinh phục đỉnh núi cao nhất với các kỹ năng của mình. Đó chính là con người của vợ tôi. Trong tương lai lâu dài, tôi mong rằng sự hy sinh của Alison sẽ giúp thay đổi thái độ xã hội một cách tích cực.”

Sự thật là nhiều người đã phải thừa nhận điều đó. Trong cuốn sách Game Changers: The Unsung Heroines of Sports History (tạm dịch: Kẻ thay đổi luật chơi: Những nữ anh hùng thầm lặng trong lịch sử thể thao), Molly Schiot đã gọi Alison Hargreaves là “con người mạo hiểm, thích khám phá những chặng đường mới hoang dã”.

Theo Schiot, hành trình chinh phục Everest của Hargreaves đã góp phần “phá vỡ định kiến xã hội về người mẹ”.

Ngày 28/7/2017, nhà leo núi Vanessa O’Brien trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên chinh phục thành công đỉnh K2. Đồng thời, ở tuổi 52, bà cũng là người phụ nữ lớn tuổi nhất chạm đến đỉnh cao thứ nhì thế giới.  

Hai ngày sau đó, 30/7, Vanessa O’Brien vinh danh Hargreaves trong một bài đăng Twitter: “Tôi kính trọng và thừa nhận Julie Tullis (1986) và Alison Hargreaves (1995), những người phụ nữ đã thiệt mạng trên đường xuống núi K2. Tôi luôn nhớ đến họ #RIP.” Tullis, một nữ vận động viên người Anh, cũng qua đời vì gặp bão trên đường xuống núi K2.  

Khong binh duong khi, nguoi phu nu ngao nghe chinh phuc dinh Everest
Theo Hargreaves, phụ nữ phải làm việc vất vả hơn đàn ông để được công nhận.

Trong cuộc phỏng vấn cuối cùng, Hargreaves cho biết cô bắt đầu leo núi năm 13 tuổi và luôn mơ ước chinh phục đỉnh Everest.

Đó chưa bao giờ là việc dễ dàng nhưng suy nghĩ của nhà leo núi lại thay đổi khi cô bắt đầu cân nhắc khả năng thực hiện một mình: “Tôi bắt đầu tập leo núi một mình rất nhiều. Trải nghiệm chinh phục Everest hoàn toàn độc lập, không có bình dưỡng khí chắc chắn sẽ tuyệt vời”.

Everest không phải là kỷ lục duy nhất mà Hargreaves nắm giữ. Mùa hè năm 1993, cô trở thành người đầu tiên leo sáu mặt núi lớn phía bắc của dãy Alps chỉ trong một mùa duy nhất. Thành công này đã truyền cảm hứng để cô viết cuốn sách A Hard Day’s Summer (tạm dịch: Mùa hè trong một ngày khó khăn).

Năm 2015, con trai Tom Ballard của Hargreaves, chỉ mới 6 tuổi khi mẹ qua đời năm 1995, trở thành người đầu tiên chinh phục sáu mặt núi lớn phía bắc của dãy Alps chỉ trong một mùa đông. Con gái của Hargreaves cũng là vận động viên leo núi.

Bằng một cách nào đó, chuyến leo núi Alps đầu tiên của Tom là với mẹ. Tháng 7/1988, Hargreaves chinh phục mặt núi Eiger khi đang mang thai con trai sáu tháng. Chuyến đi được thực hiện với mục đích kỷ niệm 50 năm người đầu tiên chinh phục Eiger.

Khong binh duong khi, nguoi phu nu ngao nghe chinh phuc dinh Everest
Alison Hargreaves - nữ anh hùng thầm lặng trong lịch sử thể thao thế giới

Trong cuộc phỏng vấn cuối cùng, Hargreaves cũng chia sẻ những thử thách và bất bình đẳng mà các nữ vận động viên leo núi phải đối mặt. Cuộc phỏng vấn được Matt Comeskey - người đồng nghiệp may mắn sống sót vì quay về sớm hơn dự kiến - thực hiện vào ngày 27/7/1995 tại khu cắm trại K2 và được The Independent xuất bản tháng 9 năm đó.

Hargreaves nói với Comeskey: “Theo tôi nghĩ, phụ nữ thường mất đam mê leo núi sau khi họ kết hôn và có con. Có con là niềm hạnh phúc lớn lao, có thể khiến bạn không mong chờ gì khác nữa.

Với tôi, sinh con là quyết định có ý thức. Tôi thực sự muốn làm mẹ, và tôi cũng muốn tiếp tục leo núi.”

Khi được hỏi liệu nữ vận động viên leo núi cần mạnh mẽ hơn đàn ông, Hargreaves cho biết: “Theo tôi, nhìn chung phụ nữ phải làm việc vất vả hơn đàn ông để được công nhận.”

Cô nhớ lại một lần bị đồng nghiệp coi thường: “Trong một bữa tối cho dân leo núi, một vận động viên rất nổi tiếng bắt chuyện: “Cô là nhân viên đạo cụ ở đây hả?”. Đối với tôi, đó là điều tồi tệ nhất mà anh ta có thể thốt ra. Tôi thường xuyên cảm thấy giận dữ vì bị đối xử bất công.”

Khong binh duong khi, nguoi phu nu ngao nghe chinh phuc dinh Everest
Alison Hargreaves và các đồng nghiệp đã chinh phục đỉnh K2, nhưng không may mắn thiệt mạng trên đường về vì thời tiết khắc nghiệt.

Ở độ cao 8611m, núi K2 thuộc dãy Karakoram (Pakistan), là nóc nhà thứ hai của thế giới chỉ sau Everest, nhưng lại khó khăn và nguy hiểm hơn nhiều. Trong chuyến chinh phục K2, Hargreaves là thành viên của nhóm thám hiểm Mỹ do Rob Slater dẫn đầu. Cùng trên núi lúc đó là nhóm thám hiểm New Zealand có Peter Edmund Hillary, con trai của người đầu tiên đặt chân lên đỉnh Everest Sir Edmund Hillary, và một nhóm Tây Ban Nha khác.

Thời tiết khắc nghiệt khiến phần lớn các nhà leo núi phải bỏ cuộc giữa chừng, trong đó có Hillary và một số thành viên trong nhóm của anh như Comeskey. Tuy nhiên, Hargreaves, Slater, Bruce Grant, Jeff Lakes, Javier Escartin, Javier Olivar và Lorenzo Ortiz vẫn kiên định với mục tiêu. Thật không may, họ qua đời thương tâm trên đường xuống núi.

Ngoại trừ Lakes – dẫu quyết định quay về trước nhưng chết vì phơi nhiễm, cả nhóm đã chinh phục K2. Hargreaves bất chấp mọi khó khăn, đạt mục tiêu mà không cần bình dưỡng khí.

Trước chuyến đi K2 định mệnh, cô đã dự định leo đỉnh núi cao thứ ba thế giới là Kanchenjunga, Himalayas: “Nếu bạn có hai lựa chọn, hãy thực hiện cái khó khăn hơn vì bạn sẽ tiếc nuối nếu không làm vậy. Dù thất bại thì ít nhất bạn cũng đã cố gắng hết sức rồi.”

Ngọc Anh (theo New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI